Phan Xuân Phương vẫn hay mặc chiếc áo khoác từ ngày được giải cứu khỏi sào huyệt cướp biển - Ảnh: VŨ TUẤN
Các thủy thủ Việt - nạn nhân bọn hải tặc khét tiếng - cũng chôn kín bí mật.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã cố gắng tiếp cận, ghi lại câu chuyện của những người may mắn trở về từ họng súng cướp biển Somalia như cuốn phim quay chậm đầy ám ảnh kinh hoàng...
"Thoát chết rồi! Con được sống rồi!". Năm 2016, gia đình các thuyền viên Phan Xuân Phương (Nghệ An), Nguyễn Văn Hạ và Nguyễn Văn Xuân (Hà Tĩnh) bất ngờ nhận được tin báo họ sắp được hải tặc thả. Cả ba thuyền viên này đã bị cướp biển Somalia bắt từ năm 2012 khi họ đang làm việc trên tàu cá của Đài Loan.
Trong suốt bốn năm trời, gia đình chỉ nhận được duy nhất cuộc điện thoại nạn nhân gọi về báo tin tàu đã bị cướp biển bắt. Mọi thông tin tìm kiếm rơi vào vô vọng. Đây là vụ cướp biển và giam giữ người kéo dài kỷ lục của hải tặc Somalia...
Cuộc điện báo bị cướp biển lúc nửa đêm
Đã 10 năm kể từ ngày Phan Xuân Phương ở Nghĩa Đàn, Nghệ An bị rơi vào tay cướp biển Somalia, cú sốc tinh thần của Phương đến giờ vẫn chưa lành. Phương sợ tiếp xúc với người lạ, lầm lì, ít nói, dễ cáu bẳn.
Từ một "cây săn bàn" trong đội bóng của xã, Phương thẩn thẩn thơ thơ như người mất hồn. Những bí mật hơn 1.000 ngày trong hang ổ hải tặc Somalia giờ mới được kể lại.
Cậu thanh niên ngoài 30 gầy gò trong bộ quần áo thể thao cũ. Bộ quần áo màu xanh, có ba sọc trắng rộng thùng thình Phương vẫn mặc từ ngày được giải cứu về Kenya, đến nay đã sáu năm. Bộ đồ là kỷ niệm đẹp nhất sau bốn năm sống trong địa ngục cướp biển, Phương giữ như muốn sống lại cái giây phút vỡ òa khi sắp được đoàn tụ gia đình.
Ông Phan Xuân Linh, bố Phương, tự an ủi: "Con tôi trở về với gia đình là nhà tôi có phúc lớn rồi". Hơn 10 năm trước, ông Linh cho con đi xuất khẩu lao động. Phương làm cơ khí trên tàu cá FV Naham 3 (Đài Loan).
Con tàu khá lớn, có 25 thuyền viên nhiều quốc tịch khác nhau. Thuyền viên người Việt có ba người là Phương, anh Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân. Phương đi được khoảng 10 tháng thì...
Đêm ấy, tháng 5-2012, chiếc máy điện thoại để bàn không dây (Gphone) bất ngờ reo lên. Ông Linh lập cập nhấc máy.
Đầu dây bên kia, giọng Phương khẩn thiết: "Con đây! Cứu con với bố ơi! Con bị hải tặc Somalia bắt, bắt cả tàu. Nó bắn chết anh thuyền trưởng rồi. Con cũng bị xích, bị đánh đây. Bố liên hệ với công ty đưa tiền sang chuộc con...", cuộc gọi đứt đoạn bởi tiếng quát xì xồ rồi chiếc điện thoại bị cúp máy thô bạo.
Ngày ấy, cô con gái cả của ông Linh đi xuất khẩu lao động Malaysia, tiền vay ngân hàng chưa trả hết. Bà Hòa vợ ông bị tai biến. Còn Phương mới xuất khẩu lao động hơn 10 tháng, tiền vay trả cho công ty dịch vụ lao động còn chưa hết.
Ông Linh chạy vạy ra Hà Nội, đến văn phòng công ty. Ông gặp người nhà hai thuyền viên bị bắt cùng con trai ông. Phía công ty an ủi, đề nghị ông giữ kín chuyện để thuận lợi đàm phán.
"Tôi nghe họ (lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH) nói mục đích cướp biển là đòi tiền. Từ trước đến nay, nhiều tàu bị cướp biển bắt rồi, chưa thuyền viên nào bị giữ quá 21 tháng. Tôi cũng hy vọng, nhưng hơn bốn năm con mới được thả. Nhiều lúc tưởng đã mất con", ông Linh nói.
Cướp biển Somalia sử dụng súng đạn để cướp tàu - Ảnh: AP
Chưa vượt qua được cú sốc kinh hoàng
"Lúc ấy tàu đánh cá gần biển Somalia - Phương nhớ lại - Bọn cướp có một tàu to, nó lái chặn đường, dồn tàu cá về gần Somalia. Đến đêm, chúng nó mới cướp. Chúng lên thuyền, súng AK bắn lung tung. Thuyền trưởng không chịu lái tàu theo hướng của chúng bị bắn chết. Bọn em bị nhốt ở tầng dưới".
Tàu FV Naham 3 của Đài Loan bị cướp biển đưa về "cảng cướp biển" ở Somalia. Phương chỉ nhớ thời gian ở trên tàu gần khoảng tám tháng. Bọn cướp chiếm tàu, nhốt thuyền viên, bắt người phiên dịch liên hệ với chủ tàu để đòi tiền chuộc.
Chúng đưa nhiều người ở tàu khác bị cướp lên nhốt chung. Ai được chuộc trước thì chúng thả trước. Đến khi hết thức ăn, hết dầu chạy máy mà chưa đòi được tiền chuộc thì chúng đưa 26 người của tàu FV Naham 3 lên sa mạc.
Phương không còn biết ngày tháng, anh nghĩ đoàn thủy thủ bị đưa lên một hoang đảo nào đó. Mỗi nhóm sống trong hai mảnh bạt, một mảnh che nắng, một mảnh để nằm. Cướp biển cầm súng canh giữ. Vài ngày chúng chuyển lên cho ít đồ ăn. Không có rau, không có thịt, chủ yếu là cá (có thể cướp ở tàu nào đó), khi thì có bánh mì, khi lại có những gói "ăn như cám tăng trọng".
"Hắn có thả chúng em cũng chẳng biết chạy đi mô! - Phương nói - Một mặt là rừng cây, có nhiều thú và chuột, xung quanh là cát, nắng lắm! Khi nào có máy bay của Liên Hiệp Quốc bay đến chụp ảnh là bọn em bị dồn vào rừng. Rồi hắn lại bắt chuyển địa điểm đến chỗ khác, nhưng toàn cát".
Anh thanh niên giọng run run, ngắt quãng như lảng tránh câu hỏi của chúng tôi về những ngày khốn khổ. Từ ngày trở về, Phương hoàn toàn khác xưa. Anh lầm lì, ít nói, sợ tiếp xúc với người lạ, cũng không kiềm chế được cảm xúc.
Dân trong vùng quý gia đình ông Linh, họ thương cậu thanh niên hiền lành, thương người cha già chịu khó, lúc nào cũng thân thiện. Họ làm mối cho cậu thanh niên với một cô gái trong vùng. Cô gái cũng mến, cũng theo người nhà đến tận nhà Phương để cậu có cơ hội gặp mặt.
Thế nhưng, khi mọi người đến nấu nướng vui vẻ lại chẳng thấy Phương đâu. Khách về hết, ông Linh mới tìm thấy cậu... trốn ở vườn sau nhà.
"Tôi muốn con trai lấy vợ nhưng hắn không thiết tha gì cả. Từ ngày về, anh em chòm xóm cũng thương, họ muốn gả con cho nhưng hắn không thích. Hắn cũng sống lành mạnh, không rượu chè, bài bạc chi đâu", ông Linh thở dài.
Có lần ông Linh gọi điện cho anh Nguyễn Văn Xuân, người từng bị nhốt cùng Phương, hỏi cặn kẽ những loại rau mà cướp biển cho ăn khi trên sa mạc là loại gì. Ông nghi ngờ Phương ăn phải loại cây gây nghiện nào đó, nhưng cả anh Xuân, anh Hạ cùng thoát khỏi tay cướp biển Somalia đều khẳng định trên sa mạc rất ít được ăn rau xanh. Cả hai anh không có vấn đề gì.
Vì sao vậy?
Hơn 1.000 ngày đòi tiền chuộc
Tháng 3-2012, cướp biển Somalia tấn công tàu cá FV Naham 3 (Đài Loan) đang đánh bắt ở khu vực biển Ấn Độ Dương. Trên tàu có 28 thuyền viên mang nhiều quốc tịch khác nhau. Thuyền viên Việt Nam có Phan Xuân Phương (Nghệ An), Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Hạ (Hà Tĩnh).
Cướp biển bắn chết thuyền trưởng, bắt giữ các thuyền viên và yêu cầu chủ tàu trả tiền chuộc. Sau một thời gian dài không thỏa thuận được tiền chuộc, cướp biển đưa các thuyền viên lên bờ giam giữ ở một nơi hẻo lánh thuộc Badalaga (Somalia) suốt bốn năm. Tháng 10-2016, họ mới được thả sau khi bọn cướp nhận tiền chuộc.
************
Chưa lấy được tiền chuộc, các thuyền viên bị cướp biển gí súng ép lên bờ. Họ chui rúc dưới một mảnh bạt che nắng giữa sa mạc bên cạnh những nòng súng AK luôn sẵn sàng nhả đạn.
>> Kỳ tới: Sống bên nòng súng ak của cướp biển
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online