Chia sẻ của một người Việt tại Lugansk ở miền đông Ukraine khi sống trong thành phố có còi báo động rền vang, tiếng máy bay vần vũ trên đầu, tiếng súng nổ lúc gần lúc xa, xe quân đội và quân nhân đó đây trên đường phố...

1 Su Im Lang Cua Thanh Pho Lam Toi So

Chị Nguyễn Thị Hiền, người Việt Nam đang sinh sống tại vùng Lugansk ở miền đông Ukraine - Ảnh: NVCC

Đêm 24-2, tôi hầu như không ngủ được. Sáng 25-2, thành phố Lugansk nơi tôi đang sống im lặng hơn bình thường, nhưng tôi cảm thấy sợ sự im lặng này.

Nhiều năm trước, có rất nhiều anh chị em Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Lugansk nhưng vài năm qua, gần như chỉ mình tôi là người Việt còn ở đây. Với tôi, Lugansk là nơi thật thân thuộc.

Những ngày qua, tâm trạng của tôi nói chung là khó tả và nhiều xáo động. Đầu tiên tôi có hoảng loạn và hơi sợ nhưng sau đó bình tĩnh lại. Tôi nghĩ mình bình tĩnh vì có lẽ đã chai sạn và trải qua thời kỳ bom rơi đạn nổ hồi năm 2014 mà theo tôi còn kinh khủng hơn hiện tại. Tuy bình tĩnh đấy nhưng rồi có lúc tôi lại thấy sợ hãi, như hôm nay, sự im lặng của thành phố làm tôi sợ.

Tôi vẫn ở Lugansk vì lý do đầu tiên là không đi đâu được do đang điều trị chân. Nếu mọi sự bình yên thì khoảng 10 ngày nữa tôi mới hết liệu trình để có thể đi lại bớt đau hơn.

Lý do nữa là tôi chưa thấy tình hình căng thẳng quá mức như hồi năm 2014 khi chúng tôi phải liều mạng để chạy loạn. Tại bệnh viện nơi tôi điều trị đã có thương binh đến trị vết thương nhưng không thấy người dân và cũng không có người quen nào của tôi bị thương do bom đạn. Hồi năm 2014 thì người chết la liệt, cách nhà tôi vài trăm mét có người chết.

Những ngày qua, hàng ngàn người ở Lugansk đã rời đi, chủ yếu sang Nga, nhưng tôi và mẹ nuôi người Nga vẫn đang nương tựa vào nhau ở lại Lugansk. Với tôi, quyết định sơ tán là khó khăn vì đi đâu thì nhà mình vẫn là nơi cảm thấy an toàn nhất. Đi chạy loạn, cái ăn, chỗ ở rất cực nhọc, ai từng trong cảnh này mới hiểu. Tôi nghĩ sẽ đợi thêm xem thế nào dù xác định tình hình rất khó lường, có thể sẽ xấu hơn theo các tin tức gần đây.

Cách đây mấy hôm, ngày Nga công nhận độc lập của hai vùng ly khai Lugansk và Donestk, đạn bắn gần nơi tôi ở. Lúc đầu cũng hoảng nhưng sau đó nhìn chung mọi người bình tĩnh hơn. Ai cũng biết ở vùng ly khai đa số người dân nghiêng về Nga (vì thân Nga nên mới ly khai) nên khi Nga công nhận Lugansk thì họ tin nếu có gì xảy ra, quân đội Nga sẽ giúp.

Nam giới từ 18 - 50 tuổi đã được thông báo về lệnh tổng động viên của chính quyền. Đã có hai người tôi quen, một người 28 và một người 22 tuổi được gọi nhập ngũ. Tôi biết cả hai, họ chưa bao giờ cầm súng, cũng chưa được huấn luyện gì. Quân đội của Lugansk thực sự rất mong manh.

Ngày 24-2, tôi đi chợ mua 8kg bột mì, 2kg mì khô, 10 lít dầu hướng dương, các loại ngũ cốc để dự trữ. Gian bán thực phẩm dự trữ rất đông người. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi có thể bị mất điện, mất nước bất cứ lúc nào, nguồn cung ứng thực phẩm thì có thể cũng không còn ổn định. 99% các cửa hàng đều đã đóng cửa. Thực phẩm cũng không còn nhiều nơi bán.

Ngân hàng thì cách đây vài ngày người xếp hàng rất đông, tới nỗi tôi phải quay về vì có chờ cũng không đến lượt. Ngày 24-2, khi tôi đi chợ, thấy ngân hàng vắng lặng, tưởng họ đóng cửa, tôi đến xem nhưng kỳ lạ là bên trong chỉ có nhân viên. Tôi vào lĩnh lương và đóng tiền điện nước rất nhanh chóng.

Tâm trạng khi sống trong thành phố có còi báo động rền vang, tiếng máy bay vần vũ trên đầu, tiếng súng nổ lúc gần lúc xa, xe quân đội và quân nhân đó đây trên đường phố... phải nói là rất... khó tả. Một phần nào đó, tôi thấy an tâm vì quân đội ở đây là để bảo vệ mình. Một phần khác trong tôi lại thấy căng thẳng vì chiến tranh đang ở sát bên.

Tôi có nhận được cuộc gọi của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine hỏi thăm có cần giúp đỡ không. Tôi cảm động lắm nhưng xác định mình phải tự lo. Nếu tình hình xấu hơn, cụ thể là nếu có bắn vào nhà dân, tôi sẽ đi sang Nga. Hiện tại, tôi vẫn muốn chờ thêm.

Nếu như năm 2014 tôi lo 10 phần thì hiện chỉ lo 5. Bây giờ, tôi đã có chỗ để đi lánh nạn. Ngoài ra, mẹ nuôi tôi đang ở đây, chúng tôi nương tựa vào nhau, động viên nhau mỗi ngày. Mẹ không muốn về Nga vì không muốn xa tôi, chia tay bây giờ sẽ khó gặp lại vì nhiều lý do.

Dù biết chiến tranh ở Lugansk vẫn chưa kết thúc, chỉ tạm lắng - bom đạn có thể lại xới tung thành phố bất cứ lúc nào kể từ năm 2014, cuộc sống trong 8 năm qua ở đây xem như là bình yên. Có lúc tôi còn cảm thấy như chiến tranh chưa hề chạm đến nơi này cho tới gần đây.

Nhiều năm nay chứ không phải bây giờ, ước mơ lớn nhất của tôi là được sống trong hòa bình. Tôi cầu mong không chỉ cho riêng mình mà cho mọi người, không ai phải trải qua chiến tranh, không ai bị nỗi hoảng sợ như tôi từng trải qua. Hiện tại, tôi chỉ một lòng mong chiến tranh kết thúc.

Người Việt tại Ukraine vẫn ổn

Ngày 25-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine.

“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới”, bà Hằng nói. Trước đó Bộ Ngoại giao đã công bố đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ukraine theo số + 380 (63) 863 8999 hoặc tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao theo số +84-981-848-484.

Vào khoảng 10h sáng 25-2 giờ Việt Nam, đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết ĐSQ Việt Nam và nhân viên ở các địa điểm khác nhau đều nghe rõ tiếng nổ lớn, có vẻ của tên lửa. Các nhân viên ĐSQ Việt Nam đã xuống tầng hầm. “Tình hình hiện nay tốt nhất là ở đâu ở đấy. Sơ tán giờ này là không an toàn”, ông Thạch khuyến cáo. Chiều 25-2, ĐSQ Việt Nam đã liên lạc với cộng đồng tại Donetsk, Kherson, Kharkov, Odessa. Tình hình bà con vẫn đang ổn, đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho biết.

LAN HƯƠNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC