Tôi vẫn thường ám ảnh với cuộc chiến sinh tử tìm đường sống khi con tàu lừng danh Titanic sắp đắm chìm. Trong giờ phút của sự sống và cái chết đó, bản chất mỗi con người được bộc lộ ra, nhưng cái thiện vẫn lung linh hơn cả.

Cuộc chiến với con virus corona đã cho tôi cảm giác như thế.

Sáng sớm chủ nhật một ngày cuối tháng 3, ngày giao mùa đông - xuân ở Pháp. Tôi thức dậy trong cảm giác lạnh và tê cứng người dù áo, chăn, gối ướt đẫm mồ hôi. Căn phòng bé cứ như vừa chịu một trận mưa rào ập xuống.

Nhưng cơ thể thì cảm tưởng như đang hứng chịu một trận bão sinh học dữ tợn. Thân nhiệt lên 39,7 độ C, cơ thể như bị xe lu vừa cán qua, cổ họng rát như uống nhầm nửa chai giấm trắng. 

Tôi có cảm giác như đang "nghe được" từng tế bào chuyển động, từng hồng cầu - bạch cầu chạy rần rần trong mạch máu...

Rượt đuổi với cơ thể đau nhức

Cơn sốt như chơi trò rượt đuổi với cơ thể bắt đầu đau nhức tăng dần như thể vừa chạy cả chục cây số sau nhiều tháng lười biếng. 

Tôi không quá lo lắng nhưng cụm từ "COVID-19" đã hiện diện trong đầu. Phải chuẩn bị thôi. Bình tĩnh, chuẩn bị một cách khoa học. Thuốc giảm sốt đã có đủ cho hai tuần, thực phẩm được đặt qua mạng, giao tận nhà.

42 1 Tuong Trinh Tu Paris Vuot Qua Tu Than Corona

Chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 ở phòng điều trị tích cực tại Bệnh viện Anh - Pháp ở thủ đô Paris ngày 15-4 - Ảnh: REUTERS

Rồi bốc điện thoại gọi cho mấy đứa em: "Bắt đầu từ ngày mai, các em thay anh tiếp tế cho ba mẹ và cho cháu (con gái tôi cũng đang tự cách ly khi có dấu hiệu bệnh) giùm anh. Mẹ cháu sẽ đi chợ, nấu, các em chỉ cần mang tới nhà cháu. 

Anh không khỏe. Chắc chỉ do mệt hay cảm cúm, chuyện bình thường ở thời điểm giao mùa này. Tuy nhiên, để cho an toàn, anh sẽ tự cách ly hoàn toàn. Ngay bây giờ!".

Từ khung cửa sổ nơi tôi ở, Paris lặng lẽ trong cái yên tĩnh khác thường và nắng ấm. Gọi tiếp vào đường dây "nóng - cấp cứu" được hướng dẫn trước đó. 

Từ loa điện thoại vài nốt nhạc nhẹ xen kẽ thông báo tự động đề nghị chờ và xin lỗi trước nếu phải chờ đợi lâu, kèm theo chỉ dẫn cách rửa tay, cách tự bảo vệ chống nhiễm dịch và chỉ thị của chính phủ về các quy định giãn cách xã hội thời đại dịch. Sau hơn 30 phút chờ, anh bác sĩ trực đề nghị "khám"... qua mạng.

"Anh có ứng dụng nghe nhìn không? Bật lên đi! Chúng tôi quá tải vì có quá nhiều bệnh nhân nên chưa thể tới nhà anh được. Tốt nhất là anh tìm một bác sĩ gia đình gần nơi ở để được theo dõi chặt chẽ hơn. 

Bây giờ tôi sẽ chẩn đoán bệnh lý và các biểu hiện lâm sàng từ xa. Và anh phải ở nhà, không đi đâu, không tới phòng mạch gia đình, không tự tới bệnh viện để tránh lây cho người khác. Khi cần thiết, chúng tôi sẽ tới anh".

Anh bác sĩ nghe khai báo xong thì nghĩ rằng tôi đã bị nhiễm cái bệnh đang làm điêu đứng cả hơn nửa nhân loại. Anh chỉ có thể "phỏng đoán" chứ không hẳn là "chẩn đoán" vì xét nghiệm vào thời điểm đó chỉ dành cho bệnh nhân đã bị biến chứng nặng. 

Nước Pháp bị thiếu các bộ xét nghiệm virus corona. Vì vậy sự thiện chí, sự tận tâm của đội ngũ y tế không thể làm hạ nhiệt được sự phẫn nộ lẫn thất vọng của người dân trước những yếu kém của hệ thống phòng chống dịch bệnh của một cường quốc hàng đầu thế giới như Pháp.

Những yếu kém thực tế xuất phát không phải từ hệ thống y tế hay kỹ năng khoa học, mà từ chính sách quốc gia, cùng sự yếu kém của lãnh đạo chính trị trong nhiều năm.

42 2 Tuong Trinh Tu Paris Vuot Qua Tu Than Corona

 

"Anh còn may mắn, có hai bệnh nhân vừa qua đời"

"Anh cứ uống thuốc hạ sốt mỗi sáu tiếng đồng hồ, thêm vitamin tổng hợp, nước trái cây tự làm nếu có thể, cố gắng ăn đủ dinh dưỡng, và uống thật nhiều nước. 

Hiện tại, chúng ta không có thuốc chống lại con virus này. Nếu có thì chắc cũng phải sau 3-4 tháng nữa. Vì vậy, cơ thể, sức đề kháng và hệ miễn dịch của anh là vũ khí duy nhất để chiến thắng. Tất cả những gì khác chỉ để hỗ trợ, chứ không là yếu tố quyết định!".

Cô bác sĩ gia đình dặn dò sau khi thăm khám cho tôi trong một giờ. Khi được báo tôi có dấu hiệu nhiễm corona, cô đã đến trong bộ đồ bảo hộ kỹ lưỡng như phi hành gia. Tôi thực sự biết ơn cô đã kịp đến vào lúc ngay đường dây nóng cũng muốn nghẽn mạch.

Và sau hơn sáu giờ chờ đợi, tôi được lên xe cấp cứu của đội cứu hỏa thành phố Paris, họ đem tôi vào bệnh viện quân y nằm ở quận Saint-Mandé, cách nhà chừng 25km.

Đội cấp cứu ụp cho tôi mặt nạ thở oxy giúp hai lá phổi có thể nghỉ ngơi đôi chút. Qua gương của thang máy, tôi thấy mình giống thợ lặn, trang bị mặt nạ, ống thở và bình hơi. Một người trong đội cấp cứu tranh thủ giải thích khi chúng tôi vào thang máy lên phòng bệnh.

"Chúng tôi biết đã để cho anh chờ lâu trước khi tới đón anh. Chỉ vì bệnh viện không còn giường cấp cứu. Chưa kể các diện ưu tiên bệnh lý, tuổi tác trong khi anh không nằm trong đó. 

Chúng tôi như bị tra tấn lương tâm mỗi khi phải trả lời cho bệnh nhân nửa sống nửa chết và gia đình của họ qua điện thoại: "Xin hãy cố gắng chịu đựng, ông/bà không được nhận...". Anh còn may mắn đó. Có hai bệnh nhân vừa qua đời nên mới nhận anh. Cứ vào đi. Rồi bác sĩ sẽ quyết định".

Xét nghiệm tại đây cho biết tôi đã dương tính và đã chuyển biến nặng nên được nhập viện chữa tích cực.

42 3 Tuong Trinh Tu Paris Vuot Qua Tu Than Corona

Cảnh sát xét hỏi "giấy phép ra đường" của người dân ở trung tâm thủ đô Paris - Ảnh: Reuters

Bơi giữa biển cá mập

Đã hơn 4h sáng. Tôi nằm trên băng ca quân đội ở hành lang đã được ba tiếng đồng hồ, chờ tới phiên mình vào chụp soi hai lá phổi. 

Xung quanh chỉ là những tiếng xì xào, phì phò đặc trưng của máy hỗ trợ hô hấp xách tay. Loại máy mà thi thoảng tôi thấy bác sĩ cấp cứu sử dụng trên đường phố hay trên xa lộ khi có tai nạn giao thông. 

Hành lang dài, lại ở tầng hầm nên vòm trần dội lại các tiếng thở, tiếng rên rỉ trong đè nén, tiếng phì phào bình oxy áp suất cao, vài tiếng bíp bíp của cái máy nào đó thành bản hòa nhạc đương đại.

Sau chín tiếng đồng hồ chờ đợi được cấp cứu, trong phòng bệnh, bình thường dành cho hai người, tôi chia sẻ không gian với ba bệnh nhân nam đồng cảnh ngộ. Bốn người, hai máy hỗ trợ hô hấp mà chúng tôi thay phiên nhau sử dụng ngày và đêm.

Ai thở và ai không thở?

"Chúng tôi sẽ đo tỉ lệ oxy trong máu. Ai có tỉ lệ thấp nhất, người đó sẽ được ưu tiên. Anh thông cảm, bệnh viện không còn đủ máy cho tất cả mọi người. 

Ngoài ra còn một số yếu tố khác sẽ được tính, như tình trạng sức khỏe chung, tiền bệnh lý, bệnh mãn tính, tuổi tác... Thanh lọc? Đúng. 

Nhưng dựa trên nền tảng khoa học và ý kiến tập thể của các bác sĩ chuyên môn" - bác sĩ phụ trách điều trị giải thích rõ ràng.

Thật đau lòng. Ngay giờ phút này, tại một trong những bệnh viện tiên tiến nhất nước Pháp, chúng tôi, bốn "thương binh" COVID-19, người còn tỉnh táo, người đã mơ màng vì phổi suy nhược, vì những cơn sốt không ngừng, biết rõ rằng sự sống còn của mình sẽ được quyết định bởi vài logic lạnh lẽo, bởi những dấu "x", những dấu gạch đầu dòng trên tờ biên bản chẩn đoán và các thuật toán khác.

Năm ngày đêm trong phòng điều trị tích cực trôi đi trong nhịp điệu giản đơn. Máy thở, thuốc hạ sốt, kháng sinh, nước biển dinh dưỡng, chụp hình phổi, xét nghiệm máu và cứ xoay vòng như con chuột lang chạy không ngừng trên vòng bánh xe. 

Giữa những tiếng bíp bíp của thiết bị y tế, trong tiếng phì phò của máy thở, xen kẽ những lao xao không ngừng của bác sĩ, y tá, hộ lý, chuông điện thoại, đối thoại, cười và khóc, tôi co mình tập trung tất cả cho trận chiến của chính mình.

Tôi có thể cảm thấy từng tế bào đang chuyển mình, từng bạch cầu đang dàn binh, từng hồng cầu đang chuyên chở lương khô nuôi cơ thể. Tôi nghĩ tới những gì cần phải làm, những gì chưa làm được, những nụ hôn, những vòng tay cho người thân yêu, tôi muốn siết chặt. 

Và tôi cảm nhận được, sâu trong cơ thể mình, sức mạnh của tinh thần là liều thuốc vô cùng hiệu quả khi con virus corona chưa có thuốc trị...

Trong căn phòng chứa đầy ắp giường và thiết bị y tế, tôi không cảm thấy sự hoảng sợ trước khả năng đi tới cái chết. Ở chính tôi và các bạn nằm quanh đây. 

Từ những gương mặt mỏi mệt, tôi cảm được sự bình thản, sự thanh thản xen kẽ một nỗi buồn mà chúng tôi đều có, tuy không ai nói ra. Đó là ra đi lặng lẽ, không có vòng tay từ biệt của những người thân yêu. Vậy thôi.

Vì ai cũng ụp lên mặt bộ ống thở như thợ lặn nên trong những ngày ấy, không ít lần tôi cảm giác như mình đang phải bơi lội, chống chọi giữa vùng biển đầy cá mập. 

Anh bạn bên trái, cựu đặc nhiệm thủy quân lục chiến, người nhái đặc công, đã ra đi vĩnh viễn lúc cuối đêm, đầu buổi sáng. 

Anh khác ở tuốt góc bên kia, suy sụp như viên đá rơi xuống vực, đã qua phòng hồi sức nhân tạo. Anh bên phải, 76 tuổi, giáo viên cấp I về hưu, đã khỏe và đang "dụ dỗ" cô điều dưỡng xin số điện thoại riêng và đi mua giùm... gói thuốc lá.

Hôm nay trời đẹp và ấm. Mùa đông vừa qua, mùa xuân đã tới. "Anh hứa đi, hứa là anh sẽ ở lại! Trung Dung nhé!". Có những lúc mơ màng, tôi vẫn nhớ về lời nhắn của người thân, bè bạn. Tôi tự nhủ mình phải làm được. Như con gái tôi đã một mình, trong căn phòng nhỏ, đương đầu với bệnh sau 10 ngày và khỏe hẳn.

Và tôi đã giữ được lời hứa!

Về nhà

Cảm giác sống sót sau trận đắm tàu dữ dội như Titanic, tôi đã cảm nhận được khi chiếc xe cứu thương của bệnh viện đưa tôi về nhà vào giữa khuya 8-4. 

Nói cho đúng ra là xe đậu cách chung cư tôi ngụ chừng 30m, ở phía nam Paris. Cách đây 5 ngày, cũng trong một đêm như đêm nay, tôi rời căn hộ nhỏ của mình sau sáu ngày ho, sốt triền miên ở 39,5-40 độ C, tự cách ly.

"Anh tự đi được chứ? Tôi nghĩ anh nên lên nhà một mình. Kín đáo và như thế, anh sẽ tránh bị hàng xóm kỳ thị. Họ tốt nhưng khi hoảng sợ thì không biết được. Đáng buồn. Đó là kinh nghiệm của tụi tôi sau khi đưa nhiều bệnh nhân về lại nhà... 

À. Đừng quên túi thuốc, khẩu trang và anh nhớ uống thuốc đúng giờ. Thay quần áo ngay sau khi vào nhà và giặt chúng ở nhiệt độ cao nhất có thể. Nếu anh thấy không ổn thì gọi cho bệnh viện. Chúng tôi phải đi đây. 

Còn phải sát trùng xe và đi đón khẩn cấp nhiều bệnh nhân khác. Đêm còn rất dài. Chúc anh mau bình phục" - cô y tá ân cần dặn dò. Tôi chỉ kịp vẫy tay đáp lại tay chào của cô y tá qua ô cửa kính, khi xe lại lao vút đi cho nhiệm vụ mới.

Tôi không biết mặt cô vì khẩu trang và trang phục bảo hộ phủ từ đầu tới chân. Tôi chỉ thấy cặp mắt đẹp, ẩn chứa nụ cười, nhân ái, mệt mỏi. Và tôi nhớ ra đã quên hỏi tên cô ấy.

Cô có vẻ hơi lo lắng về chuyện kỳ thị nhưng những hàng xóm gần căn hộ tôi không hề có chuyện đó. Sau ngày đầu khi bác sĩ gia đình đến khám tại nhà cho tôi, họ còn ghé sang gõ cửa hỏi thăm có cần họ giúp đỡ gì như đi mua sắm giúp thực phẩm. Khi đó người Pháp vẫn chưa sợ con virus corona hay đó là sự tử tế mọi lúc mọi nơi của họ, tôi vẫn chưa biết.

Còn bây giờ tôi đã hiểu mình đã trải qua một chặng đường dài, qua nỗi sợ của tử thần corona.

140.772

Đó là tổng số ca bệnh COVID-19 ở Pháp tính đến ngày 17-4, trong đó hơn 75.850 trường hợp phải vào bệnh viện và 32.812 trong số này đã xuất viện.

Bác sĩ gia đình - hàng quân tiên phong

Trong cơn vỡ trận của chính sách và của các bệnh viện, bác sĩ gia đình trở thành hàng quân tiên phong. Họ là những người đầu tiên tiếp xúc, chẩn đoán và làm cầu nối với khoa cấp cứu của bệnh viện.

Và tôi hoàn toàn hình dung được sự nguy hiểm cho bản thân và gia đình họ. Đặc biệt trong tình trạng thiếu hụt các thiết bị bảo vệ y tế tối thiểu như khẩu trang.

Ngày 13-4, Tổng thống Emmanuel Macron lên đài truyền hình gia hạn cấm túc cách ly thêm một tháng, tới ngày 11-5, nếu... ổn.

Và hứa - nghĩa bóng - sẽ khắc phục những sai lầm chiến lược. Chính phủ Pháp tự thú, nôm na: "Chúng tôi biết rồi, mọi chuyện sẽ thay đổi trong tương lai. Tôi hi vọng điều này!".

Trong khi chính phủ "sám hối" trên các phương tiện truyền thông, ở giờ phút tôi viết những dòng chữ này, gần 18.000 người Pháp đã chết vì corona.

Cuộc chiến thất bại

42 4 Tuong Trinh Tu Paris Vuot Qua Tu Than Corona

Xét nghiệm virus corona cho người cao tuổi ở nhà dưỡng lão La Weiss (Pháp) ngày 16-4 - Ảnh: Reuters

Các bác sĩ gia đình dấn thân vào hiểm nguy để làm gì? Thù lao? Chắc chắn là không. Cô bác sĩ của tôi được bảo hiểm y tế công trả 25 euro cho một lần khám, cộng thêm 10 euro phí di chuyển (xe, xăng, bảo hiểm) tới nhà người bệnh.

Thời gian đi lại và khám bệnh sẽ mất một tiếng rưỡi cho tới hai tiếng đồng hồ, chưa tính thời gian khử trùng trước khi gặp bệnh nhân tiếp theo.

Lương tâm thầy thuốc không cho phép

Trong những ngày đầu khởi phát dịch, cô phải tự lo cho mình và công việc bởi lúc đó vẫn còn sự lúng túng từ chính quyền. Cô chỉ có hơn 30 khẩu trang y tế bình thường, phải chạy khắp nơi như mọi người tìm mua khẩu trang nhưng vô ích.

Với "kho" khẩu trang ban đầu, cô chỉ dùng được hơn hai ngày khi mà các yêu cầu thăm khám cũng tăng cao hơn. Cô đành chọn giải pháp che mũi và miệng bằng chiếc khăn vải dù phải tiếp xúc cận kề người bệnh để khám.

"Gần đây khi chính phủ quyết định giữ khẩu trang, găng tay cho ngành y tế, tôi mới được phát 20 khẩu trang phẫu thuật mỗi ngày và 30 khẩu trang siêu an toàn FFP2 cho cả mùa dịch, cho tới khi nước Pháp mua được các thiết bị đó đủ cho nhu cầu - cô bác sĩ kể -

Nhưng anh biết đấy, khẩu trang FFP2 - khẩu trang an toàn nhất - cần được thay mỗi bốn giờ sử dụng, thì con số 30 cho cả mùa đúng là một trò cười ra nước mắt!".

Cô thừa nhận mỗi lần về nhà sau ngày làm việc, luôn sống trong sợ hãi. Sợ lây bệnh cho chồng và ba đứa con. "Rất nhiều lần tôi tự hỏi có nên bỏ hết, nghỉ ở nhà hay không. Không ai có thể bắt buộc tôi nhận khám bệnh cả.

Nhưng cuối cùng tôi quyết định không đầu hàng. Tôi không thể bỏ mặc đồng loại trong đại dịch khủng khiếp này được. Lương tâm con người tôi không cho phép, lương tâm của người thầy thuốc càng không cho phép. Kệ thôi. Tới đâu thì tới!".

Để quá lệ thuộc Trung Quốc

Ngày 15-3, Tổng thống Emmanuel Macron lên truyền hình quốc gia thông báo quyết định phong tỏa. Toàn dân có hai ngày để chuẩn bị. Ông tuyên bố, như vua Napoleon xưa kia, tình trạng "chiến tranh" với virus corona.

Vào viện, thấy hàng chục băng ca quân đội xếp dài trong hành lang, nó cho tôi cảm giác người Pháp đã thất trận.

Thật khó tin là ở thế kỷ 21 này mà bác sĩ phải đảm nhận trách nhiệm thời chiến xưa kia: cứu ai và bỏ ai khi nhân lực, khi các phòng cấp cứu, phòng hồi sức không còn đủ cho hàng ngàn "thương binh". Họ được làm theo bộ luật "khẩn cấp chống dịch", vừa được quốc hội cho phép áp dụng.

Châu Âu và Bắc Mỹ, mạnh mẽ, giàu có, có nền khoa học và công nghệ hàng đầu, đã thất thủ vì các chính phủ đã phạm sai lầm chiến lược khi đặt sự an toàn của cộng đồng ngang bằng với... linh kiện xe, máy vi tính.

Có vẻ châu Âu và Bắc Mỹ đã giao tính mạng của công dân mình cho các công ty ở Trung Quốc. Ðùng một cái thiếu hụt trầm trọng máy thở, khẩu trang - những thứ lâu nay chỉ nhập từ Trung Quốc!

Ngay như việc tôi được ra viện sau 5 ngày điều trị cũng chỉ vì tôi đã "tự thở được" nhưng bệnh viện cần giường cho người khác. Tôi phải tiếp tục cách ly ở nhà, theo yêu cầu của bác sĩ, tự chăm sóc sức khỏe trong 21 ngày.

 

VÕ TRUNG DUNG (từ Paris, Pháp)

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC