Nguyễn Tường Vân bảo với tôi, trà trong ống nứa qua nhiều công đoạn được lên men là đặc sản chỉ Việt Nam mới có. Những ống trà được vận chuyển “nguyên đai nguyên kiện” từ Hà Giang tới Paris, phục vụ những thực khách của tiệm Trà Art nằm trên đường Bichat cách sông Seine không xa.
Từ “Trà” trong tiếng Việt viết ngược lại thành “Art” (nghệ thuật) trong tiếng Anh. “Nghệ thuật hiện hữu trong trà, còn trà hiện hữu trong cuộc sống, và cuộc sống hiện hữu trong nghệ thuật”, cô chủ 8X lý giải về cái tên Trà Art của tiệm trà Việt hiếm hoi và cũng là không gian dành cho những người yêu văn hóa Việt ở Paris (Pháp).
Tiệm trà Trà Art nằm trên đường Bichat, Paris, Pháp
Nơi không chỉ có trà
Dịp Tết năm ngoái, không gian Tết Việt với cành đào, cành mai câu đối đỏ, tranh dân gian Hàng Trống, mâm ngũ quả, bao lì xì… đã được mang vào Trà Art. Tết năm nay, cô chủ tiệm trà sẽ không quên kể những câu chuyện ý nghĩa về ngày tết cùng những phong tục tập quán của người Việt trong dịp đón năm mới âm lịch qua buổi trò chuyện trực tuyến. Với cô, không khí tết còn là khi được cùng những vị khách quây quần bên ấm trà nóng, ăn mứt tết, nói với nhau những câu chuyện vui vẻ như mọi người Việt vẫn hay làm trong những ngày đầu năm.
Ở Trà Art, những buổi thưởng trà cũng được tổ chức vào dịp Tết Trung thu. Nhâm nhi chén trà nóng cùng bánh trung thu truyền thống Việt Nam, những vị khách được lắng nghe những câu chuyện về ngày tết do chính cô chủ chia sẻ. Thú vị là, khách đến Trà Art chủ yếu không phải là người Việt mà lại là người Pháp hoặc đến từ nhiều quốc gia khác. Trên fanpage của tiệm, những vị khách nước ngoài thường để lại lời nhắn: “Cảm ơn Vân, tôi rất thích!”, “Thú vị quá!”. “Nhất định tôi sẽ lại ghé”…
“Văn hóa trà Việt không có những nghi lễ trang nghiêm như văn hóa trà đạo Nhật Bản, không đề cao quá nghệ thuật thưởng thức như văn hóa trà đạo Trung Quốc, mà lại hướng đến nghệ thuật sống, nghệ thuật chia sẻ, hay những câu chuyện quanh ấm trà”, Nguyễn Tường Vân nói. Đó cũng là lý do vì sao cô chủ Trà Art thường có những buổi trò chuyện và thưởng trà cùng khách.
“Tôi muốn những vị khách đến đây có thể hiểu rõ về nguồn gốc, lịch sử của trà Việt – điều mà ngay cả nhiều người Việt không hẳn đã rõ, cùng với đó là cách thưởng trà của người Việt trong nhiều giai đoạn lịch sử, hay của người Việt ở những tầng lớp khác nhau từ vua chúa đến nông dân, trí thức đến người dân lao động phổ thông… Nhiều người nước ngoài còn rất thích thú khi được nghe chuyện về văn hóa trà đá vỉa hè bây giờ ở Việt Nam nữa”, Tường Vân kể.
Một trong những điểm đặc sắc nhất của trà Việt, theo Vân, chính là thói quen uống trà lá tại chỗ, mà cách nói dân dã là uống chè tươi. “Tôi muốn nơi này không chỉ là nơi người ta tìm đến để thưởng trà Việt, mà còn tìm thấy không gian văn hóa Việt”, Vân nói và cho biết Trà Art đã có một lượng khách quen dù chưa nhiều nhưng rất trung thành. “Ở Pháp, Việt Nam được nhiều người quan tâm và yêu mến. Hơn nữa, họ cũng rất tò mò về văn hóa của những vùng đất khác nhau. Bởi vậy, những gì liên quan đến văn hóa Việt thường được chú ý”, cô chia sẻ.
Trà Art tổ chức triển lãm tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quỳnh Phương thu hút nhiều người bạn nước ngoài tới xem tranh và thưởng trà Việt
Trà Việt cần có vị trí xứng đáng
Khách đến Trà Art có thể thưởng thức trà Việt theo kiểu truyền thống hoặc theo cách sáng tạo của cô chủ, trong đó có món cocktail trà.
“Đó là cách tôi kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đem đến nhiều trải nghiệm cho thực khách. Nhưng quan trọng, tất cả thức uống đều có nguyên liệu là trà Việt”, Vân bảo. Trà Art được mở vào tháng 11.2019, đúng thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. “Tại sao lại là lúc đó?”, tôi ngạc nhiên hỏi, cô chủ Trà Art cười: “Nhiều người bảo tôi dở hơi, nhưng với tôi đó là thời điểm không thể trì hoãn thêm nữa. Tôi đã ấp ủ dự định từ cách đó 2 năm, và cuối năm 2019 là thời điểm mà tôi đã sẵn sàng đưa Trà Art đến với mọi người”.
Trở lại năm 2017, khi Tường Vân bắt đầu ấp ủ ý định đưa trà Việt đến Pháp. Đó là lúc cô vừa kết thúc khóa học nhiếp ảnh tại Trường Gobelins (Paris). “Trở về Việt Nam tìm chủ đề nhiếp ảnh mới, tôi lên vùng cao và vô tình lạc vào những vùng đất có những cây chè shan tuyết cổ thụ mọc hoang dã. Tôi lâng lâng khi được nhấm những ngụm trà mà như thấy cả những giọt sương tinh khiết tan trong miệng. Ngay khi ấy, tôi đã nảy ra ý muốn đưa thứ trà hảo hạng này tới châu Âu cũng như tìm vị trí cho trà Việt. Nhưng những điều xảy ra trước mắt lại khiến tôi phải suy nghĩ. Đó là việc nhiều người dân không hiểu giá trị của những cây chè cổ thụ, họ phá bỏ, hoặc thu hái tràn lan. Tôi nghĩ trước hết, mình cần làm gì đó để người Việt hiểu được giá trị của những cây chè shan tuyết cổ và biết cách khai thác nguồn sản vật quý bền vững”, Vân nói.
Nghĩ là làm. Sau nhiều chuyến đi nối tiếp nhau, năm 2018, cô đã khởi xướng dự án nghệ thuật Trà Art quy tụ 5 nghệ sĩ người Việt và quốc tế: họa sĩ người Pháp Gérald Gorridge, nghệ sĩ – nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, họa sĩ Nguyễn Quỳnh Phương, họa sĩ người Anh Marcus Bowler, nghệ sĩ sắp đặt và điêu khắc Trần Thu Hằng. “Tôi nghĩ nghệ thuật là phương tiện truyền tải thông điệp hiệu quả”, Vân lý giải. Triển lãm Trà Art kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật đã diễn ra trong hơn 1 tháng tại Viện Pháp (Hà Nội).
Trở lại Paris, cô dồn tâm huyết cho tiệm trà và tìm cách đưa những loại trà Việt quý như trà shan tuyết, trà trắng, trà phổ nhĩ ở những vùng cao của nhiều tỉnh, thành phía bắc đến Pháp, sau đó là nhiều nước châu Âu khác như Ý, Bỉ, Anh… Vân cũng tìm cách đưa những loại trà quý hiếm của Việt Nam đến tham dự những hội chợ nông sản quốc tế. Cô hào hứng cho hay, trà trắng của Việt Nam do Trà Art mang đi thi đã nhận giải nhất cuộc thi về trà trắng thế giới (AvPA Paris). “Có nhiều tiêu chí để các chuyên gia thẩm định chất lượng trà, từ thẩm hương, đến thẩm vị, họ sẽ xem hương có giữ được lâu không, vị có gì đặc biệt không”, Vân nói. Cô thấy đáng tiếc khi rất ít người Việt trong nước biết đến hay uống trà trắng, một sản vật quý của Việt Nam, trong khi ở nước ngoài loại trà này được đánh giá cao về sự quý hiếm.
“Việt Nam nằm trong bảng đầu những nước xuất khẩu trà nhiều nhất thế giới, nhưng lại chủ yếu dưới dạng trà nhúng, chứ rất ít khi là mặt hàng cao cấp. Trong khi đó, những người nước ngoài sành trà luôn tìm kiếm những loại trà quý hiếm, biết rất ít về những loại trà của Việt Nam, mà chỉ biết chủ yếu trà Nhật Bản, Trung Quốc hay Ấn Độ”, Vân băn khoăn. “Ở nhiều nước, hay ngay như ở Pháp, Việt Nam rất nổi tiếng với phở, bún, bánh mì, nhưng lại gần như không được biết đến về trà. Có lẽ, chúng ta nên đa dạng hơn những đặc sản cần được quảng bá”, Vân bày tỏ.
Theo chồng định cư tại Pháp, khởi nghiệp ở một đất nước châu Âu xa xôi không dễ dàng gì với cô gái 8X này. Chặng đường phía trước với Trà Art và trà Việt vẫn còn nhiều thử thách phải vượt qua, nhưng Vân chỉ nghĩ đơn giản rằng: “Nếu chỉ mong muốn có được nhiều tiền, tôi sẽ không khởi nghiệp với việc mở tiệm trà mà là mở quán bún, phở, hay bánh mì, nhưng như vậy là không trung thành với mục tiêu ban đầu của mình. Qua trà Việt, tôi muốn quảng bá những giá trị văn hóa của nhiều vùng miền đất nước mình”.
Nguồn: thanhnien.vn