Thầy Nguyễn Văn Hào vừa giảng dạy vừa bán tạp hóa kiếm sống
Trong chuyến thăm tỉnh Preyveng nằm cách thủ đô Phnom Penh, Campuchia khoảng 60km, chúng tôi gặp thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào và chứng kiến thầy trò ở đây vật lộn để được học, được dạy, như thế nào.
"Tôi dạy chính tả, làm văn, toán, sinh học, lịch sử, tiếng Anh, thủ công, vẽ, thể dục, thậm chí dậy cả múa, hát, nấu ăn. Thầy Nguyễn Văn Hào |
Nguyễn Văn Hào sinh năm 1985 tại Việt Nam, nhưng anh coi Campuchia là quê hương của mình - nơi ông bà, cha mẹ anh sinh sống.
Thời Khmer Đỏ (1975-1979), cha mẹ Hào chạy nạn diệt chủng về lại Việt Nam và sinh anh tại đó. Nhờ vậy, anh có quốc tịch Việt Nam và được học đến đại học.
Tấm bảng nội quy này do thầy Hào tự làm
Có tấm bằng ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh trong tay, Nguyễn Văn Hào về lại quê hương Campuchia, mong muốn đóng góp cho cộng đồng ở đây. Năm 2013, anh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường tiểu học Việt Nam - Khmer mới thành lập tại tỉnh Preyveng.
"Học trò ở đây thương lắm. Nhiều em học đến lớp Hai, lớp Ba là lên trả sách thầy để về phụ ba mẹ kiếm sống. Mà học được đến chừng đó, biết chữ, biết làm tính, đã là may mắn rồi. Có rất nhiều em chưa từng được đến trường," thầy Hào kể lại.
Thầy giáo 'dạy đủ thứ'
Từ khi trường tiểu học Khmer Việt Nam được thành lập tới nay thầy Hào đã dạy ở đây được tám năm. Nhân viên của thầy gồm bốn giáo viên, hai người việt, hai người Campuchia, dạy khoảng 200 em từ lớp Một đến lớp Năm.
Do thiếu giáo viên, anh Hào vừa là hiệu trưởng vừa dạy học luôn, và dạy tất cả các môn cho ba lớp.
"Tôi dạy chính tả, làm văn, toán, sinh học, lịch sử, tiếng Anh, thủ công, vẽ, thể dục, thậm chí dậy cả múa, hát, nấu ăn," thầy Hào liệt kê.
Thầy Hào đưa chúng tôi đi vòng quanh trường, cho xem những tấm biển nội quy trong ngoài lớp đều một tay thầy làm. Trên tấm bảng đen trong một lớp vẫn còn hình vẽ minh họa cho tiết Sinh học hôm trước, cũng là do thầy vẽ luôn. Khi tan lớp, học sinh ra về, thầy lại kiêm luôn chân lao công, quét dọn lớp học. Điện hay đường ống nước trong trường hỏng, một tay anh sửa. Nhiều bàn ghế, giá sách trong trường cũng do thầy đóng.
Thầy hiệu trưởng kiêm giáo viên Nguyễn Văn Hào dạy tất cả các môn ở một trường tiểu học Việt Nam - Khmer tại Campuchia.
Vừa làm thầy, vừa làm thợ. Để nuôi vợ và con nhỏ, anh Hào làm đủ nghề. Trước cửa phòng thầy là quầy hàng tạp hóa bán nước ngọt, mì tôm, bim bim. Khách hàng là học sinh. Ăn gì tự lấy rồi tự bỏ tiền vào túi treo ngay ở quán cho thầy.
Chừng nào còn khả năng sống được thì tôi sẽ không bỏ trường đâu.. Thầy Nguyễn Văn Hào |
Căn phòng nhỏ trong trường là nơi gia đình thầy Hào sinh sống, không có gì đáng giá ngoài chiếc máy tính để bàn và máy photocopy - phương tiện kiếm sống của Hào. Ngoài bán đồ lặt vặt, thầy Hào còn photo tài liệu, chụp hình, sửa máy ảnh, lắp đặt camera, dạy thêm tiếng Anh... Tóm lại làm được việc gì ra tiền là thầy làm hết.
Vừa dạy, vừa 'dỗ' để học sinh chịu đi học, Hào nói nhiều khi còn là nơi để các em chia sẻ, tâm sự. Thế mà anh nói: "Tôi không hiểu tại sao mình vẫn sống sót được cho đến bây giờ." Trong câu chuyện hào hứng của người vừa là thầy, vừa là anh, vừa là bạn với các học sinh của mình, xen lẫn tiếng thở dài.
Thầy Hào tâm sự, trăn trở nhất của anh là mức lương thấp và sự thiếu công bằng.
"Tôi có bằng Đại học Sư phạm đàng hoàng và đã dạy ở đây được tám năm, nhưng lương ngang một cô giáo làng không bằng cấp. Cái thiếu công bằng nữa, là tôi dạy vượt bậc ba lớp nhưng lương bằng người dạy một lớp. Ngoài ra, lương tôi 150 đôla/tháng, bằng một nửa lương đồng nghiệp Campuchia, 300 đôla/tháng, theo quy định của Bộ Giáo dục Campuchia. Như thế hạ thấp giá trị người Việt quá."
"Tôi đã làm đơn kiến nghị nhiều lần, chỉ cần được lương ngang bằng đồng nghiệp Campuchia thôi mà 8 năm nay không được. Ngày lễ ngày tết giáo viên Campuchia được thưởng còn giáo viên Việt thì không. Tới ngày nhà giáo Việt Nam, ngày 8/3, nêu tôi không tự tổ chức cho các em thì cũng thôi luôn vì đâu có kinh phí."
Giọng thầy giáo trẻ chùng xuống phút chốc, rồi sôi nổi trở lại khi cho chúng tôi xem hình các các hoạt động ngoại khóa mà anh tổ chức cho học sinh. Trường nghèo, thầy nghèo, trò nghèo, vậy mà đều đặn năm nào thầy trò cũng tổ chức trại hè. Thầy trò tự cắt dán, trang trí, mua bánh kẹo rồi đốt lửa cắm trại trong trường. "Học sinh vui lắm, chúng nói chưa từng được cắm trại bao giờ."
"Chừng nào còn khả năng sống được thì tôi sẽ không bỏ trường đâu," thầy Hào nói khi đưa chúng tôi từ trường ra quốc lộ để tới nhà một học sinh mới bỏ học để đi làm hương. Đoạn đường dài và loang lổ bùn đất, đầy ổ voi, ổ gà, vũng nước, trông như vừa qua một trận bom.
Học sinh gốc Việt ở Campuchia không ai học cao
Học sinh nghỉ học đi làm hương ở Preyveng, Campuchia
Nỗi ngậm ngùi về sự thiếu công bằng của thầy Hào cũng là ngậm ngùi chung của cộng đồng gốc Việt tại đây.
Do không được thừa nhận là người Campuchia, dù sinh sống ở đây nhiều đời, người gốc Việt vẫn không được cấp hộ tịch, dẫn đến trẻ em sinh ra không được cấp giấy khai sinh.
Theo nghiên cứu "Tình trạng giáo dục của trẻ em gốc Việt vô chính phủ ở Campuchia" công bố tháng 5/2019, tổ chức Minority Rights Organization (MIRO) cho hay việc không có giấy khai sinh là rào cản khiến cộng đồng gốc Việt gặp trở ngại để được cấp các giấy tờ khác vốn có thể đảm bảo cho họ có các quyền cơ bản, như được đi học, hay được cấp hộ tịch. Đây là cái vòng luẩn quẩn.
MIRO chỉ ra rằng, chỉ có 5% trẻ trong cộng đồng gốc Việt ở Campuchia được đến trường công, cũng chủ yếu do không có giấy khai sinh. Ngoài ra, một nguyên nhân chính khác là cha mẹ gốc Việt không hiểu hết tầm quan trọng của giáo dục. Do nghèo và thất học, các gia đình chủ yếu muốn con ở nhà phụ đánh cá, hoặc đi làm thêm, hoặc trông em. Có đến 75% trẻ không đến trường là do phải đi đánh cá.
"Việc này làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng gốc Việt tại Campuchia, đồng thời làm tăng nguy cơ bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Nhưng nhìn chung, người gốc Việt ở Campuchia không thể tìm thấy việc làm gì khá hơn là đánh cá," nghiên cứu cho hay.
Ông Phann Sarin, Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tại tỉnh Preveng cho hay có tới 70% trẻ em gốc Việt mù chữ trên toàn tỉnh.
Ngoài vấn đề giấy khai sinh, chủ yếu là do trẻ gốc Việt nếu có học cao lắm thì cũng chỉ tới lớp Năm trong các trường tư do cộng đồng người Việt thành lập. Có học được lên nữa cũng không được cấp bằng, dẫn đến không xin được việc. Do đó cha mẹ muốn cho con ở nhà làm thuê luôn.
Bà Nguyễn Thị Hương, 45 tuổi ở Preyveng nói cá bây giờ kiếm được ít lắm
Thầy Nguyễn Văn Hào nói ban đầu khi mới tiếp nhận trường, tổng số học sinh là 400 em nhưng cứ rụng dần. Đầu năm học nào giáo viên đến từng nhà vận động cha mẹ cho con đi học nhưng không ăn thua.
Tại một xưởng làm hương mà thầy Hào đưa tôi đến, Nguyễn Thị Hà (tên học sinh đã được thay đổi) đang mải miết ngồi xếp hương và đóng gói. Mới tháng trước, Hà lên gặp thầy Hảo nói "con trả sách cho thầy, mai con nghỉ học đi làm hương." Tiền công kiếm được ít ỏi, nhưng đủ mua gạo ăn mỗi ngày.
Gặp cha mẹ Hà trong một căn chòi tồi tàn ven sông Mekong, bà Nguyễn Thị Hương, 45 tuổi (mẹ Hà) nói cho con nghỉ học đi làm thêm vì nhà nghèo. Việc đánh cá ngày càng khó khăn do cá ít dần đi. Hai vợ chồng bà đều không biết chữ. Con cả học đến lớp Chín thì nghỉ đi lấy chồng.
"Cha mẹ gốc Việt được hỏi đều bày tỏ nỗ lo lắng cho tương lai không có thu nhập của con cái. Vì thế, ít nhất, họ muốn con phải biết câu cá. Đây là một khía cạnh khác về việc nghèo đói và tình trạng pháp lý yếu ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục và do đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Đây thực sự là mối quan ngại cho xã hội Campuchia," báo cáo của MIRO cho hay.
Thầy Nguyễn Văn Hào đi thăm một gia đình có con nghỉ học đi làm hương
Chúng tôi tạm biệt thầy Hào khi trời đã nhá nhem tối. Thầy đang bán nốt mấy cốc nước ngọt cho học trò rồi chuẩn bị sáng sớm mai, cuối tuần, phóng xe máy về Việt Nam đón vợ và hai con đang ở nhà ngoại ở Đồng Tháp. "Đứa lớn ngồi đằng trước, đứa nhỏ mẹ ôm ngồi sau," thầy Hào mô tả.
Hỏi sao không đi ô tô cho an toàn, thầy Hào nói đi xe máy quen rồi, tiện hơn, mà rẻ nữa chứ tiền ô tô từ Campuchia về Việt Nam chịu không nổi, 8 năm nay rồi.
Nguồn: Mỹ Hằng/ BBC