Chị Phạm Thị Sang (37 tuổi, quê ở Đồng Nai) xa xứ từ khi vừa tròn đôi mươi. Chị gặp không ít khó khăn và trải qua một hành trình dài với những câu chuyện thú vị khi sống tại Bỉ.
Hiện nghề nghiệp của chị Sang là nhân viên dọn phòng khách sạn. Đồng thời, cô gái Việt làm dâu xa xứ còn được biết đến là một YouTuber. Kênh YouTube của chị Sang có tên "Sang Thị Nở" có hơn 120.000 người đăng ký và hơn 24 triệu lượt xem. Trên kênh YouTube, chị Sang không chỉ đăng clip về cuộc sống ở Bỉ, ẩm thực và những chuyển du lịch, mà còn làm từ thiện, giúp đỡ người vô gia cư gây sự chú ý lớn.
Sang Bỉ cưới chồng trước, yêu sau Chị Sang đặt chân sang Bỉ năm vừa tròn 20 tuổi. Cơ duyên nữ YouTuber sang nước ngoài sinh sống là nhờ cuộc hôn nhân với chàng trai Việt kiều. Chồng chị Sang sống ở Bỉ từ năm 6 tuổi. Anh làm cảnh sát và thông dịch viên tiếng Việt - Bỉ.
Hồi 17 tuổi, chị Sang là cô thôn nữ ở vùng nông thôn. Một lần anh chàng Việt kiều về thăm quê hương. Trùng hợp, người thân của của anh chàng là hàng xóm của nhà chị Sang. Cả hai nên duyên qua lời gợi ý: "Ở xóm có con bé này được lắm, xuống đây tán đi".
Sau đó, chàng trai Việt kiều đi cua gái, giở chiêu "đẹp trai không bằng chai mặt", ăn dầm ở dề tại nhà gái suốt 1 tháng. "Mình vừa ăn sáng xong là thấy xe ôm chở anh ấy tới, ngồi từ 7h sáng đến 11h đêm, không làm gì hết cứ ngồi cạy móng tay. Bữa trưa và bữa tối anh ở lại ăn cơm cùng gia đình luôn. Ăn cơm quê chỉ có cá kho canh cua mà anh ấy cũng thoải mái, không từ chối".
Chị Sang và chồng Việt kiều
Ấn tượng ban đầu của chị Sang với chồng không được tích cực. Thấy thanh niên này cứ ngồi lì ở nhà mình, chị Sang còn ghét vì đi đâu làm gì cũng bất tiện, bị làm phiền. Đã thế anh còn lầm lầm lì lì, chẳng nói chẳng rằng.
Được một thời gian, anh chàng bỗng xin phép đặt trầu. Thấy chàng trai trẻ hiền lành, tử tế nên phụ huynh đồng ý ngay. Trong thời gian đó, chị Sang cũng thấy được mặt tích cực của chồng nên gật đầu đồng ý.
Quá trình yêu đương, cả hai hẹn hò được 1 lần. Sau đó, yêu xa 3 năm rồi tiến tới đăng ký kết hôn. Chị Sang chia sẻ, chồng khá khô khan, ít ga lăng nên không có một lời cầu hôn, tỏ tình nào cả.
"Lần đầu chơi ở Suối Tiên, mình đi đâu anh theo đó. Rất ít nói, cả buổi không nói gì nhiều. Đến trưa ăn muốn ăn gì thì chọn món vậy thôi. Trong ngày ăn hỏi, anh mua nhẫn cũng không dám đưa, tặng trực tiếp mà để ở gốc cột ở trước nhà, gọi em trai mình ra cầm vào đưa cho bạn gái. Suốt 3 năm cả hai cũng không gặp. Mỗi năm anh ấy gọi điện thoại về 2 lần. Đến khi đăng ký kết hôn anh về 1 tháng, 3 tháng sau mình bay sang Bỉ với chồng".
Cảm giác lần đầu tiên sang đất nước xa lạ với "Sang Thị Nở" vô cùng hụt hẫng và buồn. "Máy bay hạ xuống Đức để đổi chuyến bay sang Bỉ. Lúc đó mình đã thấy vô cùng lạ lẫm, cộng với không biết tiếng. Đến sân bay nhờ mãi mới gọi điện cho chồng được ra đón thì anh bảo đang ngủ. Cảm giác lúc đó mình muốn quay về với mẹ luôn".
Thời gian đầu, Sang rất nhớ nhà, nhớ mẹ và các em. Suốt 3 tháng, ngày nào chị cũng khóc. Hồi đó phương tiện liên lạc vẫn còn hạn chế nên chị Sang phải rất khó khăn mới có một cuộc trò chuyện với người thân bên Việt Nam. Gọi điện thoại di động rất đắt tiền, chỉ kịp nói vài câu: Con nhớ má với mấy đứa em.
Ở Bỉ có thời thời gian sống chung, tiếp xúc với nhau. Chị Sang dần dần có tình cảm chồng. Sau 5 năm, vợ chồng chị Sang đón con trai đầu lòng vô cùng kháu khỉnh. Sang Bỉ lấy chồng Việt kiều, cô gái trẻ cũng bươn chải đủ nghề, từ phát báo, tờ rơi, rửa bát trong nhà hàng người Việt đến nhân viên dọn phòng. Mất 3 năm cô gái trẻ mới quen với cuộc sống nơi xứ người.
Giúp người vô gia cư ở Bỉ, mơ được đón Tết bên gia đình Chị Sang bén duyên với công việc sáng tạo nội dung cũng rất tình cờ. Ban đầu, chỉ định quay clip về cuộc sống hàng ngày và những chuyến du lịch của gia đình để lưu lại kỷ niệm. Sau đó, những video ở đất nước Bỉ đã khiến nhiều người tò mò và hút lượng xem lớn.
Nói về tên kênh độc đáo của mình, chị Sang tâm sự: "Từ bé má và ngoại hay gọi mình với biệt danh là Thị Nở vì lù đù, chậm chạp. Với lời gợi ý của một người bạn mình đặt luôn cái tên này cho kênh YouTube.".
Đợt dịch Covid-19, chị Sang bắt đầu hoạt động giúp đỡ người vô gia cư. Lần đó, trên đường đi làm mình thấy họ bị đói, có người chết vì lạnh nên chị quyết định quay YouTube về những người vô gia cư để nhiều người biết đến và giúp đỡ họ. Chị cũng dùng một phần nguồn thu từ kênh YouTube và thay mặt nhà hảo tâm tặng quà cho họ.
Mới đầu, thực hiện công việc này, chị Sang không được chồng ủng hộ. Thấy vợ lang thang khắp nơi tặng quà cho người vô gia cư, chồng chị Sang "càm ràm" rất nhiều. Lý do vì mỗi lần như vậy, chị vào tận rừng sâu, gầm cầu... là những khu vực nguy hiểm, an ninh kém.
Về chồng chị Sang, công việc của anh rất bận rộn, ngày làm ít nhất 12 tiếng đồng hồ. Thế nhưng để chiều lòng vợ, những lúc chị có lịch trình đi trao quà ở những nơi xa, anh lại đi theo nhưng chỉ đứng từ xa quan sát, bảo vệ vợ.
Chị Sang sống ở Bỉ được 15 năm, thèm được đón Tết quê hương
Đến nay chị Sang sinh sống ở Bỉ được 15 năm. Trong khoảng thời gian này, chị mới về Việt Nam thăm gia đình được 3 lần. Cũng ngần ấy năm, Sang Thị Nở chưa được đón Tết cổ truyền.
"15 năm chưa có năm nào mình được ăn Tết ở Việt Nam. Rất hy vọng có dịp được về quê hương ăn Tết một lần nhưng kẹt nỗi thời gian đón năm mới ở Việt Nam thì bên này con mình đi học nên không về được. Mình rất thèm cảm giác ăn Tết cùng gia đình, thèm không khí chuẩn bị Tết", nữ YouTuber bật khóc nói.
Nguồn: soha