Loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Nga, tác động lớn đến đời sống và công việc làm ăn của nhiều người Việt tại đây.
Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga chủ yếu tập trung làm ăn, buôn bán ở các chợ đầu mối tại nhiều khu vực trên toàn nước Nga. Ở Moskva, phần nhiều bà con ta kinh doanh ở chợ Liubliu và Sadavod.
Lao đao khi đồng rúp mất giá
, anh Dương Quốc Thiện, tiểu thương ở Moskva nói với VTC News.
Ngoài những tác động tiêu cực chung từ thị trường quốc nội, các khu chợ của người Việt tại Nga còn có những khó khăn khác: Chi phí thuê mặt bằng, dịch vụ rất cao, giá mua đầu vào cao, hàng hoá nhập về khó khăn do nhiều khu vực bị phong toả. Thương nhân Việt chủ yếu dùng tiền USD và euro để mua hàng hoá và nguyên liệu sản xuất từ các nước và bán ra bằng đồng rúp cho người dân Nga. Giờ đây khi đồng rúp trượt giá, nhiều người Việt bị thiệt hại hơn nửa tài sản.
“Không thể kể hết khó khăn. Đồng rúp mất giá nhiều, giá hàng hoá tăng cao, thị trường trì trệ. Việc kinh doanh hầu như cầm chừng hoặc dừng hẳn. Trong khi đó, tất cả các chi phí hàng ngày như tiền thuê mặt bằng, lương công nhân, sinh hoạt cá nhân và gia đình vẫn phải chi trả. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai nhiều người Việt”, anh Thiện cho biết thêm.
Chợ Việt ở Nga vắng khách.
Tình hình khó khăn, nhiều người Việt phải trả mặt bằng, tạm dừng kinh doanh và chuyển sang làm thuê. Kiều bào ở khắp nơi đều gặp tình trạng chung này, từ Moskva cho tới các khu vực có đông người Việt sinh sống như Tula, Volgograd, Voronezh, Kazan...
Chị Dương Thị Thìn, tiểu thương tại Voronezh cho biết, hai năm gần đây dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến cuộc sống của chị khá bấp bênh. Bây giờ xảy ra xung đột Nga - Ukraine, tình hình lại càng khó khăn hơn.
“Từ khi cuộc chiến bùng nổ, sức mua của người dân Nga giảm mạnh. Bà con người Việt nào may mắn vẫn bán được hàng thì vừa vui,vừa buồn. Bởi có khi nay lấy được hàng về bán, ngày mai giá bán buôn đã cao hơn giá bán lẻ hôm qua”, chị Thìn cho biết.
Khó khăn chồng chất
Theo chị Thìn, hiện nay, những bà con sang đây lao động, làm công ăn lương gửi tiền về cho gia đình trong nước thực sự khó. Tiền lương được trả bằng đồng rúp, trong khi tỉ giá USD tăng cao, số tiền gửi về chẳng còn là bao. Thậm chí nếu tính theo tỉ giá hiện nay, lương của lao động Việt Nam ở Nga còn thấp hơn ở trong nước.
Với chị Nguyễn Thị Hường, một lao động Việt Nam làm thuê trong lĩnh vực may mặc tại Moskva, trước đây, thu nhập hàng tháng của chị có thể đổi ra ngoại tệ đạt từ 800-1.000 USD/tháng. Còn hiện nay, số tiền chị quy đổi ra USD gửi về lo cho gia đình ở Việt Nam bị giảm hơn nửa.
Ngoài ra, chị cho biết, vì giá cả thị trường thay đổi chóng mặt, các công ty may mặc cũng tạm dừng nhập nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài. Do đó, những lao động làm thuê như chị cũng không có việc làm, trong khi chi phí sinh hoạt và vật giá tăng cao.
Lao động may mặc Việt Nam làm việc tại Nga.
Nhiều người Việt tại Nga đang tiếp tục nghe ngóng, chờ đợi. Nếu tình hình xấu tiếp tục diễn ra, sẽ có 2 khả năng xảy ra. Những người không vướng bận gia đình ở Nga, làm công trong lĩnh vực may mặc, nông nghiệp, xây dựng, có thể về nước. Trong khi đó, những người có gia đình ở đây vẫn phải bám trụ lại, để lo cho con cái học hành.
“Tình hình này còn kéo dài, tôi và nhiều lao động Việt Nam khác phải nhanh chóng về nước. Vì nếu ở lại, sẽ không còn tiền để chi tiêu, trong khi cần có tiền để gửi về lo cho con cái, bố mẹ già ở quê”, chị Hường nói.
Đoàn kết vượt qua khủng hoảng
Bên cạnh nhóm người Việt sẵn sàng tinh thần để về nước, nhiều người vẫn kiên định ở lại và gắn bó với nước Nga.
Chị Trần Phi Na sinh sống tại Moskva cho biết, dưới ảnh hưởng của lệnh trừng phạt từ phương Tây, cộng đồng người Việt hiểu vị thế của người Nga. Mọi người vẫn cố gắng lạc quan đi làm việc. Nhiều người dần quen và cảm thấy chấp nhận được các hạn chế này. Một vài điều bất tiện nhỏ như không còn nhiều sự kiện văn hóa và ca nhạc, ít sự kết nối với nước ngoài hơn.
Tiểu thương Việt Nam bán được hàng vừa mừng vừa lo trong cơn bão giá.
“Hiện không nhiều người Việt Nam ở các chợ đầu mối ở Moskva muốn về trong thời điểm này, bởi đa số hộ đã có quyền định cư hợp pháp. Mọi người vẫn cố gắng tiết kiệm, đoàn kết giúp đỡ nhau, cùng đồng hành vượt qua khủng hoảng”, chị Na nói.
Bên cạnh đó, bà con người Việt theo dõi sát sao tình hình chiến sự, và bày tỏ sự lo lắng cho người dân trong vùng xung đột. Ở các chợ đầu mối có người Việt kinh doanh, buôn bán, mọi người kêu gọi quyên góp quần áo, giày dép, tiền bạc để ủng hộ người dân Ukraine trong đó có cả người Việt Nam đang chạy tị nạn.
Còn theo chị Dương Thị Thìn, hiện nay có trên 80% người Việt tại Voronezh tin tưởng vào khả năng vượt qua khủng hoảng của nước Nga. Mọi người vẫn lạc quan và cố gắng giúp đỡ nhau trong giai đoạn khó khăn này.
“Người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu đều có tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong hoạn nạn, khó khăn”, chị Thìn nói.
Những người Việt Nam ở Nga lâu năm đều hiểu rằng, cứ chu kỳ 7-10 năm sẽ xảy ra một đợt khủng hoảng kinh tế như thế này, nên người Việt cũng thích nghi dần.
“Thường trong cái khó, ló cái khôn. Người Việt Nam tại Nga hi vọng rằng, khi những tập đoàn kinh doanh, chuỗi hàng bán lẻ lớn của phương Tây rời đi, lúc đó các xưởng may và cửa hàng bán quần áo và đồ ăn nhanh của người Việt sẽ mọc lên và phát triển tại Nga”, chị Thìn lạc quan.
Anh Dương Quốc Thiện nói: “Trong lúc khó khăn này, cần bình tĩnh thì mới có thể tìm ra được ánh sáng từ đường hầm”.
“Đầu tiên là bà con phải cân đối tài chính trong chi tiêu và kinh doanh bởi vì khó khăn đang còn dài. Thứ hai là tìm hiểu kĩ thị trường cung cầu. Sau khi các tập đoàn phân phối lớn của phương Tây như H&M, Zara, Nike, Adidas,… tạm dừng hoạt động hoặc rút đi, bà con người Việt có thể tranh thủ thời cơ để chiếm lĩnh thị phần”, anh Thiện nói.
MINH TUẤN
Nguồn: vtc.vn