Quỹ Hòa bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới vừa trao giải thưởng Hòa bình Luxembourg năm 2019 (Luxembourg Peace Prize) cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Buổi lễ trao giải vừa được diễn ra vào ngày 14.6.2019 tại tòa nhà Quốc hội châu Âu ở Luxembourg.
Năm nay, giải thưởng Luxembourg Peace Prize được trao cho 10 lĩnh vực về hòa bình gồm: Báo chí vì hòa bình, Hỗ trợ hòa bình, Nghệ thuật vì hòa bình, Tổ chức hòa bình, Giáo dục hòa bình, Nhà hoạt động hòa bình, Công nghệ hòa bình, Hòa bình môi trường, Tiến trình hòa bình, Hòa bình nội tâm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh được trao giải ở lĩnh vực “Hòa bình nội tâm” (Inner Peace)
Do Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang tịnh dưỡng tại Việt Nam nên nên sư ông Pháp Hữu, trụ trì chùa Pháp Vân, xóm Thượng (Pháp) đại diện cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới Luxembourg để nhận giải thưởng vinh dự này.
Thầy Pháp Hữu, trụ trì chùa Pháp Vân, xóm Thượng, Làng Mai Pháp đã được tăng thân cử làm đại diện cho Sư tới tới Luxembourg để nhận giải thưởng cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh
“Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhà thơ và nhà hoạt động hòa bình toàn cầu, được tôn kính trên khắp thế giới vì những bài pháp thoại đầy thuyết phục và những cuốn sách bán chạy nhất về chánh niệm và hòa bình. Giáo lý quan trọng của Thiền sư là với chánh niệm, chúng ta có thể học cách sống hạnh phúc trong hiện tại, đây là cách duy nhất để thực sự có được bình an trong tự thân và trên thế giới”, Quỹ Hoà bình Luxembourg đã viết.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được tôn vinh trên trang Luxembourg Peace Prize
Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm nay 93 tuổi, ông nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây với phương pháp tu Chánh niệm, bên cạnh đó cuộc đời ông cũng gắn liền với các hoạt động vì hòa bình. Tháng 6.1965, Thiền sư viết thư cho nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. để kêu gọi ông công khai chống lại Chiến tranh Việt Nam. Một năm sau, hai người lần đầu tiên gặp nhau tại Chicago, thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Trong cuộc họp báo sau đó, King đã phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, King đề cử Thiền sư cho Giải Nobel Hòa bình nhưng năm đó không ai được trao giải.
Theo thiền sưThích Nhất Hạnh, chìa khóa để hòa giải chính là việc "biết lắng nghe". Ông cũng khuyên các chính trị gia nên học theo con đường của Phật giáo để giúp ích cho đàm phán và hòa giải.
Sau hơn 4 thập niên rời xa quê hương, lần đầu tiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh về thăm Việt Nam vào năm 2005 và sau đó một lần nữa vào năm 2007. Trong chuyến về quê hương đi khắp đất nước, tổ chức những khóa tu, buổi pháp thoại và gặp gỡ các tăng ni phật tử. Đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Việt Nam với tên gọi "Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan", cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho những người từng gánh chịu hậu quả của chiến tranh.
Năm 2014, Thiền sư trải qua một thời gian bị hôn mê do xuất huyết não. Sau khi phục hồi, năm 2016, ông từ Pháp đến tịnh dưỡng tại Trung tâm tu học Làng Mai ở Thái Lan. Năm 2017, ông về Việt Nam và thăm chùa Từ Hiếu (Huế), sau đó trở về lại Làng Mai Thái Lan.
Ngày 28.10.2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh một lần nữa trở về Việt Nam và đến chùa Từ Hiếu để tịnh dưỡng. Từ tháng 5.2019, do chùa Từ Hiếu xây dựng lại nên Thiền sư Thích Nhật Hạnh rời ngôi chùa này để vào TP.Đà Nẵng tịnh dưỡng tại một resort ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn.
Giới thiệu về Thiền sư Thích Nhất Hạnh của Luxembourg Peace Prize
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhà thơ và nhà hoạt động hòa bình toàn cầu, ông được tôn kính trên khắp thế giới vì những giáo lý mạnh mẽ chánh niệm và hòa bình. Giáo lý quan trọng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thông qua chánh niệm, chúng ta có thể học cách sống hạnh phúc trong thời điểm hiện tại. Đây là cách duy nhất để thực sự có được bình an cho bản thân và hòa bình cho thế giới.
Là một nhà văn nổi tiếng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất bản hơn 100 đầu sách bằng tiếng Anh, từ các sách hướng dẫn cơ bản về thiền tập, thực tập chánh niệm và Phật giáo dấn thân, thi ca, truyện thiếu nhi, cho đến luận giảng về những bản kinh Phật giáo cổ. Thầy là người tiên phong trong việc đưa Phật giáo đến phương Tây, thành lập sáu tu viện và hàng chục trung tâm thực tập chánh niệm tại Mỹ và châu Âu, cũng như hơn 1.000 cộng đồng thực hành chánh niệm địa phương, được gọi là tăng thân (sangha). Thầy đã xây dựng một cộng đồng thịnh vượng với hơn 700 các vị xuất sĩ trên toàn thế giới cùng với hàng chục ngàn đệ tử tại gia, những người thực tập những lời dạy của Thầy về chánh niệm, bình an và giúp xây dựng cộng đồng thực tập trên khắp thế giới; trong trường học, nơi làm việc, doanh nghiệp, thậm chí cả nhà tù.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hiện đang ở tuổi 93, là một tu sĩ hiền lành, khiêm nhường - người mà Mục sư Martin Luther King gọi là Sứ giả của hòa bình và bất bạo động. Các phương tiện truyền thông đã gọi ông là Người cha của chánh niệm, và là vị Thiền sư có khả năng thu hút người nghe đến kín cả sân vận động”.
Tiểu Vũ
Nguồn: báo điện từ MỘT THẾ GIỚI