Tư lệnh tối cao của NATO cho biết ông đang nhận chỉ thị phải nhanh chóng triển khai thêm hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến với quân xâm lược Nga tiếp tục leo thang.

1 Tu Lenh Toi Cao Nato Bao Tin Vui Cho Ukraine Dan Patriot Toi Tan Dang Tren Duong Ra Tran Chong Lai Bao Lua Tu Nga

Binh lính Mỹ đứng cạnh một khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot trong cuộc tập trận của các đơn vị phòng không mặt đất đa quốc gia NATO, Vilnius, Lithuania. Ảnh Mindaugas Kulbis/Defensenews

“Tôi sẽ không đi vào chi tiết cụ thể — tôi sẽ không nói cho Nga hay bất kỳ ai khác biết chính xác số lượng vũ khí đang được chuyển giao hay khi nào điều đó sẽ xảy ra”, Tướng không quân Mỹ Alexus Grynkewich, Tư lệnh Tối cao Đồng minh châu Âu, phát biểu tại hội nghị LandEuro do Hiệp hội Lục quân Mỹ tổ chức tại Wiesbaden, Đức, ngày 17/7.

“Chúng tôi cũng đang xem xét những năng lực khác mà Ukraine cần, đồng thời xây dựng các đề xuất gửi tới giới lãnh đạo chính trị”, tướng Grynkewich nói thêm.

Tổng thống Trump trước đó trong tuần đã công khai tuyên bố ý định gửi thêm hệ thống Patriot cho Ukraine.

Tướng Grynkewich cho biết ông sẽ sớm triệu tập các nước châu Âu để phối hợp cung cấp Patriot và các năng lực khác, nhằm “xác định đâu là điều khả thi”.

Ông nhấn mạnh rằng các năng lực sẵn có tại châu Âu có thể được điều chuyển nhanh hơn so với việc chờ sản xuất mới. Trong khi đó, dây chuyền sản xuất sẽ dùng để “lấp đầy chỗ trống” sau khi chuyển giao.

Mỹ bắt đầu cung cấp Patriot cho Ukraine từ tháng 4 năm 2023. Ngay sau đó, các hệ thống này được triển khai để đối phó với nhiều mối đe dọa phức tạp, bao gồm cả tên lửa siêu vượt âm.

Hiện đã có 19 quốc gia mua vũ khí do Raytheon sản xuất, với hơn 250 đơn vị chiến đấu Patriot được triển khai trên toàn cầu. Trong đó, Mỹ sở hữu khoảng 85-90 đơn vị, phần còn lại được phân phối cho 18 nước khác, theo lời ông Tom Laliberty, Chủ tịch bộ phận phòng thủ trên bộ và trên không của Raytheon.

Lục quân Mỹ đang chuẩn bị chế tạo thêm một khẩu đội Patriot mới để thay thế khẩu đội đã gửi tới Ukraine, đồng thời dự kiến bổ sung thêm một tiểu đoàn nữa.

Nhiều quốc gia khác cũng đang tăng đơn đặt hàng Patriot nhằm bổ sung số lượng đã viện trợ cho Ukraine và củng cố năng lực phòng thủ của chính họ — trong đó có Đức.

Raytheon hiện có khả năng sản xuất 12 đơn vị chiến đấu mỗi năm, mức được đánh giá là đủ để đáp ứng các hợp đồng hiện tại và tương lai.

Trong khi đó, tập đoàn Lockheed Martin đang chạy đua để tăng sản lượng tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE (Patriot Advanced Capability-3 Missile Segment Enhancement). Công ty hiện sản xuất khoảng 550 quả mỗi năm và dự kiến nâng lên 650 quả vào năm 2027. Tuy nhiên, Lockheed đang phối hợp với chính phủ Mỹ để đẩy nhanh tiến độ, thậm chí đặt mục tiêu đạt tới 750 quả/năm vào năm 2027.

Phó Chủ tịch Jason Reynolds của Lockheed cho biết: “Chúng tôi đang làm tất cả để tối ưu hóa hiệu quả và tiết kiệm chi phí, nhằm mở rộng sản lượng tối đa có thể".

Mặc dù chưa rõ số lượng cuối cùng sẽ ra sao, nhưng theo tướng Grynkewich: “Tôi biết nhiệm vụ của tôi là đảm bảo Ukraine có đủ năng lực tự vệ. Sẽ còn nhiều đợt hỗ trợ nữa. Chúng tôi đang triển khai rất nhanh. Giai đoạn chuẩn bị cho đợt viện trợ Patriot đầu tiên đã bắt đầu".

Thành Lộc - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC

Theo Defensenews




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC