Các cộng đồng gốc Việt ở Mỹ tất bật huy động mọi nguồn lực để phần nào giảm thiểu sự chật vật và khó khăn của đồng bào gặp nạn trong cơn bão Harvey.

Mắt của ông Chan Van Nguyen, cư dân Houston, đỏ ngầu sau nhiều đêm không ngủ vì bão ập đến, nhưng ông vẫn nở nụ cười chào đón hơn 10 người tình nguyện vào ra ngôi nhà của mình.

Trong số này, một đôi vợ chồng là chủ nhà hàng đã lái xe vượt qua các con đường ngập lụt để giao mì gói, trái cây cho ông, trước khi đeo khẩu trang, găng tay kéo những thùng rác ra ngoài, theo trang tin The Dallas Morning News.

Trong nhà, một sinh viên đại học từ tiểu bang California loay hoay xử lý rác và dọn sạch phòng tắm từng bị ngập dưới nửa mét nước khi bão Harvey liên tục quần đảo ở bang Texas. Ông Chan suýt bật khóc khi biết được một thanh niên lặn lội từ San Jose để giúp mình xử lý hậu quả sau lũ. “Biết ơn” là từ duy nhất mà ông có thể thốt ra trong cơn nghẹn ngào.

Nối kết qua mạng xã hội

Ông Chan chỉ là một trong nhiều trường hợp gặp nạn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cộng đồng người Việt ở Mỹ trong cơn bão Harvey. Khu đô thị Houston mở rộng là nơi có cộng đồng gốc Việt lớn thứ ba ở Mỹ. Theo thống kê dân số vào năm 2015, có khoảng 120.000 người cư ngụ trên địa bàn thành phố, nhiều người thuộc thế hệ thứ hai của dân nhập cư gốc Việt tại tiểu bang Texas.

Tình người Việt trong bão tố - 0

Công tác cứu trợ tại một nhà chùa ở Houston

Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn kiều bào không rành tiếng Anh, đẩy họ vào tình trạng chật vật nghiêm trọng sau những đợt thiên tai như bão Harvey vừa qua. Trước tình hình trên, cộng đồng gốc Việt trên toàn nước Mỹ đã kêu gọi góp sức cứu trợ đồng bào bị thiên tai, từ thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm và hơn thế nữa.

Cộng đồng VN tại Houston và vùng phụ cận đã cử các tình nguyện viên lan tỏa khắp nơi để giúp những người như ông Chan, vốn không đủ thời gian di chuyển đồ đạc lên chỗ cao hơn khi lũ tràn vào nhà. Mỗi đêm, những nhóm người Việt lại bận rộn liên lạc với nhau qua các mạng xã hội như Facebook để xác định địa điểm cần cứu trợ trong ngày hôm sau và chuẩn bị sẵn sàng những nguồn lực cần thiết.

Đôi khi các nhóm cùng hợp lực, như trường hợp vận động hơn 15 xe tải lớn nhỏ chở nước sạch và dụng cụ làm vệ sinh đến Beaumont và Port Arthur.

Cũng có những đơn vị góp phần theo cách riêng, như nhà hàng Sake Sushi Bar and Lounge ở TP.Port Arthur liên tục làm hàng ngàn phần ăn từ thiện cho người bị nạn, quân nhân tham gia hỗ trợ thiên tai. Theo Facebook của nhà hàng này, hơn 5.000 suất ăn nóng đã được chuẩn bị và giao cho các trung tâm tị nạn trong vòng 3 ngày.

Phá bỏ rào cản ngôn ngữ

Tại hai trường trung học ở quận Alief, nơi những ngày qua tạm thời biến thành trung tâm tiếp nhận người bị nạn vì thiên tai trên địa bàn TP.Houston, các nhân viên nhà trường cố gắng giải thích cho đám đông về tình hình bão tố và những chọn lựa có thể nếu cần nộp đơn xin hỗ trợ thiên tai, nhưng rào cản ngôn ngữ đã làm mọi việc trở nên khó khăn.

Người điều hành tại đây là ông H.D.Chambers cho biết họ không thiếu người nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng lại gặp trở ngại khi phải trao đổi với người chỉ nói được tiếng Việt. Họ quyết định kêu gọi cộng đồng gốc Việt hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các cá nhân và tổ chức, nhà thờ, chùa chiền trong vùng.

Tại Trung tâm hiệp hội khoa học và văn hóa VN, có 6 tình nguyện viên hỗ trợ các gia đình điền vào đơn gửi Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA), cũng như tra cứu thông tin về các quỹ cứu trợ do những tổ chức địa phương lập ra.

Chẳng hạn, một người tên John Hoang, 63 tuổi, đã hoàn tất đơn xin chính quyền hỗ trợ căn nhà ngập lụt của ông ở Houston. Dù nói được tiếng Việt, ông không nắm rõ địa điểm để trình báo FEMA về tình trạng của mình, cũng như liệu có thể dọn dẹp nhà cửa sau khi nước rút hay không. Các nữ tu giúp ông xác định được vấn đề và từ giải thích của phía FEMA, ông Hoang có thể bắt tay thu xếp nhà cửa, nhưng cần ghi hình mọi điểm thiệt hại và giữ lại những mẫu đồ đạc đã bị hư hỏng.

Nữ tu Bernadette Nguyen trở thành chuyên gia về FEMA vào năm 2005 sau bão Katrina. Tu viện của bà từng đón khoảng 300 gia đình gốc Việt chạy khỏi New Orleans. Bà hiểu việc xoa dịu tâm lý cũng quan trọng như chuyện bồi thường tài sản sau thiên tai. “Họ cần phải được trút bớt tâm sự. Đây là cách để họ có thể chấp nhận thực tế và vượt qua khó khăn trước mắt”, nữ tu này nói.

 

Nguồn: Báo Thanh Niên




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC