Người Việt trở về Việt Nam trên chuyến bay “giải cứu”.
1. Nước Úc đón bà Huyền Thanh trong những ngày đông tuyết rơi trắng trời. Cái giá rét ở xứ Kangaroo dù xuống âm độ nhưng không buốt nhức, thẩm thấu vào xương thịt như xứ ta, tạo cho bà Thanh cảm giác thảnh thơi tự tại. Con gái dẫn bà đi du ngoạn ở bán đảo Mornington cách TP Melbourne khoảng 1 giờ lái xe. Nhịp sống yên bình trên những cánh đồng nho và olive gợi cho người phụ nữ quê chè Bảo Lộc niềm hân hoan và thân thương như nơi quê nhà của mình. Tại đây, bà Thanh được gặp một vài người thợ Việt Nam làm phô mai và hái nho. Họ nắm tay nhau, hỏi han nhau, nói cười vui vẻ. Tình đồng bào ấm áp và thiêng liêng đến vậy.
Nghe những người làm vườn nói đến thu nhập toàn bằng đô la, bà Thanh thấy ham, cũng muốn ở lại tranh thủ đi làm thời vụ kiếm chút tiền về quê. Một ngày hái nho ở đây được từ 2-3 triệu tiền Việt Nam, ai hái được nhiều thì mức thu nhập gấp đôi. Vì có lý do chính đáng nên bà Thanh xin kéo dài visa thêm 3 tháng nữa. Bà xin được một chân hái nho nhưng mới đi làm được một tuần thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các chủ vườn buộc phải dừng sản xuất, thực hiện giãn cách xã hội. Bà Thanh mất việc, lòng có chút luyến tiếc, nghĩ chắc chỉ vài ngày là ổn, cuộc sống sẽ quay trở lại bình thường. Nhưng, dịch bệnh đã không chiều lòng người, nó ngày càng lan rộng, tình thế rất căng thẳng.
Vào thời điểm cuối tháng 5-2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên khắp thế giới, các chuyến bay thương mại đến và đi từ nước Úc đa phần bị hủy. Bà Thanh mắc kẹt.
Từng ngày trôi qua, nhìn ra phố phường vắng tanh từ ban công nhà trọ, bà Thanh buông tiếng thở dài. Nơi đây, không người thân thích, chỉ có hai mẹ con ngồi bó gối, nghĩ về những khoản chi tiêu trong thời gian mắc kẹt mà phiền não rối ren. Trước kia, cô con gái làm việc trong cửa hàng bánh, mỗi tháng cũng được 700 đô la, cuộc sống tạm ổn, thỉnh thoảng có dư gửi về Việt Nam. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất lúc này là làm sao để trở về quê hương.
Đêm mùa đông ở nước Úc, gói mình trong tấm chăn ấm nhưng bà Thanh không thể nào chợp mắt được. Bà bừng tỉnh, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi đẹp nao lòng mà sao nỗi buồn cứ vời vợi. Bà không dám nghĩ tới hai từ quê hương vì nó luôn làm bà khóc. Đã từng đi Nam về Bắc, xa nhà cả năm trời nhưng chưa bao giờ bà Thanh lại nhớ về ngôi nhà thân thương nằm tựa lưng vào đồi chè xanh ngát trên cao nguyên Bảo Lộc đến thế.
“Mỗi ngày, số người mắc bệnh và tử vong không ngừng gia tăng. Con gái tôi bảo mẹ đừng đọc báo nữa, mẹ sẽ bị ám ảnh. Con khuyên tôi nên thư giãn, mở YouTube xem những kênh hài của Việt Nam cho tinh thần thoải mái. Tôi cũng xem hài nhưng thay vì cười thì tôi lại khóc. Tôi không hiểu nổi tâm trạng của mình nữa”, bà Thanh tâm sự.
Con gái bà Thanh tích cực liên lạc với các hội nhóm người Việt ở Úc và gửi email lên đại sứ quán để được giúp. Ngày nào bà Thanh cũng hỏi con gái có thư trả lời chưa, bà đôn đốc con phải liên tục mở máy tính, vào email kiểm tra xem, lỡ người ta hồi âm mà mình không biết thì mất cơ hội. Mặc dù con gái giải thích, đã cài đặt chế độ báo tin, hễ có thư mới là điện thoại kêu, không thể nào bỏ sót nhưng bà Thanh vẫn nóng lòng, thấp thỏm, hồi hộp. Hễ điện thoại con gái đổ chuông, bà Thanh dù đang thiu thiu ngủ cũng chồm dậy nghe ngóng. Bây giờ, niềm tin của bà chỉ duy nhất dành cho chiếc điện thoại mà thôi.
Một ngày, tiếng chuông điện thoại reo, bà Thanh đã không còn giật mình tỉnh giấc nữa. Con gái lay gọi, thét thật to vào tai của bà: “Mẹ được về nhà rồi”. Bà Thanh ôm mặt òa khóc như một đứa trẻ. Trở về nhà, như một giấc mơ khó nhọc bà Thanh có được, bà đã không thể có một giấc ngủ trọn vẹn cho tới ngày lên chuyến bay “giải cứu”.
Những ngày mắc kẹt ở xứ người, Lan Hương chỉ biết vùi mình vào chiếc máy tính.
Hai mẹ con chia tay ở sân bay quốc tế Melbourne. Bà Thanh mong muốn con gái cùng về nhưng không được, vì cô còn phải hoàn tất chương trình học tập. Mà cô cũng không muốn trở về trong hoàn cảnh này. “Tuổi trẻ và lý tưởng của con gái là được bay thật cao và thật xa. Nó tuyên bố, sẽ bám trụ để thử thách giới hạn của bản thân”, bà Thanh tiết lộ ý định của con gái.
2. Những chuyến bay “giải cứu” đồng bào hồi hương vẫn lặng lẽ khởi hành nhưng vẫn còn hàng ngàn người Việt Nam đang mắc kẹt trên khắp thế giới vì dịch bệnh COVID-19.
Nguyễn Lan Hương (25 tuổi, du học sinh ngành Quản trị tài chính tại Mỹ) đã bật khóc nhiều lần vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Hương sang Mỹ từ tháng 8-2019, khi ấy thế giới và nước Mỹ vẫn đang rộn ràng tươi vui. Hương đã tận hưởng cuộc sống du học năng động, kết thân nhiều người bạn Mỹ và Anh quốc. Cô còn nhiệt tình tham gia vào hội du học sinh Việt Nam, đóng góp nhiều ý tưởng cũng như hoạch định kế sách phát triển nguồn nhân tài đất Việt cho các công ty lớn.
Tháng 3-2020, dịch COVID-19 bắt đầu lây lan trong cộng đồng, cho tới tháng 5 thì bùng phát mạnh mẽ. Lan Hương bắt đầu phải ở nhà học trực tuyến. Các kế hoạch ngoại khóa, thực hành ngoài trời bị hủy. Không những thế, công việc bán thời gian tại nhà hàng thức ăn nhanh cũng tạm ngưng. Hương ngồi thu mình trong căn phòng nhỏ, nghĩ về tương lai mịt mờ phía trước. Cha mẹ ở Việt Nam ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm, họ muốn cô từ bỏ tất cả để trở về.
Du học Mỹ là ước mơ lớn nhất của Hương, chính vì thế, cô đã trái lời cha mẹ. Hương cố gắng bám trụ, mỗi ngày trôi qua đều cảm thấy tình hình nguy hiểm hơn, con số tử vong không ngừng gia tăng. “Khi nào nó sẽ tìm tới mình?”, đó là câu hỏi khiến Hương nhiều lần hoảng sợ. Một tháng sau, Hương dang tay cưu mang thêm một người bạn Việt Nam sa cơ nhỡ bước. Bạn này cũng đã hoàn thành xong chương trình học thạc sĩ, đang tìm kiếm cơ hội việc làm thì dịch bệnh ập vào. Không có tiền, không nơi ăn chốn ở đành phải cầu cứu đồng hương chờ ngày lên chuyến bay “giải cứu”.
Hương và bạn ngày nào cũng được các cô chú người Việt Nam định cư ở Mỹ tiếp tế đồ ăn, thức uống tận phòng. Trong cuốn nhật ký của mình, Lan Hương viết: “Trong bóng tối, lòng tôi thảng thốt nhìn ra bên ngoài, những bóng người lầm lũi kín bưng rảo bước thật chậm trên hè phố. Không tiếng nói cười, không lời chào hỏi, mọi thứ lạnh căm như mưa tuyết phủ dày lên ống khói. Tôi từng khao khát ra đi nhưng chưa bao giờ khao khát được trở về, ngay cả lúc này, khi “cơn lốc” dịch bệnh bủa vây khắp mọi nẻo”.
Tháng 5-2020, bạn của Hương có tấm vé về nước. Hương ở lại vì muốn hoàn thành xong chương trình học thạc sĩ, theo dự kiến đến tháng 8-2021 mới kết thúc.
Người mẹ đi thăm con bị mắc kẹt đã được trở về quê hương.
3. Ở trời Âu, CHLB Đức là một trong những tâm dịch COVID-19 nhưng là quốc gia hàng đầu châu Âu có hệ thống hạ tầng y tế tốt, Chính phủ Đức đã có những ưu tiên giải quyết tình hình kịp thời cả về kinh tế - xã hội để đối phó với dịch bệnh, với mục tiêu làm chậm sự lây lan của dịch bệnh để không quá tải hệ thống y tế và chờ vaccine phòng ngừa.
Người Việt ở Đức bảo nhau “hãy bình tĩnh mà sống”. Thủ đô Berlin có 2 khu chợ lớn nhất dành cho người Việt là Đồng Xuân và Thái Bình Dương. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hai nơi này trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều kiều bào vẫn còn khẩu trang, thuốc tẩy trùng dự trữ, bán không hết trước đó đã mang đến các bệnh viện để chung tay phòng chống dịch. Đây là những nghĩa cử đẹp, nâng cao hình ảnh cộng đồng người Việt tại Đức.
Người Việt đi du lịch, du học hoặc công tác bị mắc kẹt, họ được đồng bào Việt Nam đối đãi thân thương như người trong gia đình. Ông Lê Huy Toàn (56 tuổi, ngụ Q.3, Tp. Hồ Chí Minh) và vợ là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (54 tuổi) không thể ngờ rằng, lần sang Đức vào tháng 3-2020 là chuyến du lịch dài nhất trong cuộc đời của họ. Khi còn đang chìm đắm trong niềm hứng khởi về cảnh đẹp diễm lệ ở những ngôi làng thần tiên như bước ra từ truyện cổ tích thì COVID-19 tràn về. Trong một thoáng hoang mang lo lắng, những vị khách lãng du như vợ chồng ông Toàn đã được đón nhận tình cảm chân thành của đồng bào Việt Nam định cư tại Đức.
Họ được gia đình bà Lan Phạm, tiểu thương bán ẩm thực Việt Nam tại chợ Đồng Xuân (quận Lichtenberg, Berlin) mời về nhà của gia đình trú ngụ. Trong thời gian lưu lại, vợ chồng ông Toàn được phục vụ những món ăn Việt Nam đậm chất đồng bằng Bắc Bộ như bún chả Hà Nội, phở Nam Định hay hủ tiếu Nam Vang, lẩu mắm miền Tây... khiến ông bà khỏa lấp nỗi nhớ quê hương bản quán.
Bà Lan Phạm đã tích cực nhờ con rể là luật sư liên hệ với đại sứ quán để giúp đỡ vợ chồng ông Toàn thực hiện các thủ tục chờ ngày hồi hương.
Người Việt yêu thương nhau đã đành, người bản xứ Đức cũng thật tuyệt vời. Họ có một khiếu hài hước và họ rất thích cười, chỉ là người ngoài sẽ mất rất nhiều thời gian để làm quen với điều đó. Dù ngăn trở bởi ngôn ngữ nhưng qua ánh mắt, cử chỉ, ông Toàn cảm nhận người Đức rất có thiện cảm với người Việt Nam.
Đức là đất nước của lễ hội - nơi đây diễn ra nhiều lễ hội với phong tục truyền thống khác nhau. Lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, lễ hội bia ở Munchen và rất nhiều lễ hội thu hút đông đảo du khách. Thế nhưng, khi dịch bệnh tới, mọi lễ hội và những cuộc vui chơi cộng đồng đều phải dừng lại.
Những ngày ở đây, ông Toàn nhận ra người Đức biết chấp nhận và nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Nụ cười luôn lạc quan trên môi của họ. Dù ngày mai có như thế nào, điều quan trọng là hãy để lại cho quá khứ những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của cuộc đời mà mình đã đi qua.
Nguồn: Ngọc Hoa/ antg.cand.com.vn