Lấy chồng Việt kiều Mỹ, bản thân là người tự lập với hơn 6 năm học - làm việc xa nhà, cũng như đã chuẩn bị sẵn tâm lý về những sự khác biệt văn hóa, nhưng những ngày đầu sang xứ cờ hoa, tôi vẫn bị sốc.

Năm 24 tuổi tôi lấy chồng và sang Mỹ. Ông xã tôi là người Việt Nam, đã định cư ở Mỹ khoảng 10 năm. Trong một lần về Việt Nam thăm gia đình vào dịp Tết, chúng tôi tình cờ quen nhau và đi đến hôn nhân sau hơn hai năm tìm hiểu.

Sốc khi quanh quẩn ở nhà

May mắn được cấp visa ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên, tôi hân hoan chuẩn bị hành lý để sang Mỹ đoàn tụ cùng chồng.

Dù bản thân là một người tự lập với hơn sáu năm học tập và làm việc xa nhà, cũng như đã chuẩn bị cho mình tâm lý về sự khác biệt văn hóa; và dù luôn được sự hướng dẫn, quan tâm hết mực của chồng, nhưng những ngày đầu sang Mỹ, tôi vẫn bị sốc.

Cú sốc đầu tiên là mọi thứ quá “yên ắng”. Hầu như mọi nhà đều đóng cửa và chẳng ai biết hàng xóm của mình là ai. Những ngày đầu sang Mỹ, đôi khi một mình trong nhà, thứ âm thanh duy nhất tôi có thể nghe là tiếng “tích tắc” của chiếc đồng hồ treo tường.

Cú sốc thứ hai là tiếng Anh trong giao tiếp. Dẫu khá tự tin với vốn tiếng Anh đã được học bao nhiêu năm cùng việc sử dụng khi đi làm, thế nhưng trong lần giao tiếp đầu tiên khi đi đăng ký các giấy tờ cá nhân đã khiến tôi bị “sốc”. Dù là những từ ngữ quen thuộc nhưng người Mỹ nói khá nhanh và do chưa quen cách phát âm đã khiến tôi hoàn toàn “bị động”.

Những bỡ ngỡ của cuộc sống mới, chưa thể đi học và đi làm lại chưa biết lái xe, nên vào những ngày trong tuần lúc ông xã đi làm, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà và nhớ Việt Nam, nhớ mẹ vô bờ bến. Đặc biệt vào những ngày lễ tết, nỗi nhớ ấy lại càng nhân lên gấp bội.

Chỉ vài tháng sau khi sang Mỹ thì đến dịp tết cổ truyền. Tết là dịp để mọi người sum vầy sau những năm tháng xa nhà, còn tôi lại nhớ thương mẹ hơn bao giờ hết. Nhớ những ngày cuối năm mẹ tất bật mua sắm con gà, đòn chả; nhớ dáng mẹ khom khom ngồi gọt từng củ hành, củ kiệu, nhớ mùng một tết hai mẹ con đến chùa xin lộc đầu năm.

Đó là nỗi nhớ da diết làm chạnh lòng những người con ở cách xa cha mẹ nửa vòng trái đất. Bởi thế từ cái tết đầu tiên xa Việt Nam, tôi đã tự tay chuẩn bị cho gia đình nhỏ của mình cành mai, chiếc bánh chưng và đòn chả.

Tôi nhớ những ngày cuối năm mẹ tất bật mua sắm con gà, đòn chả; nhớ dáng mẹ khom khom ngồi gọt từng củ hành, củ kiệu, nhớ mùng một tết hai mẹ con đến chùa xin lộc đầu năm.

Đó là nỗi nhớ da diết làm chạnh lòng những người con ở cách xa cha mẹ nửa vòng trái đất. Bởi thế từ cái tết đầu tiên xa Việt Nam, tôi đã tự tay chuẩn bị cho gia đình nhỏ của mình cành mai, chiếc bánh chưng và đòn chả.

Nơi tôi sống khá ít người Việt nên để tìm mua được thực phẩm Việt rất khó khăn. Mặc dù Mỹ là hợp chủng quốc với đa sắc tộc, ẩm thực rất phong phú nhưng tôi yêu món Việt hơn tất thảy. Thay vì dùng những lát bánh mì phết mứt hay một chén ngũ cốc dinh dưỡng vào bữa sáng như nhiều gia đình Mỹ, tôi vẫn chuẩn bị cho gia đình mình những chiếc bánh bao, bánh mì thuần Việt. Đồ ăn trưa mang đến chỗ làm cho ông xã bao giờ cũng có cơm cùng món xào hay món kho đậm đà truyền thống của Việt Nam.

Từ một người phụ nữ vụng về chuyện bếp núc, những ngày tháng xa quê hương với nỗi nhớ da diết món Việt và mong muốn tự tay chuẩn bị những món ngon cho chồng, tôi đã tự mày mò nấu nướng và yêu những khoảnh khắc đón chờ một chiếc bánh thơm lừng trong lò hay hít hà mùi thơm đặc trưng của món phở, món bún bò trong gian bếp nhỏ của mình.

Niềm đam mê nấu nướng và chia sẻ những công thức mình từng thử nghiệm đã giúp cho căn bếp online nho nhỏ của tôi ra đời. Với hơn 30 ngàn người theo dõi càng tiếp thêm động lực cho tôi chia sẻ nhiều hơn cách nấu nướng món Việt đồng thời giúp tôi gắn kết hơn với những chị em Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, những người vẫn một lòng yêu món Việt như tôi.

Chỉ riêng những ngày lễ truyền thống ở Mỹ, tôi mới chuẩn bị bữa tối theo kiểu Mỹ; còn lại những ngày trong năm hầu như vợ chồng tôi vẫn thưởng thức bữa tối đậm đà hương vị Việt.

1 Vo Viet Noi Dat Khach Cuoi Viet Kieu My Va Nhung Cu Soc

Niềm vui bên con

Những bước “chập chững” đi làm Sau vài tháng sang Mỹ, tôi đăng ký học lớp đào tạo khai thuế cá nhân tại H&R Block – một công ty thuế khá lớn ở Mỹ. Sau ba tháng học tập, nếu vượt qua kỳ thi và hai vòng phỏng vấn thì học viên có thể được nhận vào làm trong mùa thuế tới.

Với vốn Tiếng Anh đã tích lũy nhiều năm ở Việt Nam, tôi không mấy khó khăn trong việc tính toán những con số cũng như đọc luật thuế của Mỹ. Nhưng vẫn là trở ngại như đã nói ban đầu, tiếp xúc với giảng viên cùng các bạn học thật sự là một khó khăn “to lớn”.

Trước khi đến lớp tôi luôn cố gắng đọc trước bài học để nắm rõ các thuật ngữ về thuế cũng như nội dung bài giảng sắp tới. Những đoạn nào giảng viên nói quá nhanh hoặc khó hiểu, tôi ghi chú lại để cuối buổi lại xách tập lên hỏi.

Mỗi giờ giải lao trong lớp, tôi lại chủ động bắt chuyện với các học viên khác để dần quen với cách phát âm cũng như cách trò chuyện ở Mỹ. Bằng sự cố gắng của mình, cuối mùa học đó tôi đã dễ dàng vượt qua được kỳ thi và các vòng phỏng vấn để trở thành nhân viên khai thuế.

Biết cách khai thuế, hiểu luật thuế của Mỹ và có thể giao tiếp với khách hàng là hoàn toàn chưa đủ. Sau ba ngày làm việc đầu tiên, tôi lại bị “sốc”. Tôi nhận ra mình quá thiếu “kiến thức cơ bản” về cuộc sống nơi đây. Về những câu xã giao đơn giản theo phong cách người Mỹ, về cách sống cũng như những dịch vụ nơi đây tôi hoàn toàn “mù tịt” và không biết bao lần lại “bị động” khi giao tiếp với khách hàng.

Tuy nhiên, thay vì “ngớ người” ra mỗi khi gặp trở ngại trong giao tiếp, tôi lại nhẹ nhàng xin lỗi và nhờ người ta giải thích rõ hơn. Rất tuyệt là người Mỹ dễ “thông cảm” và nhiệt tình giải thích cho những thắc mắc của mình.

Tuy công việc với mức lương thấp và chỉ làm bán thời gian, nhưng sau mùa thuế, tôi tiến bộ rõ rệt về giao tiếp cũng như hiểu thêm về cuộc sống nơi này. Ở Mỹ, mọi công việc đều được trân trọng, nếu bạn thấy phù hợp và có cơ hội thì hãy nắm bắt bởi mỗi trải nghiệm đều quý giá và những người mới định cư sẽ nhận được “nhiều hơn” ngoài đồng lương mỗi tháng.

Không ngại học

Trong khoảng thời gian đi làm, tôi vẫn dành quỹ thời gian rảnh ở nhà để ôn luyện, thi thêm các chứng chỉ cần thiết để nộp đơn xin học cao học. Vài tháng sau đó tôi được nhận vào học chính thức chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh.

2 Vo Viet Noi Dat Khach Cuoi Viet Kieu My Va Nhung Cu Soc

Sau hai năm miệt mài học tập, vào mùa đông năm 2013 tôi đã được cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ với sự nỗ lực của mình và sự động viên, quan tâm hết mực của ông xã.

Trước khi sang Mỹ, tôi vẫn nghe mọi người nói hầu hết những ai sang đây đều phải học lại đại học vì các trường không chấp nhận bằng cấp đại học Việt Nam để học chuyển tiếp lên cao học. Tuy nhiên nếu muốn tìm hiểu về chương trình của trường, tất cả mọi người đều có thể đọc thông tin tại website hoặc liên lạc trực tiếp với người phụ trách chương trình để được giải đáp cụ thể.

Khi đã xác định sẽ sang Mỹ và có dự định học tiếp cao học, tôi đã liên hệ và biết được các yêu cầu để được nhập học. Trong mấy tháng chờ được cấp visa, tôi bắt đầu chuẩn bị dần hồ sơ và ôn luyện các chứng chỉ cần thiết để nộp đơn xin học. Ngày nhận được thư gọi nhập học, tôi mừng đến rơi nước mắt.

Được nhận vào học là một chuyện, học thế nào lại là một vấn đề khác. Các giáo sư chẳng bao giờ điểm danh, nhưng nếu thường xuyên nghỉ học thì thật sự là một khó khăn cho bạn.

Các bài giảng rất thực tế và luôn cần sự tương tác giữa giảng viên với sinh viên cũng như giữa các sinh viên với nhau. Nếu nghỉ một buổi học, thật sự bạn sẽ “mất” khá nhiều kiến thức.

Trong chương trình học tôi có thể chọn lựa lấy bao nhiêu lớp một học kỳ, lấy những lớp nào tùy ý (tất nhiên trừ những lớp yêu cầu), nhưng buộc phải vượt qua các yêu cầu môn học và các kỳ thi để đủ điểm mỗi học kỳ.

Như chương trình nơi tôi học, nếu sau mỗi học kỳ tổng điểm các môn dưới 3.0 (trên thang điểm 4.0) thì sẽ nhận được thư cảnh cáo. Nếu học kỳ sau không khôi phục số điểm thì sẽ bị đuổi học.

Sau hai năm miệt mài học tập, vào mùa đông năm 2013 tôi đã được cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ với sự nỗ lực của mình và sự động viên, quan tâm hết mực của ông xã.

Khoảnh khắc ngọt ngào

Tôi mang thai chỉ sau vài tháng tốt nghiệp cao học, một thai kỳ được gọi là “rủi ro” khi tôi mang song thai. Những cơn ốm nghén vật vã, những cơn đơn đầu và tăng huyết áp khiến tôi quyết định ở nhà dưỡng thai chờ sinh em bé.

Ở tuần 37 thai kỳ, các bác sĩ quyết định mổ khi tôi tăng huyết áp đột ngột và các con cũng đã sẵn sàng chào đời. Chỉ sau 2 ngày ở bệnh viện, các bác sĩ đã cho 3 mẹ con tôi về nhà.

3 Vo Viet Noi Dat Khach Cuoi Viet Kieu My Va Nhung Cu Soc

Việc “kiêng cử” sau sinh ở Mỹ khá đơn giản, các bác sĩ chỉ dặn hạn chế làm việc nặng và không mang vác những vật nặng hơn 7 ký; khuyến khích các mẹ nên vận động nhẹ sau sinh cũng như không kiêng tắm rửa.

Thuê người giúp việc tại Mỹ là điều rất khó khăn nên hầu như các mẹ sau sinh đều tự chăm con và làm việc nhà. Tôi may mắn là thời gian đầu có cả bà ngoại và bà nội của hai con sang giúp đỡ. Nhưng sau khi từ bệnh viện về nhà, tôi vẫn nấu cơm, giặt giũ và chăm con.

Hai bé ngay từ những ngày đầu đã được ngủ riêng trong nôi. Đó là một trong những lời khuyên cũng như nhắc nhở của bác sĩ Mỹ. Tôi cũng nhận thấy những lợi ích ban đầu khi con không ngủ chung với mẹ, thứ nhất bé có môi trường ngủ an toàn hơn; và thứ hai là cả bé và mẹ đều ngủ ngon hơn. Sau 4 tháng thì cả hai con đều ngủ xuyên đêm cũng giúp tôi mau chóng hồi phục sức khỏe sau những đêm thức dậy thường xuyên cho con bú.

Từ lúc con ăn dặm, tôi bắt đầu tập dần phương pháp ăn dặm chỉ huy được nhiều mẹ Mỹ tin dùng. Tin tưởng và tôn trọng con, cho các con quyền tự lựa chọn món ăn và ăn bao nhiêu tùy con khiến bữa ăn của các con luôn vui. Con khỏe và mẹ cũng nhàn hơn.

Khi con bắt đầu ăn bữa đầu tiên, tôi đã đặt vào ghế ăn, nếu con không muốn ăn thì bữa ăn sẽ được kết thúc. Trẻ con không biết nhịn, khi đói ắt sẽ ăn… mặc dù ban đầu cũng khá “căng thẳng” khi con không ăn được nhiều, nhưng sau đó nhìn con ăn trong vui vẻ, bữa nào đói con ăn nhiều, khi con mệt con no sẽ ăn ít hơn…hiểu được điều đó khiến giờ ăn của các con luôn là những khoảng thời gian vui vẻ với cả ba mẹ con. Tôi không nhìn vào chiếc cân mỗi ngày, chỉ cần hai con vui khỏe, phát triển đúng tiêu chuẩn là đủ an tâm.

Ở Mỹ, phụ nữ thường phải trở lại công việc chỉ 3 tháng sau sinh, do đó nếu không có sự giúp đỡ của ông bà, họ hàng thì hầu như cha mẹ phải mang bé đi gửi trẻ lúc 3 tháng tuổi. Tôi cũng từng nghĩ rằng mình sẽ sớm tìm việc làm khi các bé tầm 8-9 tháng.

Nhưng khi nhìn các con vẫn vụng về lọ mọ tập những bước đi đầu, những cái té ngã bất ngờ hay những khi giật mình đòi mẹ …tôi lại chùng lòng. Hai năm đầu đời là quãng thời gian quan trọng nhất với mỗi đứa trẻ, là khi con bắt đầu tập quen với thế giới này, từ cú lật đầu tiên, những bước đi chập chững, là tiếng gọi cha, gọi mẹ còn chưa rõ ràng… tôi quyết định gác lại sự nghiệp của mình thêm một thời gian để bên con, trải nghiệm cùng con.

Với tôi giờ đây, những khoảnh khắc ngắm các con cười hay những khi nhìn chồng vui vẻ thưởng thức bữa cơm ngon là niềm hạnh phúc không gì có thể đánh đổi được.

Dù sống ở Việt Nam, ở Mỹ hay bất cứ nơi đâu; chỉ cần nơi đó có những người mình yêu thương, nơi trái tim mình đặt ở đấy thì đó chính là nhà, là nơi mình thuộc về.

Nguồn: Thanhnien.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC