Tết đến, Xuân về, dù ở đâu, nó cũng mang đến cho người Việt ở mọi nơi trên thế giới những cảm giác mới lạ, xong vẫn không nguôi nỗi nhớ quê hương, nhất là đối với những người đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này.

Mùa Xuân ở xứ lạnh

Hàng năm, cứ sau dịp nghỉ Giáng sinh (Noel) và Tết Dương lịch của người châu Âu khoảng chừng một tháng, người Việt tại Đan Mạch nói riêng, tại châu Âu nói chung và ở khắp mọi nơi trên thế giới lại rậm rịch đón Tết Âm lịch.

Do vị trí địa lý khác nhau, nên phân định các mùa cũng khác. Và vì thế, Tết ta trùng vào thời điểm gần giữa mùa Đông (kéo dài trong các tháng 1,2,3) ở xứ bạn, chứ không vào đầu Xuân như ở ta. Cùng với người Việt, còn một số cộng đồng khác cũng đón Tết Âm lịch như Hoa Kiều, Thái Kiều…, tất cả làm nên một không khí đón Xuân đầm ấm tại vùng đất Bắc Âu lạnh lẽo.

Sau Noel, bầu trời Đan Mạch vốn âm u, mưa tuyết lạnh lẽo kể từ đầu tháng 10 Dương lịch (khi Đan Mạch sang Thu), sáng dần lên. Thời tiết bắt đầu có bước chuyển vụ và khá lạnh. Mùa Xuân ở Đan Mạch đến chậm hơn một chút so với ở xứ ta. Phải sang tận tháng 3 Dương lịch khi mưa tuyết và cái lạnh giảm dần, mới xuất hiện những mầm xanh trên cây cối, dấu hiệu của Xuân sang.

Mùa Xuân ở Đan Mạch rơi vào các tháng 3, 4, 5. Tuy nhiên, thời tiết vẫn còn lạnh và cây cối chưa thực sự tràn ngập màu xanh như ở Việt Nam. Lúc này, dân bản địa gọi là mùa Đông xanh. Xuân ấm áp, cây cối tốt tươi, đâm cành, trổ hoa, mọc trái ở Đan Mạch chỉ bắt đầu từ giữa tháng 5.

42 1 Nho Tet Ta O Dan Mach

Tác giả (thứ ba từ phải) chụp ảnh chung cùng đoàn nghệ sĩ, văn công Việt Nam.

Đầy đủ hương vị Tết ta

Khi những người dân châu Âu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ đông, cũng là lúc cộng đồng người Việt và một số cộng đồng gốc Á khác chuẩn bị cho cái Tết của mình.

Cộng đồng người Việt ở Đan Mạch có khoảng 16.000 người. Trong số đó có cả người Việt, người Việt gốc Hoa và sống tập trung ở các thành phố lớn như Copenhagen, Aarhus, Aalborg, Odense và một nhóm nhỏ người Khmer Nam Bộ, sinh sống ở khu vực Haslev và Slagelse. Tất cả náo nức hòa chung không khí đón Xuân vui tươi như ở trên đất Việt.

Cộng đồng người Việt ở Đan Mạch chủ yếu là theo thiên chúa giáo (60%) , phật giáo (35%) và Tin Lành (chiếm tới 99% trong số người Khmer). Bởi vậy, mỗi nhóm người theo tín ngưỡng khác nhau đều có cách tổ chức đón Tết riêng của mình: Người theo đạo Phật hay Thiên Chúa giáo đều tổ chức buổi họp mặt đón Tết riêng và cùng tổ chức múa Lân, tấu hài, ca hát, nhảy các điệu thể thao sôi động…

Người Khmer ngoài việc đón Tết như những người Việt khác, cũng tổ chức hội lớn dịp lễ Phục sinh, vào khoảng tháng 3. Cộng đồng người Việt ở xứ Bắc Âu lạnh lẽo này cũng tổ chức nấu bánh chưng, gói giò nạc và giò mỡ, muối dưa hành, rồi viết câu đối, làm mứt Tết… tạo nên một không khí đủ đầy hương vị Tết ta.

42 2 Nho Tet Ta O Dan Mach

Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch đón Xuân Bính Thân.

Hàng năm Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch luôn coi trọng việc tổ chức Tết Cộng đồng cho những người Việt sinh sống và làm việc tại đây.

Cứ mỗi dịp Tết về, Đại sứ quán hoặc đặt bà con người Việt gói bánh chưng, hoặc kê nồi nấu bánh chưng trong sân Đại sứ quán, rồi đặt giò và chuẩn bị các món ăn mang hương vị Việt Nam.

Để tăng thêm không khí Tết Việt giữa trời tây, ngoài việc làm một phông to với dòng chữ "Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Đan Mạch tổ chức Tết Cộng đồng" trên nền là hình ảnh món ăn của Tết Việt, Đại sứ quán luôn cố gắng để có một cành đào nhỏ, nở hoa chúm chím được gửi từ Việt Nam sang.

Thường thì Đại sứ quán hay tổ chức Tết Cộng đồng trước Tết chính thức khoảng một tháng. Thông báo mời dự được gửi tới bà con trước đó khoảng một đến một tháng rưỡi.

Dù bận bịu với công việc do Tết ta rơi vào thời điểm các công sở, cơ quan nước sở tại đã đi làm và phải lo Tết riêng, xong nhiều bà con người Việt vẫn háo hức kéo về Đại sứ quán để cùng vui đón Tết chung. Người Việt sống rải rác trên khắp đất nước Đan Mạch đều cử đại diện dự Tết Cộng đồng.

Copenhagen nằm giáp Malmo, thành phố lớn thứ 3 của Thụy Điển, chỉ cách một cây cầu Oresund.

Cây cầu này có chiều dài 15,9 km, gồm hơn 4 km đường hầm dưới mặt biển, dẫn đến một đảo nhân tạo dài cũng từng ấy và nối với một cây cầu nổi dài hơn 7 km trên mặt biển. Cộng đồng người Việt ở Malmo khá đông, khoảng chục nghìn người. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt ở đây cũng khá phong phú và đa dạng. Mọi sinh hoạt Tết cộng đồng của Đại sứ quán ta tại Copenhagen đều có sự tham gia của bà con người Việt tại Malmo như một bộ phận gắn bó khăng khít.

Sau khi nghe lời chúc Tết từ Đại sứ, lời đáp từ của đại diện cộng đồng bà con là tiết mục văn nghệ ngày xuân. Một số anh chị em được dịp trổ tài với các bài hát vốn đã được ấp ủ và chuẩn bị cả năm, giờ là lúc "bung" ra. Trên nền nhạc Tết, bà con thưởng thức các món ăn của ngày Xuân quê hương. Chả thiếu hương vị nào của ngày Tết… Năm nào, bà con cũng mời thêm cô dâu, chú rể là những vị khách châu Âu đến dự. Nhiều người trong số họ cũng tỏ ra "sành điệu" khi thưởng thức các món ăn Việt. Nhiều cháu là thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba thích thú khi được thưởng thức các món ăn quê hương mà lần đầu được nếm.

 42 3 Nho Tet Ta O Dan Mach

Vẫn nhớ về quê nhà…

Với những người đã sống lâu năm tại Đan Mạch, cuộc sống xứ này đảm bảo về vật chất, văn minh, nhưng vẫn buồn so với ở quê nhà, nhất là người già vì không hợp văn hóa, khí hậu, môi trường sống.

Để cho thêm "đậm đà tình quê", thường thì vào trước hoặc trong dịp Tết, hay có các nghệ sỹ văn công từ trong nước được mời sang biểu diễn tại Đan Mạch hoặc Malmo (Thụy Điển) cho cộng đồng người Việt.

Năm thì Đông Nhi, năm thì Đàm Vĩnh Hưng, Dương Hồng Loan, năm thì đoàn Văn nghệ từ TP. Hồ Chí Minh…, cùng với đó các ca sĩ người Việt từ châu Âu, nước sở tại lại đổ về, làm cho đêm sinh hoạt văn nghệ của bà con trở nên vui nhộn, đủ sắc màu. Sống xa quê, nhiều bà con đặc biệt thích thú với các loại hình nghệ thuật dân tộc như ca vọng cổ, diễn trích đoạn Tuồng, lên đồng…

Tại một số nơi, bên cạnh việc tổ chức các chương trình văn nghệ đón Tết, bà con còn tổ chức các chương trình quyên góp hướng về đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lũ hoặc bị bệnh tật với các khẩu hiệu như: "Bầu ơi thương lấy bí cùng" hay " Cho đi để còn mãi mãi"…

Với nhiều bà con, Tết ta cũng là dịp cho những chuyến đi du lịch thăm lại quê cha, đất tổ, gặp người thân, dự chương trình Xuân Quê hương ở Việt Nam, tham gia các tour Du lịch trên khắp mọi miền đất nước.

Với những ai chưa có điều kiện về quê thì Tết cũng là dịp bà con tập trung cùng đón giao thừa, chúc mừng năm mới và giao lưu, chúc tụng, lì xì nhau với đủ các tập tục như ở Việt Nam.

Với gia đình tôi cũng vậy. Đón ba cái Tết ta ở Đan Mạch, chúng tôi cũng đón thêm một thành viên mới, nhân lên nhiều niềm vui, song cũng thực sự là thử thách bởi luôn mang trong mình nỗi nhớ khắc khoải về quê hương, người thân. Lòng tôi náo nức, rạo rực khi nghe ai đó hát "Xuân đã về, xuân đã về

Ngàn hoa hé môi cười tươi đón gió mới" song cũng khắc khoải, da diết khi biết ở nhà bao người thân đang ngóng chờ mình…Chắc cũng rất nhiều người chia chung cảm giác ấy với tôi. Mong sao mọi chuyến đi đều có hẹn ước, mọi con tàu rời bến đều có cơ hội quay lại nơi xuất phát để không có ai đó bị đánh mất đi quá khứ thân thương của mình…

Nguồn: Xuân Thông/ baoquocte




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC