Thống kê từ Cơ quan chuyển tuyến quốc gia Anh, năm 2018 là năm thứ 03 liên tiếp người Việt nằm trong top 03 nước có tổng số người được chuyển tuyến với nghi vấn là nạn nhân của buôn bán người và di cư trái phép.
Bắt giữ người Việt Nam trồng cần sa tại Anh quốc.
Phận “Người rơm Việt”
“Sang tới nơi thì họ thu hết hộ chiếu, đầu tiên thì họ nói sang làm móng, thực ra là họ toàn nhốt bọn tôi trong nhà thôi. Còn một số đường dây đi qua đường Nga thì vất vả hơn, mất ít tiền hơn, khoảng 20.000 USD – số tiền đấy thì trả nợ nhanh hơn, người ta không đi đường bay thẳng vào Châu Âu.
Đi sang đến Pháp, người ta nhốt tôi vào một cái nhà, phải di chuyển đến 05 nơi ở, khoảng 01 tuần chuyển một nơi, đi lại trên thùng xe tải kín. Phải rất nhiều lần đi lại như thế, khoảng 01 tháng 21 ngày anh mới sang được tới Anh” – đây là chia sẻ của một nạn nhân nam đến từ Hà Nội.
Trong khi đó, một nạn nhân nữ đến từ Quảng Bình kể rằng, cô không dám báo cảnh sát, vì là người liên quan, cô sẽ bị bắt.
“Họ bảo tôi ở đây làm đi, một tháng nó trả cho 500 USD. Làm tốt mọi thứ thì được trả 2.000 USD. Tôi ở một mình trong nhà sợ lắm, một tháng gầy sọp mấy ký luôn”, nạn nhân nói.
Tang vật thu giữ trong một vụ quá trình cảnh sát Anh đột nhập một trang trại trồng cần sa của người Việt Nam.
Hai nạn nhân trên đều được cơ quan chức năng xác định là làm lao động cưỡng ép trong các trang trại trồng cần sa tại Anh quốc, sau đó bị phát hiện và trục xuất về nước. Thực trạng buôn bán người và di cư trái phép sang Anh quốc từ nhiều năm nay đã trở thành câu chuyện được các cơ quan chức trách lưu tâm. Thống kê từ Cơ quan chuyển tuyến quốc gia của Anh cho biết, năm 2018, tổng số hồ sơ nghi vấn là nạn nhân của buôn bán người và di cư trái phép là 702 hồ sơ. Trong đó, 382 trường hợp là người trưởng thành, 320 trường hợp trẻ em.
Những nhóm tội phạm liên quan đến buôn bán người tại Anh quốc có hoạt động phức tạp. Nam giới, phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn bán, bóc lột sức lao động trong điều kiện tồi tệ ở các cơ sở trồng cần sa, massage và làm nail (móng).
“Vấn đề buôn bán người và di cư trái phép là một vấn đề rất lớn trên thế giới. Và đặc biệt có nhiều người Việt Nam đến Vương quốc Anh trái phép và họ bị bóc lột lao động và lợi dụng bởi những nhóm tội phạm.
Vào năm nay, theo thống kê số liệu của Vương quốc Anh, có nhiều hơn 300 nạn nhân của buôn bán người. Chúng tôi gọi họ là những nô lệ hiện đại” – ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ thông tin về thực trạng này.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Minh Đức từ Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ cho hay: “Thông thường thì nạn nhân của mua bán người và những người di cư trái phép sẽ thông tin tới những cơ quan tuyến đầu trong đó có lực lượng cảnh sát, các tổ chức phi Chính phủ, các cơ quan di trú, xuất nhập cảnh của Anh quốc. Sau đó những cơ quan tuyến đầu này sẽ hỗ trợ các nạn nhân hoặc là người di cư trái phép để điền vào mẫu đơn để xác định nạn nhân và nộp sang cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nội vụ Anh. Đây là cơ quan có thẩm quyền duy nhất cấp giấy xác nhận nạn nhân.”
Tuy nhiên, khái niệm nô lệ hiện đại và mua bán người không được hiểu biết đầy đủ nên nạn nhân cùng gia đình của họ ngộ nhận đang được giúp đỡ cải thiện đời sống. Gia đình che giấu khiến cơ quan chức năng của Anh khó nhận diện, điều tra hình sự. Cùng với đó, các thanh thiếu niên đều dùng danh tính giả, được hướng dẫn khai man khi bị bắt.
Chấm dứt nạn mua bán người
Nạn mua bán người và nô lệ hiện địa là một tội ác được thực hiện bằng cách bóc lột những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng.
Liệu Việt Nam có hiện thực hóa được viễn cảnh không còn nạn mua bán người và nô lệ thời hiện đại ? Câu hỏi trên được đặt ra tại “Hội thảo tham vấn cộng đồng về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép” do Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an chủ trì phối hợp tổ chức cùng các bên liên quan tại tỉnh Quảng Ninh vào tháng 9.
Hội thảo tham vấn cộng đồng về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép do Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh.
Những câu chuyện được chia sẻ tại đây cho thấy các nạn nhân, một khi bắt đầu hành trình, sự an toàn của các nạn nhân dần trở nên bấp bênh hơn khi phải đối mặt với những hoàn cảnh mới và sự thay đổi không lường trước được, tính dễ bị tổn thương cũng tăng lên.
Thậm chí có nạn nhân bị bán đi bán lại qua nhiều đất nước trước khi được về với cố quốc.
“Sang Campuchia thì cháu bị bắt làm gái mại dâm, năm đấy cháu 15 tuổi. Quá trình sống của cháu 02 năm ở Campuchia thì cháu bị bóc lột thậm tệ. Sau đấy, cháu càng cố gắng vùng vẫy trốn về thì chủ đánh đập và tiếp tục bán cháu sang Thái Lan.
Thời gian cháu làm việc ở Thái Lan kéo dài gần 3 năm và ở đấy, trong quá trình có những ngày cháu chia sẻ là cháu phải tiếp khách tới gần 30 người. Cháu chống cự thì bị cắt gân tay, gân chân. Khi mà cháu trở về với chúng tôi là trong tình trạng 2 tay của cháu là không duỗi ra được, hễ ai đến gần cháu đặc biệt là những người khác giới thì cháu thường ở trong thế co rúm người vào và tự vệ, sẵn sàng đánh trả.
Sau khi bị bán sang Thái Lan rồi lại bị bán sang Singapore rồi lại bán ngược lại Thái Lan. Và qua một tổ chức Quốc tế tại Thái Lan, cháu được trao trả về qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất.” – bà Trần Thanh Thủy, Trưởng ban Kinh tế – Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh suýt bật khóc khi kể về số phận khốn cùng của nạn nhân đặc biệt mình từng tiếp xúc.
Thế nhưng, những điểm không tương đồng trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia dẫn tới việc cấu thành tội phạm khác nhau. Quá trình xử lý đối với tội phạm buôn bán người xuyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.
Phó Hiệu trưởng Đại học Kiểm sát Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hạnh cung cấp thêm các thông tin về mặt pháp lý bên lề hội thảo trên: “Chúng ta khó khăn đặc biệt là với các đối tượng người nước ngoài, rất khó khăn trong hoạt động tương trợ tư pháp hình sự bởi vì chúng ta mới ký được rất ít các hiệp định song phương để có thể tương trợ tư pháp. Ngoài các nước mà chúng ta đã ký kết các hiệp định song phương mà có yếu tố nước ngoài thì chúng ta lại thực hiện theo con đường ngoại giao và có đi có lại. Rồi thực hiện theo các thủ tục này thì thời hạn rất lâu và có rất nhiều trở ngại, ngay kể cả về mặt pháp luật đã không tương đồng rồi”.
Nghiên cứu mới nhất do Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam thực hiện cho thấy những công dân Việt Nam được xác định là nạn nhân buôn bán người thường khởi đầu hành trình di cư sang Vương quốc Anh với một quyết định lý trí nhưng lại dựa trên những thông tin không đầy đủ hoặc không đáng tin cậy.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Hiệu trưởng Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Trung tá Ngô Xuân Ý, Phó trưởng phòng Phòng 05, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho rằng, dự án phòng chống mua, bán người sang Anh quốc sẽ hỗ trợ quá trình xử lý tư pháp đối với các vụ việc mua bán người được nâng cao thông qua việc cải thiện khung pháp lý và tiếp cận công lý cho các nạn nhân bị mua bán, người có nguy cơ bị mua bán. Nạn nhân hoặc người có nguy cơ là nạn nhân của các địa bàn dự án được hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng sau 1 năm trở về.
Mục tiêu của dự án này là chấm dứt nạn mua bán người và nô lệ thời hiện đại thông qua việc phòng ngừa, tăng cường tiếp cận pháp lý, tăng tỷ lệ truy tố đối với tội phạm mua bán người, đồng thời bảo vệ nạn nhân thông qua hỗ trợ trực tiếp và tái hòa nhập. Dự án Phòng, chống mua bán người và di cư trái phép được kỳ vọng là khởi đầu của một thời kỳ mới của quan hệ hợp tác vốn đã bền chặt giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Anh trong công tác đẩy lùi loại hình tội phạm vô cùng nguy hiểm này.
QUẢNG ĐỊNH- Báo Nông nghiệp