Người Việt Nam duy nhất, Lý Hoàng Nam, có tên trong 'bảng vàng' các champion hạng junior nam môn tennis ở Wimbledon
Việc đầu tiên là tôi tìm xem các 'bảng vàng' đóng quanh tường Centre Court, sân thi đấu danh giá nhất Anh, để xem tên tuổi các cây vợt đã lưu danh sử sách.
Trên bảng vô địch đôi nam thiếu niên có Lý Hoàng Nam của Việt Nam cùng Sumit Nagal (Ấn Độ) về nhất 'Boys' Doubles' năm 2015.
Camila Giorgi của Ý chuẩn bị phát bóng
Nhiều cây vợt nam đều cao trên 1m90
Kể từ đó năm đó không có cây vợt nam hoặc nữ từ Việt Nam tới được Wimbledon.
Nhưng trước đi đi vào chuyện đó, xin được chia sẻ một vài quan sát về mùa giải năm nay.
Thứ nhất là trời nóng liên tục từ 02/07 khiến sân cỏ Wimbledon khô hơn thường lệ, dù vẫn được tưới vào đêm, và tốc độ bay của bóng nhanh hơn bình thường.
Các danh thủ thời trước trong hoa lá mùa hè ở sân Wimbledon
Trời nóng và cỏ khô khiến bóng bay nhanh hơn
Không rõ có phải vì thế không mà sân Wimbledon trời 29-30 độ C năm nay ghi nhận những cú serve kinh hồn, tới 141 dặm một giờ (226,9km/h) như của Milos Raonic.
Là fan của môn tennis từ lâu, tôi đã vào sân O2 xem Alexander Zverev đấu với Marin Cilic năm ngoái và chứng kiến những đường bóng tốc độ cao 'hoa mắt'.
Bạn chỉ có thể theo dõi họ khi nhìn vào một bên sân.
Vì nhìn cả hai thì cổ sẽ đau do phải lắc nhanh liên tục mới theo kịp đường bóng của họ.
Nhưng đó là sân cứng có độ nảy cao, còn sân cỏ thường là 'ghìm bóng', thậm chí 'nuốt bóng', có độ nảy thấp.
Thế mà năm nay, bên sân nữ, Serena Williams (Mỹ) cũng có cú phát 'ace' 122 dặm một giờ trong trận đấu hạ Camila Giorgi của Ý hôm 10/07.
Tôi có vinh dự ngồi xem trận Camila Giorgi hạ Katerina Siniakova trước đó ở khu cho báo chí và đội nhà của các tuyển thủ (Press and Competitor' Guests) ở sân 18.
Chỉ cao có 1m75 nhưng cây vợt nữ của Ý vụt bóng và di chuyển nhanh khủng khiếp.
Những trái kick serve đã trúng vạch, ăn điểm rồi còn bắn thẳng như đạn B40 vào biển báo điểm rồi bật trở lại quá nửa sân, tạo tiếng động rất to.
Mỗi khi Camila Giorgi thắng điểm, các ông người Ý ngồi cạnh tôi trong team của cô này lại hô to 'bocca, forza, bella' để cổ vũ.
Những vùng tennis đầy tiềm năng
Trên sân nam, cảm giác đầu tiên của tôi là tennis đúng là môn thể thao cho người Âu Mỹ hoặc gốc Âu, cao to, và giàu có.
Ngồi cách vài mét xem Robin Haase và Robert Lindstedt đấu với Andrei Vasilevski và Antonio Sancic mới thấy chiều cao của họ.
Robert Lindstedt, cây vợt số 1 môn đấu đôi của Thuỵ Điển cao 1m92; Robin Haase (Hà Lan), cao 1m90; Andrei Vasilevski (Belarus): 1m85.
Tác giả trước tượng F J Perry trong khu nhà thi đấu Centre Court, Wimbledon
'Nhỏ bé' nhất trong bốn người đánh trận đó có Antonio Sancic (Croatia), cao 1m83.
Những cây vợt chuyên nghiệp này đều khá giả hoặc rất giàu, và thu nhập chỉ từ tiền thắng các giải khác nhau đã lên tới hàng triệu USD.
Không rõ tiền thu về từ sponsorship, quảng cáo thì còn bao nhiêu nữa.
Trong một trận giao hữu của 'đội già' tôi có xem thì trên sân là Greg Rusedski (Anh/Canada, cao 1m93), Fabrice Santoro (Pháp, cao 1m77), đấu với Justin Gimelstob (Mỹ, cao 1m96) và Ross Hutchins (Anh, cao 1m91).
Họ đều đã vào tuổi 40, thành danh trong nghề tennis, làm huấn luyện viên hoặc bình luận thể hao.
Tất cả cũng đã là triệu phú, khiến tôi nghĩ môn thể thao này phải chăng chỉ có truyền thống mạnh ở các nước Âu Mỹ, Úc?
Quả vậy, các tài năng tennis ở Wimbledon năm nay đều đến từ ba khu vực: Bắc Mỹ, Tây Âu, và Đông Âu.
Các cây vợt vùng Nam Mỹ hàng đầu cũng là người Argentina hay Mexico gốc Âu, mà cứ nhìn màu da, màu tóc và họ tên là biết.
Riêng vùng Đông Âu đóng góp không chỉ các cây vợt hiện đang trong top 50 mà còn là nơi xuất xứ của nhiều cây vợt tên tuổi ở Tây Âu và Bắc Mỹ.
Trong các cây vợt nữ hàng đầu từ Đông Âu có Jelena Ostapenko, mới 21 tuổi, sinh ra trong gia đình gốc Liên Xô ở Latvia; Simona Halep (Romania) vô địch French Open năm nay; Victoria Azarenka (Belarus), hai lần vô địch Australian Open, Karolina Pliskova; Petra Kvitova, Lucie Safarova (cả ba đều là người Czech); Dominika Cibulkova (Slovakia)...
Ngoài ra, phải kể đến các cây vợt Nga đã rất nổi tiếng như Maria Sharapova mà năm nay thi đấu khá yếu, bị chính đồng hương Vitalia Diatchenko loại, hoặc trẻ hơn như Evgeniya Rodina, người đã cho Madison Keys của Mỹ ra về trong trận tennis khá dài với hai tiebreaker.
Nhưng một điều tôi để ý là gốc Đông Âu của các cây vợt nước khác.
Chẳng hạn Canada trong giải Wimbledon năm nay có Gabriela Dabrowski (Dabrowska- gốc Ba Lan); Milos Raonic ̣(sinh ra ở Montenegro); Anh có Dominic Inglot, Đức có Angelique Kerber đều là con của kiều dân Ba Lan.
Đến cả Greg Rusedski, cựu số 1 Anh Quốc cũng ra ở Canada trong gia đình cha Ba Lan, mẹ người Anh.
Nhưng trong làng tennis nữ, thì trong 'tứ quái gốc Ba Lan' gồm Angelique Kerber, Caroline Wozniacki, Agnieszka Radwanskaa và Sabine Lisicki chỉ có cô Kerber vào được chung kết.
Cô Kerber, sinh ra ở Bremen và có song tịch Đức - Ba Lan đã từ nhiều năm nay dọn về sống ở quê mẹ tại Puszczykowo, gần Poznan để mở trường dạy tennis cho trẻ em Ba Lan.
Hiện đã là vô địch hai giải French Open và US Open năm 2016 nhưng chỉ cao có 1m73 và sức ra bóng yếu hơn Serena Williams rất nhiều, Angelique Kerber sẽ phải chọn đấu pháp nhiều đường bóng khôn ngoan và giữ sức thì may ra mới hạ được Nữ hoàng tennis người Mỹ trong trận chung kết nữ ngày 14/07 năm nay.
Nhìn chung, sự thành công của các cây vợt đều đến từ nỗ lực, tài năng cá nhân, chuyện gốc tích của họ và gia đình có thể không quá quan trọng.
Một trận đấu
Nhưng dù sao thì chuyện này cũng khiến một số trang mạng đặt ra câu hỏi kiểu như Vì sao người Đông Âu giỏi tennis? (Why Eastern Europeans are so good at tennis?) như thể họ có tố chất gì đặc biệt, mà chưa có câu trả lời xác đáng.
Người từ Đông Á có ai?
Vùng Đông Á thì ngoài Kei Nishikori của Nhật Bản, (thua Novak Djokovic hôm 11/07) thì có sự góp mặt các cây vợt nữ từ Trung Quốc, và đặc biệt là Hsieh Su-wei (Tạ Thục Vi) từ Đài Loan.
Hsieh Su-wei, người có lối đánh cầm vợt cả hai tay cho quả forehand và giống đập chảo, đã hạ top seed Romania, Simona Halep (3-6 6-4 7-5) hôm 07/07.
BBC Sport đã có cả đoạn video ghi lại các shot 'quái chiêu' của người xứ Đài này mà Maria Sharapova từng bình luận là 'ác mộng (nightmare) vì không hiểu là kiểu gì.
Ở lứa thiếu niên, thì người Đài Loan năm nay có cả một số gương mặt nam như Tằng Tấn Huân, và lạ hơn là có một thiếu nữ gốc Anh đại diện.
Đó là Joanna Garland, sinh tại Stevanage, Anh Quốc nhưng mang quốc tịch Đài Loan.
Còn về kiều dân gốc Á tôi đã xem Brandon Nakashima, người Mỹ, trong một trận đấu đôi.
Vì như đã nói, tôi chỉ ngồi ở khu báo chí và huấn luyện viên nên có dịp 'nghe lỏm' đôi ba câu chuyện coach của bạn Nakashima nói với các thành viên đội Mỹ về Brandon (sinh năm 2001 ở San Diego), một ngôi sao đang lên của tennis trẻ Hoa Kỳ.
Việc chọn huấn luyện viên và có đầu tư nhiều tiền để đi lên tiếp từ tuổi thi đấu hạng junior là rất quan trọng, và có lẽ đây là vấn đề của tennis Việt Nam.
Lindsey Davenport và Mary Jo Fernandez của Mỹ giao hữu với Marion Bartoli (Pháp) và Daniela Hantuchova (Slovakia)
Sau Lý Hoàng Nam thì đến nay chưa thấy có ai nổi lên từ Việt Nam để vào nổi hạng junior rồi tiếp tục sự nghiệp tennis ở tầm quốc tế.
Lý do thì có nhiều, gồm cả thể lực, chiều cao nhưng 'sự nghèo' chắc chắn là một yếu tố.
Một thống kê của Hội Tennis Hoa Kỳ từ 7-8 năm trước đã nói rằng thời điểm 'turn pro' thành tuyển thủ chuyên nghiệp ở tuổi 17-18, người ta cần 150 nghìn USD một năm.
Đây là khoản tiền 70-80 nghìn đủ trả lương năm thuê một vị coach cỡ bình thường ở Phương Tây, cộng với 60-70 nghìn chi cho đi lại.
Vì không đi tournament, không giao đấu với các cây vợt cùng hạng hoặc giỏi hơn, thì bạn không bao giờ khá hơn.
Thống kê này chưa hề tính số tiền ăn tiêu, sinh hoạt cho người đã có sẵn năng khiếu, thể lực và ý chí 'chiến đấu' mà gia đình phải chi ra một năm.
Ở Việt Nam hiện nay, theo tôi biết, ngoài bóng đá là thể thao đại chúng, ăn được quảng cáo TV, và môn golf cho giới quyền quý, tennis vẫn còn chưa phổ biến và chẳng có đầu tư gì đáng kể trên diện rộng.
Mà thiếu hàng vạn người chơi tennis và cơ sở hạ tầng (riêng ở Anh có trên 2300 sân) thì quốc gia khó có đủ hạt giống trẻ để chọn ra các top seed.
Vì thế, chắc còn nhiều năm nữa chưa thấy ai hơn được Lý Hoàng Nam là một tài năng đột xuất từ Việt Nam để quay lại sân Wimbledon.
Thế nhưng thôi ta cứ hy vọng là đến một ngày...biết đâu.
Nguồn: Nguyễn Giang/ BBC