Một chiều Malaysia đẹp trời, tôi ngồi trong văn phòng, cả người tê rần và sưng đỏ, triệu chứng phổ biến của dị ứng thuốc kháng sinh. Đồng nghiệp cũng đông, nhưng sự giúp đỡ hữu ích nhất tôi nhận được là thông tin về bệnh viện gần nhất, để tôi có thể tự gọi Grab nếu cần. Đây là đặc trưng của xã hội nước ngoài, ai cũng thân thiện, nhưng rất khó phát triển các mối quan hệ cá nhân ngoài công việc.
Nói thật, căng thẳng, áp lực hay mệt mỏi thì tôi xử lý được, nhưng tôi không dám đau ốm. Bệnh tật thực sự quá xa xỉ, nhất là với người sống một mình như tôi.
Là một chuyên gia viễn thông, quản lý nhóm nhân viên hơn 30 người đến từ nhiều nước khác nhau, nhưng tôi không tự tin lắm khi mô tả triệu chứng bệnh của mình cho dược sĩ, bác sĩ bản địa bằng tiếng Anh.
Có những triệu chứng tôi không biết nói thế nào, và đôi khi, người nghe cũng không biết từ đó là gì. Không hẳn là vấn đề giao tiếp, khi trạng thái cơ thể kém, ta không thể suy nghĩ tỉnh táo và mạch lạc. Hơn thế, lúc đau ốm, ta khó lòng tự xử lý được những vấn đề rất đơn giản như ăn uống, vệ sinh, giặt giũ… Đó cũng là khi ta hiểu được rất rõ, không ai có thể sống một mình.
Hơn bảy năm sống và làm việc ở ba nước Đông Nam Á, mỗi khi đến một nơi nào, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, việc đầu tiên tôi làm là tìm kiếm thông tin về cộng đồng người Việt tại địa phương. Đáng buồn là, trong khi tôi dễ dàng tìm hiểu và sống như một người dân bản địa, lại không thể liên kết với các cộng đồng người Việt xa xứ.
Ảnh minh họa Nguồn: Nikkei Asian Review
Khi làm việc tại Malaysia, giai đoạn 2015-2017, tôi tìm hiểu thông qua kênh chính quy, cụ thể là Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur và kết quả là, trên trang web lẫn ngay tại trụ sở của cơ quan này, tôi không tìm được thông tin nào đáng kể về cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây.
Thực tế thì các cộng đồng người Việt ở nước ngoài không ít, nhưng khá nhỏ và rời rạc, chủ yếu do tính chất đặc thù của mỗi nhóm. Năm 2012, ở Bangkok -Thái Lan, tôi quen một nhóm bạn trẻ người Việt, chủ yếu là sinh viên, và ở ký túc xá. Là kỹ sư, môi trường và điều kiện sinh hoạt của tôi khác các bạn rất nhiều, lại thêm việc không có thông tin công khai về các hoạt động gắn kết cộng đồng, nên mối liên kết này khá lỏng lẻo.
Năm 2013, ở Khon Kaen – Thái Lan, thông qua đồng nghiệp bản địa, tôi cố gắng kết nối với các bạn Việt, một lần nữa, chủ yếu vẫn là sinh viên. Còn nhớ, tôi đã tham gia một chuyến làm từ thiện với Hội Sinh viên trường đại học Khon Kaen để có thêm cơ hội giao tiếp với các bạn. Nhưng rất tiếc là không có người Việt nào tham gia, người đón tiếp và hỗ trợ tôi trong suốt chuyến đi là nhân viên người Thái, chuyên hỗ trợ sinh viên quốc tế.
Thi thoảng tôi cũng vô tình gặp người Việt trên đường, khi thì gặp vài người dân miền Trung đang bán khoai nướng trên hè phố, lúc gặp họ đi cùng chuyến buýt, phụ bán quán cơm, lao động về nước ở sân bay… Tôi có thể cảm nhận được niềm vui của họ khi gặp đồng bào, và cả sự dè dặt khi không phải đồng hương nữa. Cả tôi cũng vậy, nói thật, tôi không thấy an tâm khi tiếp xúc nhiều với những người mình chưa quen biết, kể cả là người Việt trên đất khách.
Trong những năm tháng sống xa xứ, tôi đã rất mong chính phủ quê nhà có nhiều cách hỗ trợ, kết nối công dân hơn, tối thiểu ở các nước có nhiều người lao động gốc Việt.
Chẳng hạn, Chính phủ Việt Nam nên thông cáo đến tất cả Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, yêu cầu người Việt đi làm xa xứ phải thông báo Đại sứ quán Việt Nam khi đến nước sở tại để có điểm kết nối thông tin hữu ích nhất, và để được hỗ trợ khi cần thiết.
Chẳng hạn, từ thông tin visa, hộ chiếu, đại sứ quán hoàn toàn có thể thiết lập danh sách công dân đang sống và làm việc, từ đó tổ chức các hoạt động cộng đồng để mọi người có không gian và điều kiện gắn bó với nhau hơn.
Đại sứ quán cũng hoàn toàn có khả năng lập ra trang thông tin tổng thể về địa lý, xã hội, đưa ra các hướng dẫn cần thiết để phần nào giúp người Việt sinh sống làm việc ổn định và an toàn. Thông tin, tư liệu hoàn toàn có thể để từng người dân cung cấp, chia sẻ và chính quyền chỉ xác minh, biên tập, duyệt đăng. Như vậy người dân sẽ bớt hoang mang trong rừng thông tin thật giả lẫn lộn trên mạng hiện tại.
Nếu nguồn lực của chính phủ không đủ, có thể khuyến khích các cá nhân hay đoàn thể có uy tín thành lập các hội nhóm cộng đồng tự quản và hỗ trợ các Nhóm này sinh hoạt định kỳ hàng tuần, tháng hay theo qúy để mọi người có thể tề tựu và chia sẻ cuộc sống, gắn bó với nhau hơn.
Những điều trên không mới, và ắt hẳn không khó triển khai. Các hội nhóm sinh viên hoặc các hội đồng hương đều đang thực hiện. Tuy nhiên, do uy tín không đủ cũng như đặc trưng nhóm khiến số thành viên bị giới hạn, các hoạt động cộng đồng bị bó hẹp trong phạm vi nhỏ.
Quan trọng hơn, những hội nhóm như vậy thiếu tính chính danh để phát triển thành một tổ chức lớn mạnh, khó có đủ năng lực xây dựng mạng lưới kết nối rộng khắp. Với những những lao động xa xứ, có tổ chức nào đủ tính chính danh và uy tín hơn là tổ chức do chính phủ quê nhà lập ra?
Đồng nghiệp cũ ở Malaysia bảo chính quyền sở tại yêu cầu người dân tự bảo vệ, tự cách ly và bạn ấy thì làm việc tại nhà được ba tháng rồi. Người như tôi, nếu vẫn ở đó, thì “tự bảo vệ” là một chuyện xa xỉ.
Khu nhà thuê không đủ biện pháp vệ sinh dịch tễ, ăn uống không chỗ nấu phải ra ngoài, mà có nấu được cũng phải đi chợ mua nguyên liệu. Phần đông lao động người Việt ở Malaysia là công nhân và dân lao động tự do, hẳn họ còn khó khăn và bất an hơn nữa. Tôi vẫn nhớ người phụ nữ Nghệ An bán cơm gần công ty tôi, hai năm tôi làm ở đó chị đều không về quê kể cả Tết, vì không đủ tiền. Giờ cũng không biết chị sao rồi.
Nguồn: Người Lao Động