Từ bỏ “trời Tây”, vợ chồng Việt kiều Trần Văn Thảo - Nguyễn Thị Hoan từ Cộng hòa Séc trở về xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Những bàn tay trắng hồng đang dần thô ráp, cuộc sống nhộn nhịp trở về sự bình lặng cuộc đời nông dân đúng nghĩa. Đổi lại, anh chị đang sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch.
Hồi hương sau nhiều năm sinh sống và làm ăn tại Cộng hòa Séc, vợ chồng anh Trần Văn Thảo, chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn Én Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương) mang theo tư duy sản xuất nông nghiệp sạch từ một nước tiên tiến. Đã quá nửa cuộc đời bươn chải, anh chị muốn ổn định tại quê nhà bằng… nghề nông. Đầu năm 2019, vợ chồng Việt kiều này đã đấu thầu gần 2 ha để xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ. Khi ấy, Đồng Lái là vùng trũng, không ai muốn đầu tư, nhiều diện tích bị bỏ hoang bởi người dân không còn mặn mà canh tác.
Từ nguồn vốn liếng có được khi làm ăn bên “trời Tây”, anh chị đã bỏ tiền làm đường bê tông dẫn vào khu trang trại, xây dựng hạ tầng để mô hình nhanh chóng đi vào sản xuất. Một trang trại – mô hình nông nghiệp tổng hợp đã nhanh chóng thành hình từ sự đồng tâm hợp lực của hai vợ chồng trung tuổi. Trong gần 2 ha ấy, anh chị cho xây lắp gần 8.000 m2 nhà lưới dành cho trồng rau sạch và dưa vàng kim hoàng hậu.
Các loại rau thơm, rau cải, rau ngót cứ thay nhau gối lứa, phủ màu xanh tít tắp. Riêng dưa, mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ, với sản lượng 5 đến 6 tấn quả/vụ.
Bỏ tiền tỷ xây dựng nhà lưới chỉ để trồng rau ngót, rau thơm đã là sự khác biệt. Bởi lẽ, nhà lưới có vốn đầu tư lớn, nên hầu hết các chủ đầu tư ở những nơi khác chỉ chuyên canh dưa và những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Một sự khác biệt nữa là các loại cây trồng ở đây gần như không bón phân hóa học, đa phần chỉ dùng phân chuồng sau chăn nuôi được ủ hoai mục.
Gà nuôi tại mô hình được ăn ngô nghiền, các loại rau...
Để tự túc nguồn phân bón cho cây trồng, vợ chồng Việt kiều đã xây dựng hệ thống chuồng nuôi để nuôi gà, lợn và đào ao thả cá. Toàn bộ chất thải liên tục được đẩy xuống hệ thống bể kiên cố để trộn các loại men vi sinh làm phân hủy nhanh, hạn chế tối đa tình trạng gây mùi hôi như nhiều mô hình chăn nuôi khác.
Phân chuồng sau khi được ủ hoai mục, trở thành nguồn dinh dưỡng cho cây trồng. Tất cả dường như được tính toán để tạo thành tính liên hoàn trong quá trình sản xuất.
Phía ngoài nhà lưới, những luống ngô quanh năm xanh tốt, cho thu hoạch làm thức ăn cho gia cầm. Một khu ruộng trũng để thả bèo, trồng khoai nước làm thức ăn cho lợn, đồng thời làm nơi bơi lội của bầy thủy cầm theo hướng bán hoang dã. Phụ phẩm nông nghiệp và thức ăn thừa trong chăn nuôi được tận dụng để nuôi cá.
Thân rau và cây dưa thải ra sau thu hoạch, được thu gom ủ mục để nuôi giun quế. Mô hình nuôi giun quế của gia đình thuộc hiện đại nhất trong vùng. Cả một khu nhà kiên cố rộng 150 m2 với nhiều ô nhỏ phía trong, lợp mái lá kè để che mát cho… giun ở.
Để có được mô hình này, anh chị phải lên tận tỉnh Phú Thọ để học tập, nhờ chuyển giao kỹ thuật nuôi. Nguồn giun làm thức ăn cho gà, vịt, phân giun chính là nguồn phân bón cực tốt cho các loại rau và dưa vàng trong mô hình.
Được biết, các loại rau ở mô hình nông nghiệp này đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hằng ngày nhiều thương lái đến thu gom để đưa đi các chợ đầu mối rau củ quả trong tỉnh. Chưa quá đặt nặng vấn đề lợi nhuận, xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín theo hướng hữu cơ lại chính là nét riêng, và là thành công lớn của vợ chồng Việt kiều tại xã Quảng Hợp. 6 lao động địa phương có việc làm thường xuyên, những dịp thời vụ, con số này nâng lên 10 người.
Riêng sản phẩm dưa vàng, đã được gia đình anh Thảo đăng ký nhãn hiệu. Đến nay, các sản phẩm từ trang trại này đã được bày bán ở nhiều cửa hàng rau quả an toàn ở TP Thanh Hóa. Cách làm cũng như hướng phát triển của mô hình sản xuất nông nghiệp của anh chị Thảo – Hoan nên được lan tỏa để nhân rộng.
Nguồn: vietnamnet.vn