Sau giờ học, người bà con kêu cô đi làm không công không khác gì một “nô lệ.” Ngọc quyết định kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 15, bằng 80 viên thuốc Tylenol. Nhưng, Ngọc không chết.
Một nông dân trồng cà phê tại Hawaii vừa bị tòa án liên bang bác đơn thỉnh nguyện được ở lại Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu, 7 Tháng Bảy, sau khi ông cố gắng đấu tranh để được ở lại Mỹ cùng vợ và các con, theo NBC News.
Ngay ngày hôm đó, ông Andres Magana Ortiz phải nói lời chia tay cùng vợ và ba người con tại Phi Trường Quốc Tế Kona, Hawaii, sau khi khi Bộ Nội An bác bỏ thỉnh nguyện thư về việc hợp thức hóa tình trạng định cư cho ông, dù vợ ông mang quốc tịch Hoa Kỳ.
Theo nguồn tin này, ông Ortiz phải rời Hawaii để trở về Mexico.
Ông nói với phóng viên rằng ông không hề có người thân tại đây sau khi theo mẹ nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ cách đây 28 năm, lúc ông 15 tuổi, .
Sau đó, ông bắt đầu mở một trang trại cà phê tại vùng Kona, Hawaii, lập gia đình, sinh con đẻ cái, và được người dân nơi đây yêu mến.
Trong 30 năm qua, ông Ortiz đã nhiều lần cố gắng để hợp thức quá tình trạng định cư của mình. Con gái ông có quốc tịch Mỹ, cũng từng nộp đơn xin phép cho ông được ở lại Mỹ với tư cách là một thân nhân.
Tuy nhiên, vào Tháng Ba, chính quyền sở tại đã quyết định trục xuất ông, trong khi đơn xin của ông vẫn còn trong giai đoạn xét duyệt.
Tháng Năm vừa qua, sự việc của ông Ortiz được nhiều người biết đến sau khi luật sư của ông đưa vấn đề này lên Tòa Kháng Án Địa Hạt Số 9 tại San Francisco.
Tại đây, Thẩm Phán Liên Bang Stephen Reinhardt chỉ trích quyết định của bộ máy chính quyền Tổng Thống Donald Trump là “thiếu tính nhân đạo.”
Tuy vậy, vị thẩm phán này vẫn phải tuân theo luật lệ và bác bỏ yêu cầu trì hoãn lệnh trục xuất của ông Ortiz với lý do “chúng tôi không có đủ thẩm quyền.”
Theo nguồn tin này, thời gian ông Ortiz không được quay trở lại Mỹ có thể lên đến 10 năm.
Một phụ nữ gốc Việt bị trục xuất vì tội hình sự
Trong khi đó, cô Ngọc Trần, người từng đến Mỹ hợp pháp theo diện đoàn tụ gia đình vào năm 2003, lúc cô 14 tuổi, nhưng nay, cô rơi vào tình trạng có thể bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ vì hai lần liên quan đến tội hình sự, theo nhật báo OC Register.
Cha mẹ ly dị, Ngọc sang Mỹ cùng cha, cô nuôi ước mơ sẽ đi học để trở thành y tá.
Thế nhưng, đặt chân đến Mỹ chưa bao lâu, vừa có thẻ xanh, thì cha cô quay trở lại Việt Nam, bỏ đứa con gái 14 tuổi ở lại Orange County sống với người chú.
Người chú bị bắt bỏ tù, Ngọc được đưa sang sống với người cô.
Ngọc bắt đầu đến trường khi chưa biết một chữ tiếng Anh, không bạn bè, không người trò chuyện, không có cả tương lai, Ngọc cảm thấy mình giống như “kẻ bơ vơ, lạc lõng” trên mảnh đất này. Cô không qua nổi bất cứ lớp học nào.
Không chỉ vậy, sau giờ học, người bà con kêu cô đi làm không công cho một tiệm nail, không khác gì một “nô lệ.”
Ngọc quyết định kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 15, bằng 80 viên thuốc Tylenol.
Nhưng, Ngọc không chết. Cô tỉnh dậy trong bệnh viện, và trải qua một tháng điều trị.
Sau đó, cô bắt đầu đi làm cho tiệm cà phê bikini ở Garden Grove với tiền lương $18/giờ cộng thêm tips.
Và đồng tiền đã cuốn cô gái trẻ vào vòng xoáy của những tiệc tùng, thuốc lắc, ma túy, heroin – những thứ giúp cô quên đi nỗi cô độc tận cùng của mình.
Chuyện gì đến rồi cũng đến.
Năm 2009, Ngọc lãnh án 3 năm rưỡi tù giam khi cô nhận tội hành hung bằng vũ khí gây chết người (mặc dù cô nói chưa bao giờ đụng tới vũ khí trong vụ này). Theo luật, Ngọc bị mất quyền sở hữu thẻ xanh và đối diện với nguy cơ bị trục xuất trở về Việt Nam sau khi mãn hạn tù. Khi đó, cô đã có đứa con đầu tiên.
Tuy nhiên, Cơ Quan Di Trú và Quan Thuế (ICE) đã “treo” trường hợp của cô.
Ra tù, Ngọc cố gắng sống cuộc sống trong sạch hơn, dù vẫn tiếp tục công việc tại quán cà phê bikini.
Nhưng năm 2013, cần tiền để thế chân mướn một căn chung cư, Ngọc đã chấp nhận làm công việc giao “hàng trắng” cho một người đàn ông. Người đàn ông này nhờ Ngọc giao hàng 3 lần, với số tiền công là $400, $500 và lần cuối cùng là $700. Tổng cộng là $1,600, nhiều hơn mức tiền cô đang cần.
Thế nhưng, cô không ngờ người đàn ông đó chính là một cảnh sát chìm. Ngọc bị bắt.
Cô phải nhận 25 tháng tù giam.
Ngày 1 Tháng Năm, 2017, cô quyết định ra đầu thú tại Ronald Reagan Federal Building tại Santa Ana để hoàn tất án tù của mình tại nhà tù liên bang ở Dublin, California.
Sau khi mãn hạn tù, Ngọc sẽ được đưa ra trước Tòa Di Trú và với bộ máy chính quyền của Tổng Thống Donald Trump, rất nhiều nguy cơ cô sẽ bị trục xuất.
Cô có thể sẽ không bao giờ gặp lại bốn người con và chồng mình.
Cô buồn bã, hôn chào tạm biệt các con và nói với chồng rằng cô không muốn đoàn tụ với các con tại Việt Nam.
Cô cho biết, các con cô là người mang quốc tịch Mỹ và cô muốn các con lớn lên trong đất nước đầy cơ hội này.
Thông tin cần biết
Theo trang web của tòa đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, hôm 22 Tháng Giêng, 2008, ông Đào Việt Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, và bà Julie Myers, phụ tá bộ trưởng Bộ Nội An Hoa Kỳ, có ký một thỏa thuận nhận những người Việt Nam bị Hoa Kỳ trục xuất.
Theo thỏa thuận này, những người bị trục xuất bao gồm công dân Việt Nam và không phải là công dân Hoa Kỳ, hoặc bất cứ nước nào khác; trước đây từng sống ở Việt Nam và hiện không được quốc gia thứ ba nhận; vi phạm luật pháp Hoa Kỳ và bị cơ quan thẩm quyền ra lệnh trục xuất; và hoàn tất án tù vì vi phạm tội hình sự.
Ngoài ra, Việt Nam chỉ nhận những người qua Mỹ sau ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày mà Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cũng theo tòa đại sứ Việt Nam, việc nhận những người Việt Nam bị Hoa Kỳ trục xuất phải được thực hiện trên căn bản trật tự và an toàn, phù hợp với luật pháp Mỹ, luật quốc tế, và những điều khoản trong thỏa thuận, bao gồm tính nhân đạo, đoàn tụ gia đình, và những trường hợp đặc biệt của từng cá nhân người bị trục xuất, với tinh thần tôn trọng phẩm giá của người bị trục xuất.
Khi được hỏi về chuyện này, Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương cho biết:
“Đối với những ai đã có lệnh trục xuất và hiện đang bị thả lỏng, thì không thể thay đổi kết quả này. Tuy nhiên, họ vẫn có thể yêu cầu tòa mở lại hồ sơ. Trong 180 ngày kể từ ngày ra lệnh trục xuất, người khiếu nại sẽ dễ dàng xin tòa mở lại hồ sơ hơn, vì sau thời hạn ba tháng thì người này phải cần có lý do chính đáng mới được tòa xem xét lại hồ sơ.”
Về chi phí cho người bị trục xuất trở lại Việt Nam, luật sư cho biết: “Hoa Kỳ sẽ mua vé máy bay, tuy nhiên, khi những người này đáp xuống phi trường ở Việt Nam thì họ thuộc trách nhiệm của chính quyền Việt Nam. Mỹ không có khoản trợ cấp nào khác ngoài tiền vé máy bay.”
Nhân dịp này, Luật Sư Darren cũng giải thích thêm một số điều liên quan đến trục xuất.
“Đối với những ai bị trục xuất thì phải ra tòa, nhưng nếu sau khi xin mà tòa không tha thì họ bị lệnh trục xuất. Dù là tội nặng hay nhẹ, nếu tội của người này nằm trong danh sách tội được lệnh trục xuất, họ phải hoàn thành mức án tù trước rồi mới bị trục xuất,” ông Darren nói. “Một số tội nằm trong diện này gồm ăn cắp vặt, ẩu đả vợ chồng, nạn nhân bị thiệt trên $10,000, những tội gây hại đến nhân phẩm, và nhiều tội khác.”
Ông cũng khuyên rằng: “Khi bị truy tố, đừng nên thấy tội nhẹ mà nhận vì vấn đề này rất nguy hiểm. Chúng ta chớ nên nhận tội bừa bãi.”
Khi được hỏi liệu những người bị trục xuất có quay lại Mỹ được không, ông cho biết: “Tùy theo từng trường hợp và nguyên nhân họ bị trục xuất mới có thể đưa ra quyết định chính xác. Tuy nhiên, theo thường lệ thì người bị trục xuất không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong 10 năm.”
Ông cũng nói thêm, những ai phạm tội nặng (aggravated felony) sẽ không bao giờ được nhập cảnh trở lại vào Mỹ.
Trong khi đó, cựu thẩm phán liên bang, ông Phan Quang Tuệ, nhận định hành động trục xuất này là “thiếu nhân đạo.”
Ông Tuệ nói: “Đứng về phương diện luật pháp, luật di trú là luật hành chánh chứ không phải luật hình sự. Thế nên dù dưới thời Tổng Thống Obama hay Tổng Thống Trump, việc trục xuất mang tính cách trừng phạt nên tính nhân đạo không được đề ra. Với lý do đó, tôi lại thấy đây là một hành động không nhân đạo.”
Nguồn: Báo Người Việt