Năm 2019, nhà máy sản xuất lốp xe hơi Linglong bên ngoài Belgrade, thủ đô Serbia, bắt đầu được xây dựng. Đây được xem là "viên ngọc quý" trong quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển của Serbia với Trung Quốc.
Hai năm sau, 500 công nhân xây dựng Việt Nam hồi tháng trước được cho là đã làm việc trong điều kiện lao động cưỡng ép. Hộ chiếu của họ bị tịch thu và họ phải sống trong điều kiện chật chội, xuống cấp.
Vụ việc đã gây chấn động cho Serbia khi Nghị viện châu Âu yêu cầu nước này giải thích tại sao một vụ vận chuyển người trái phép lớn như vậy lại có thể được phép hoành hành ở trung tâm châu Âu.
Tuy nhiên, nhà máy Linglong chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình dài hơn đến Anh và các nước khác ở châu Âu của nhiều công nhân làm việc tại nhà máy.
Cuộc điều tra của Observer phát hiện Serbia và Romania đang được các băng nhóm sử dụng như cửa ngõ mới vận chuyển người lao động trái phép vào châu Âu. Những người di cư này trước tiên nhập cảnh hợp pháp vào Serbia và Romania thông qua thị thực lao động, trước khi được các nhóm vận chuyển trái phép đưa vào Đông Âu hoặc Anh.
Lao động Việt Nam luôn có khả năng cao rơi vào tình trạng nợ nần và lao động cưỡng bức trong các tiệm làm móng hoặc trang trại cần sa, khi họ thường bị tính phí tới 30.000 bảng (hơn 40.000 USD) để được sang Anh.
Hứa hẹn và thực tế
Nusrat Uddin, chuyên gia xuất nhập cảnh của Wilson Solicitors LLP, nói nhiều khách hàng gần đây của cô đang xin visa lao động đến Serbia hoặc Romania.
“Hầu như tất cả khách hàng của chúng tôi đều được hứa hẹn có công việc tử tế với mức lương công bằng, nhưng thực tế thì khác xa. Nhiều người sau đó sẽ tìm cách đến các nước châu Âu khác, một lần nữa được hứa hẹn là có điều kiện tốt hơn”, cô nói.
Công nhân Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất lốp ôtô Linglong của Trung Quốc ở Serbia. Ảnh: AP.
Theo người lao động Việt Nam được phỏng vấn, tuyến đường di cư từ Việt Nam sang Serbia bắt đầu hoạt động từ mùa hè với hơn 500 lao động làm visa từ tháng 8 đến tháng 10. Mỗi người bị thu phí 1.700 bảng Anh (khoảng 2.275 USD).
Tuấn đi từ Việt Nam đến Serbia bằng visa lao động sau khi thấy một quảng cáo trên Facebook hứa hẹn công việc có mức lương cao trong một nhà máy sản xuất lốp xe do Đức làm chủ. Thế nhưng cuối cùng, anh phải làm việc ở Linglong.
“Khi tôi đến, tôi thấy nhà máy về cơ bản đang mua công nhân Việt Nam. Chúng tôi phải làm bất cứ điều gì họ bảo”, anh nói.
Họ tịch thu hộ chiếu của anh và chỉ trả mức lương bằng một nửa so với những gì đã hứa. Anh cho biết mình phải ngủ chung một phòng với 50 người khác.
“Nhiều người trong chúng tôi mắc Covid-19. Chúng tôi thậm chí không nhận được bất kỳ loại thuốc nào. Nước nôi ở đây rất bẩn, có màu vàng, không thể uống được và có vị chua. Thức ăn cũng rất tệ và không đủ, thỉnh thoảng chúng tôi phải vào rừng tìm thức ăn. Chúng tôi săn bất cứ thứ gì có thể bắt được, chẳng hạn như thỏ”, anh nói thêm.
Tuấn nói rằng khoảng 30 công nhân làm việc cùng anh tại nhà máy Linglong đã rời Serbia đến Anh, Pháp và Đức, và nhiều người khác đang lên kế hoạch.
Anh nói kể từ sau thảm kịch 39 người chết trong container trên đường đến Anh, các tuyến đường đưa người qua Serbia và các nước Đông Âu khác ngày càng trở nên phổ biến.
“Đối với những người muốn đến Anh, việc đến Serbia trước có chi phí rẻ, chỉ tốn 50 triệu đồng cho thị thực, trong khi những người chết trong xe tải phải đi nhiều tháng trên một con đường nguy hiểm. Vì vậy, lựa chọn này dễ dàng hơn”, anh nói.
Tuyến đường "hấp dẫn"
Điều tra của Observer cho thấy những người lao động tiếp tục đến EU và Anh từ Balkan có thể đi theo một số tuyến đường, với các mạng lưới bất hợp pháp đưa người Việt Nam sang Romania và sau đó đến Slovakia, Đức và Pháp. Sau đó, họ phải chờ đợi trong một khu trại tạm để có cơ hội đi thuyền hơi đến Anh.
Mimi Vũ, chuyên gia chống buôn người và đang sống tại Việt Nam, đã dành nhiều tháng để nghiên cứu mối liên hệ giữa các chương trình thị thực song phương ở Đông Âu và việc bóc lột lao động nhập cư Việt Nam.
Người lao động Việt nhập cảnh vào Serbia hoặc Romania sau đó được vận chuyển trái phép đến các nước châu Âu khác. Ảnh: Guardian.
“Điểm hấp dẫn chính đối với tuyến đường Serbia là bạn có thể di cư hợp pháp thông qua các thỏa thuận thị thực đối ứng, và quy trình này chỉ tốn vài nghìn bảng Anh. Đây được xem là món hời lớn so với các tuyến đường truyền thống đi qua Moscow, hoặc một trong những quốc gia trung tâm của EU như Ba Lan hay Cộng hòa Czech, có thể có giá lên tới 30.000 bảng Anh (hơn 40.000 USD)”, cô nói.
Observer cho biết người lao động Việt Nam khi đến Serbia phải ký vào các mẫu đơn “cam kết không nghỉ việc”. Theo đó, gia đình người lao động trong vòng một tuần sẽ phải bồi thường khoản tiền bằng một năm tiền lương nếu người lao động bỏ việc.
Tuy nhiên, với đồng lương không như mong đợi ở Serbia, cùng với những hứa hẹn về một công việc lương cao hơn ở nước khác, nhiều lao động bất chấp rủi ro để trốn khỏi Serbia, Vũ nói.
Tuấn cho biết nhiều người Việt Nam từng làm việc cùng anh tại Linglong đã phải huy động hàng nghìn USD để được đưa đến các nước giàu có hơn ở châu Âu.
“Tôi nghĩ họ phải trả (cho các nhóm vận chuyển người trái phép) khoảng 6.000 bảng Anh (hơn 8.000 USD) để vào châu Âu từ Romania”, Tuấn chia sẻ thêm.
Trong khi Serbia được cho là con đường mới được các băng nhóm tội phạm sử dụng, thì Romania - quốc gia đã ký hiệp định thị thực song phương với Việt Nam hồi năm 2018 về việc nhập khẩu lao động - được xem như cửa ngõ khác vào châu Âu.
Nhiều lao động cũng bị mắc kẹt khi phải làm các công việc nguy hiểm và bị bóc lột ở đó.
Mạnh đến Romania cùng với 60 công nhân khác từ Việt Nam vào năm 2019 để làm việc cho một công ty xây dựng lớn. Khi kết thúc hợp đồng vào năm 2021, một nửa trong số họ đã vượt biên sang Anh và châu Âu.
“Nhiều người đã bỏ trốn chỉ một hoặc hai tháng sau khi đến”, anh nói. Anh trai của Mạnh - làm việc cho một công ty khác ở Romania - nằm trong số nhiều người đã rời khỏi đất nước. Anh nói: “Mức lương ở Romania quá thấp”.
Mạnh cho biết anh hiện bị mắc kẹt ở Romania. Hợp đồng của anh hết hạn vào tháng 3 nhưng ông chủ của anh từ chối gia hạn, khiến anh phải làm việc mà không có giấy phép cư trú hợp lệ và không đủ khả năng chi trả cho chuyến bay về nước.
Khi được hỏi liệu anh có kế hoạch rời Romania để tìm việc hay không, anh trả lời: “Đó là bí mật”.
Theo số liệu của cảnh sát biên giới Romania, trong vòng 5 năm qua, ít nhất 231 người Việt Nam đã bị chặn lại khi cố gắng vượt biên để đến các nước châu Âu khác.
Cảnh sát Hungary đã chặn được 101 người khác trong cùng thời gian. Các chuyên gia như Vũ ước tính đây chỉ là một phần rất nhỏ người Việt Nam rời Romania sang Tây Âu.
Người phát ngôn của cảnh sát biên giới Romania cho biết: “Như một phương thức mới, công dân Việt Nam nhập cảnh vào Romania hợp pháp dựa trên thị thực lao động và sau đó cố gắng vượt biên trái phép”.
Những chuyến đi “VIP”
Phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò trung tâm cho các băng nhóm vận chuyển người trái phép. Các nhóm Facebook mà Observer tiếp cận được cung cấp các tuyến đường "VIP" bằng ôtô riêng ra khỏi Romania.
Các gói dịch vụ được quảng cáo bằng cách gán số cho các quốc gia muốn đến. Chẳng hạn, khách có thể chọn gói “44” nếu muốn đến Anh, “49” nếu muốn đến Đức, và “33” để đến Pháp. Dù giá cho mỗi gói như vậy đã giảm trong đại dịch, một chuyến đi đến Anh vẫn có thể tốn hơn 10.000 bảng (gần 13.400 USD).
Trên thực tế, những chuyến đi VIP này rất khắc nghiệt. Cảnh sát Romania đã phát hiện người di cư Việt Nam trốn sau các thùng hoa quả hoặc thùng hàng trong những xe tải nhỏ có “tường giả”.
Trong năm qua, những vụ đưa người di cư Việt Nam ra khỏi Romania bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp hạn chế tại biên giới do đại dịch gây ra.
Trung (36 tuổi) hiện sống ở Đức mà không có giấy tờ tùy thân sau khi làm việc hợp pháp ở Romania. Anh thực hiện chuyến đi của mình trong khi châu Âu bị phong tỏa hồi tháng 10/2020.
Trung muốn ở lại Romania, nhưng chủ lao động từ chối cập nhật các thủ tục giấy tờ để anh có thể ở lại nước này hợp pháp. Anh nói rằng bản thân đã phải lựa chọn giữa việc làm giả giấy tờ và việc bất chấp rủi ro để sang Đức.
“Mức lương ở Romania chỉ cao hơn một chút so với ở Việt Nam”, Trung cho biết và tiết lộ anh được chủ lao động trả 750 USD mỗi tháng. “Quyết định đi giống như một ván bài: cơ hội thành công là 50-50”, anh nói.
Đối với những người cố gắng đến Anh, nguy cơ mà họ phải đối mặt còn lớn hơn nếu đến Pháp hoặc Đức. Bất kể họ mua gói VIP nào để đảm bảo việc đi lại an toàn, tất cả đều phải đi qua eo biển Manche bằng thuyền hơi mỏng manh.
“Trước đây, những kẻ vận chuyển người trái phép đã có mạng lưới riêng để đưa người Việt Nam đến Anh bằng xe tải. Tuy nhiên, Brexit đã dẫn đến tình trạng thiếu xe tải, cùng với đó là sự kiện về cái chết của 39 người Việt Nam trong container năm 2019, họ đã phải sử dụng đường thủy”, Vũ nói.
“Trong số những người Việt Nam đã đến được các trại người di cư ở Dunkirk hoặc qua eo biển Manche đến Anh mà tôi từng phỏng vấn, tất cả đều nói rằng đi thuyền là lựa chọn duy nhất”, cô nói thêm.
Tháng trước, 27 người chết đuối khi cố vượt biển, một trong số đó là người Việt Nam. Báo chí nêu tên người này là Lê Văn Hậu, đến từ tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Anh người được cho là đã trả khoảng 10.000 bảng Anh (gần 13.400 USD) để tìm việc hợp pháp ở Ba Lan, trước khi lên đường sang Pháp để tìm cách vượt eo biển Manche.
Khi đã đến Anh, với khoản nợ hàng nghìn bảng, người Việt Nam trở thành một trong những nhóm dễ bị dẫn dắt trở thành lao động cưỡng bức, hoặc phải sống trong nợ nần và bị bóc lột.
Các số liệu chính thức của Bộ Nội vụ Anh cho thấy người Việt nhập cư là nhóm nạn nhân lớn thứ ba của “tình trạng nô lệ hiện đại”. Có 653 người Việt Nam được xác nhận là nạn nhân của lao động cưỡng bức vào năm 2020. Phần lớn họ được phát hiện trong các trang trại trồng cần sa và tiệm làm móng.
Tháng trước, trong một trại di cư phủ đầy tuyết ở Dunkirk, Pháp, hai người Việt Nam ngồi chụm lại với nhau cùng một nhóm người để sưởi ấm. Có đến hàng trăm người khác trong khu lều hoang.
Hai người cho biết họ vay nặng lãi để rời Việt Nam bằng visa đến Serbia, với mục tiêu sau đó sang Anh tìm việc làm trong tiệm làm móng. Khi đến Anh, họ sẽ nợ thêm 18.000 bảng (hơn 24.000 USD).
“Chúng tôi đã mất 2 tháng để đến được đây. Tôi không biết khi nào mình sẽ về nhà, tôi không thể trở về tay không”, một người chia sẻ sau cuộc gọi FaceTime với vợ và con nhỏ ở Việt Nam.
Nguồn: Hồng Ngọc/ Zing.vn