Đại diện các hội đoàn kiều bào tại Pháp trao ủng hộ cho đại diện tỉnh Hà Tĩnh
Khi xem vô tuyến, báo chí của Pháp đưa hình ảnh miền Trung Việt Nam nước ngập hết nóc nhà, trường học, tôi nhớ đến những cơn bão khủng khiếp ở Hà Nội ngày trước.
Thời chiến tranh, mọi thứ thiếu thốn, tôi ở trong một căn biệt thự xưa của Pháp xây, chia cho một số cư dân. Nhà kiên cố, chắc chắn. Nhưng mỗi lần bão đổ về quét qua Hà Nội, gió đập ầm ầm, cửa sổ rung lên, bật tung cả chốt thanh gỗ chắn. Cha tôi lại vội vàng cùng anh trai dùng dây thừng to giằng cửa sổ nhiều vòng cho chắc vì lo cửa sổ tầng ba rơi xuống nguy hiểm cho mọi người, hơn nữa việc thay cửa không phải đơn giản.
Cây to bật gốc đổ ngang giữa đường, dây điện đứt chằng chịt, có người bị kẹt dưới cành cây, mọi người gọi nhau ra cứu. Nước ngập lấp sấp, đôi khi thấy cả cá và ba ba.
Lũ trẻ con Hà Nội ngây thơ không sợ bão chạy ra bắt cá, bị la mắng một trận vì nguy hiểm. Đường Khâm Thiên nước ngập đến yên xe đạp.
Nhớ cảnh đó giờ đây khi lũ quét qua, cộng thêm bão dồn, tôi thấy thương mảnh đất miền Trung như đòn gánh chịu đựng. Nhớ câu đồng dao trong trò chơi thủa nhỏ vẫn nghêu ngao "Rồng rắn lên mây… Khúc đầu cùng xương cùng xẩu… khúc giữa cùng máu cùng me… khúc đuôi tha hồ thầy đuổi… ".
Câu hát như tượng trưng cho ba miền đất nước. Khúc giữa chịu đựng chiến tranh từ bao đời nay. Nơi chó ăn đá gà ăn sỏi. Cha mẹ tôi sinh ra ở đấy, dù con nhà khá giả, song mỗi lần nhắc đến cha mẹ đều nói quê nghèo lắm.
Tôi chưa một lần về quê mẹ, nhưng cái tên Hà Tĩnh, Thạch Hà quen thuộc đối với tôi.
Nghe Hà Tĩnh bị lũ tràn vây, tôi gửi ảnh cho bạn bè. Thật bất ngờ, anh Vũ Cẩn, Đinh Hùng, chỗ bạn bè kiều bào Pháp viết thư hỏi lại "Chúng ta làm gì đây? Kêu gọi ủng hộ giúp đồng bào nhé!". Chúng tôi đồng ý ngay và lên kế hoạch gửi thư kêu gọi. Lại một bất ngờ, tình thương quê hương đã kéo thêm hai hội nữa tham gia.
Vậy là bốn hội cùng đồng hành: Hội Aurore Ánh sáng, Hội người Pháp gốc Việt (MCFV), Hội Cựu học sinh J.J. Rousseau và Marie Curie khóa 69 và Hội Nha sĩ Pháp Việt. Hầu hết anh chị em đều ở miền Nam, sang Pháp đã lâu.
Biết tôi được sinh ra, lớn lên và từng đi dạy đại học ở Hà Nội, Chủ tịch Hội Aurore Ánh sáng, anh chị em đã tín nhiệm ủy nhiệm đứng ra lo liên hệ ở Việt Nam, còn anh Vũ Cẩn (MCFV) lo kêu gọi. Tôi nhận nhiệm vụ mà lo ngay ngáy, vì không biết ai ở miền Trung.
Tôi chợt nhớ đến anh Phạm Hiệp, làm việc tại Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An, từng cùng nhau trò chuyện trên chuyến tàu DK491 đi thăm Trường Sa trước đây. Một chuyến tàu kỳ diệu đã nối kết bà con kiều bào với những người đang công tác ở Việt Nam. Khi biết tôi đang loay hoay tìm cách liên hệ với các tỉnh miền Trung, anh Hiệp nhiệt tình gọi điện, thư giới thiệu với anh Sơn, phụ trách Ngoại vụ tỉnh Hà Tĩnh.
Anh Sơn phân công anh Hiền liên lạc trực tiếp và chọn cho chúng tôi 4 địa chỉ chính xác đang cần giúp đỡ. Anh Tăng Thanh Sơn, người gốc Quảng Trị, đang công tác bên Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp cũng nhiệt tình giới thiệu cô giáo Huệ để làm cầu nối. Mọi việc thuận buồm xuôi gió, chợt biết mọi việc ủng hộ có yếu tố nước ngoài phải qua Sở Ngoại vụ. Tôi lại cầu cứu anh Phạm Hiệp. Anh Hiệp nói: "đơn giản quá, Biên cùng đi với chúng ta trong chuyến Trường Sa", rồi nhiệt tình cho điện thoại. Tôi lấy cuốn kỷ yếu Trường Sa, tìm ra Biên. Tình Trường Sa ấm áp đã nối kết Paris – miền Trung. Biên cũng nhiệt tình giúp đỡ.
Ngày nhỏ, sinh ra trong chiến tranh sơ tán, thèm từng cuốn vở trắng, sách có hình tranh đẹp, thèm cái bút máy, bút chì xanh đỏ… Nhưng tất cả chỉ là giấc mơ. Những cuốn sách vở giấy vàng vàng đen đen , thậm chí giấy nháp là những tờ giấy in hỏng bố tôi đem về cho để dùng. Đi học gặp mưa giữa đồng nơi sơ tán, túi sách ướt nhoẹt, vở nhòe nước, chữ lem nhem hoen mực ố vàng khi phơi nắng. Giờ sống bên Pháp, nhìn trẻ em được trang bị đầy đủ máy móc hiện đại như vô tuyến, vi tính… thấy thương cảnh thầy trò, phụ huynh học sinh lo dọn bùn, lau chùi bàn ghế, sách phơi khô vấy bùn bẩn thỉu.
Tôi bàn với anh Cẩn, hậu lũ lụt, tốt nhất là chọn giúp trường học. Trường học là nơi đào tạo thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Trẻ em ở miền Trung, miền núi chịu đựng lũ lụt lại thiếu thốn nên ưu tiên.
Mọi người đều hưởng ứng. Được anh Hiền (Sở Ngoại vụ) và cô giáo Huệ trợ giúp, chúng tôi có thông tin và liên lạc được trực tiếp với 6 trường học và hỏi được nhu cầu của nhà trường. Một số trường đã nhận được sách vở, bút, cặp ủng hộ. Chúng tôi muốn giúp cho học sinh nơi đó cũng có niềm vui đến trường, yêu cái chữ, yêu thầy cô với những thiết bị hiện đại như bên Pháp.
Sau khi gửi thư thăm dò ý kiến của các trường, quyết định đầu tiên của chúng tôi là nhất trí mua máy photocopy. Chiếc máy này giúp giảng viên có thể làm phong phú bài giảng, để học sinh tiếp cận thông tin mới không phụ thuộc sách giáo khoa. Một áng văn, một truyện hay, một bài thơ mới hấp dẫn, những bài toán, lý, hóa vui, giáo viên có quyền giới thiệu. Không phải học sinh nào cũng có điều kiện đọc ngay.
Nhiệm vụ giáo viên là cung cấp thông tin cập nhật văn hóa mới, thu hút học sinh. Máy photocopy cũng sẽ giúp giáo viên và học sinh giảm thời gian ghi chép.
Sau đó, chúng tôi giúp ủng hộ máy chiếu, màn hình thông minh, những công cụ giảng dạy hiện đại. Có người ở Hà Nội đùa với tôi khi biết tin chúng tôi ủng hộ thiết bị hiện đại, nói "học sinh miền Trung sướng hơn học sinh Hà Nội rồi đấy". Mọi trẻ em sinh ra dù ở nơi đâu trên một cùng đất nước phải được hưởng ánh sáng như nhau.
Ban lãnh đạo trường nhận được sự ủng hộ thiết thực mừng lắm. Do dịch COVD-19, không ai đại diện về Việt Nam để lo mua sắm và trao thiết bị được. Tôi liền nói chuyện với Phùng Thị Thanh Thủy, đại diện Hội Aurore Ánh sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh và họa sĩ Lê Anh Quân ở Hà Nội trợ giúp. Thủy nhiệt tình đứng ra nhận tiền và điều hành cùng Quân.
Lê Anh Quân lo mua thiết bị và mang đến tận trường. Mặc dù bận công việc và sức khỏe, chị Thủy đã sẵn sàng lên đường. Đường xá xa xôi, có thêm nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Quang trợ sức đi cùng để có hai tay lái lụa. May trời ngớt bão, đoàn đi thuận tiện. Đoàn ghé thăm thêm nhà hai cháu Minh và Loan, học sinh có hoàn cảnh ở Hà Tĩnh do cô Dung Huế, Hiệu trưởng Trường Thạch Đài giới thiệu, xin ủng hộ. Cô Hiệu trưởng không chỉ lo quản lý, giảng dạy mà còn lo đời sống hoàn cảnh của các học sinh.
Tấm lòng nhân đạo của người làm thầy nơi lũ lụt thật đáng quý. Chị Thủy kể lại khi đến các điểm trường vùng lũ lụt, nhìn các cháu tíu tít bên những thùng chăn mới trông yêu lắm.
Thấy các thầy cô lăn lộn với lũ trẻ vất vả, chị Thủy còn tự bỏ tiền túi ra tặng cho các thầy cô nơi vùng lũ lụt. Khi đoàn chuẩn bị đi tiếp thì anh Bình, Hiệu trưởng trường A Vao nơi bị lũ cô lập mới gọi điện liên lạc được. Nhận được điện thoại, tôi đã tự quyết, ứng ra ủng hộ ngay cho ngôi trường bị thiệt hại nặng nhất ở Quảng Trị.
Trường thì xa, đường lại khó đi, đoàn không vào được và không nằm trong kế hoạch. Anh Bình lóc cóc với cái xe máy cũ lặn lội ra nhận thiết bị. Đoàn hiểu ngay, anh Bình không thể chở nổi 2 thiết bị lớn vỏ hộp cồng kềnh đựng màn hình thông minh 55 inch. Chở thiết bị này trong ô tô còn khó huống chi xe máy. Vậy là anh Biên đã ứng cứu, mang xe đón anh Bình và chở giúp.
Nhìn hình ảnh học trò đi trên sườn núi cheo leo, đường bùn lầy đến trường, mới thông cảm thầy cô nơi dân tộc ít người vất vả gấp trăm lần so với giáo viên ở đồng bằng. Biết là nhiều nơi đã giúp đồng bào lũ lụt, nên quà tặng chúng tôi rải ra một vài chỗ để tránh dồn cục, không công bằng.
Số lượng ủng hộ tuy không nhiều, mỗi trường chỉ được 2 thiết bị, kèm vở, chăn, sách, bút cùng với số tiền giúp đỡ học sinh khó khăn, nhưng nói lên tấm lòng của những người con xa xứ luôn hướng về Tổ quốc.
Mong trời đừng giông bão, lũ đừng về, để miền Trung sớm hồi sức khắc phục hậu quả. Cám ơn những tấm lòng vì miền Trung.
Cám ơn những người bạn trên chuyến tàu DK491. Mong sớm hết COVID-19 để chúng tôi có dịp trở về quê hương, thăm địa danh xa xôi, nhưng giờ đây trở thành gần gũi với những cái tên Hải Lăng, Cẩm Xuyên, Đình Bản, Thạch Hà, Triệu Độ, Đakrông…
Một số hình ảnh tặng quà của các hội đoàn người Việt tại Pháp cho các tỉnh miền Trung:
Nguồn: Trần Thu Dung - Chủ tịch Hội Aurore Ánh sáng-Pháp/
quehuongonline