Tôi có việc làm ổn định cho một văn phòng đại diện của nước ngoài, cuộc sống của tôi khá thoải mái. Rời Sài Gòn theo chồng sang Anh là điều mà tôi không bao giờ nghĩ tới vì tôi không muốn đi nước ngoài.

 

Chồng tôi là người Việt nhưng sống ở Anh cũng gần 40 năm. Tôi có việc làm ổn định cho một văn phòng đại diện của nước ngoài, cuộc sống của tôi khá thoải mái cho nên khi lấy chồng tôi đề nghị anh 6 tháng sống ở VN, 6 tháng về bên Anh. Ai cũng lắc đầu bảo tôi điên nhưng thật sự ra đi, bỏ lại tất cả là điều tôi chưa sẵn sàng.

Cho tới khi ba má tôi và gia đình chồng thuyết phục rằng: “Lấy chồng phải theo chồng”; “Nếu sanh con ở Anh sẽ được miễn phí, sanh bên đó người ta chăm sóc tử tế dễ chịu, cuộc sống bên đó cũng thoải mái hơn”; “Đến lúc phải nghĩ tới việc có con chứ đi làm suốt là không nên”… thì tôi mới “khăn gói” theo chồng.

Đặt chân đến Anh, ra khỏi phi trường nhìn những ngôi nhà, trụ sở công ty, siêu thị với tường gạch tối màu cùng với bầu trời xám xịt ngày hôm đó khiến tâm trạng của tôi cũng xám xịt và buồn.

Phát hoảng

Về tới nhà, nghe anh bảo hai vợ chồng sống ở đây tôi càng hoảng vì nhà cửa ở xứ Anh Quốc khác hẳn với những gì tôi tưởng tượng.

Nhà nhỏ, bếp nhỏ, cầu thang nhỏ, và phòng ngủ, phòng tắm, nhà vệ sinh đều ở trên lầu. Thấy vậy, chồng tôi bảo, nhà mình vậy là to hơn các nhà khác rồi vì căn này gọi là semi detached house. Chả hiểu semi hay detached là gì hết, tôi chỉ gật gật. Tôi ngồi xuống sofa nói chuyện với anh em chồng, mẹ chồng mà đầu óc cứ quay cuồng nên lát sau tôi xin phép đi nằm.

Thời gian trôi qua, tôi cũng quen với cuộc sống ở Anh. London bụi bặm, xe cộ nhiều nên tôi quyết định chuyển về vùng West Midlands. Tôi muốn đi học, đi làm nhưng lúc ấy đang có thai nên quyết định bỏ hết để chăm sóc con cái cho chu toàn, còn chồng tôi vẫn đi làm ở London và cuối tuần mới về với gia đình. Tôi mãn nguyện với cuộc sống ở nhà lo cho các con và đợi khi chúng lớn tôi sẽ đi học, đi làm trở lại để hòa nhập với cuộc sống Anh.

 

Vợ Việt nơi đất khách - Kỳ cuối: Rời bỏ sự nghiệp ở Sài Gòn - 0

Thật ra, từng bước sống và hòa nhập nước Anh cũng rất vất vả. Trong những ngày chăm con, tôi vẫn cố gắng nghe và hiểu được người Anh họ nói gì và cố gắng luyện giọng kiểu Anh theo đài BBC, đọc từng bản tin tiếng Anh để luyện giọng. Giọng Anh khá hay, nhẹ nhàng và chữ a phát âm rõ ràng hơn giọng Mỹ. Những câu chồng nói “Do you understand?”; “Are you sad” nó ngồ ngộ so với những ngày nghe sếp ở Việt Nam nói, vì khi sếp phát âm understand thì chữ “a” thành “æ”.

Qua Anh, quyết định ở nhà chăm con cũng không phải là quá khó khăn đối với tôi. Vì tôi nghĩ đã đến lúc cần toàn tâm toàn ý lo cho con rồi đầu tư sự nghiệp cho mình, tôi không muốn như bạn mình, cứ mải lo sự nghiệp đến khi muốn có con lại quá muộn, hoặc khó có con và sức khỏe cũng không đảm bảo để chăm sóc chúng nó như ý.

Đặc biệt, trong giai đoạn chúng tập đi, tập chạy với năng lượng dồi dào, nếu người mẹ không đủ sức theo con sẽ rất dễ rơi vào trầm cảm vì bên này không có người thân. Suy xét kỹ càng nên tôi rất thoải mái với việc ở nhà chăm con để chồng yên tâm đi làm.

Hòa nhập

Về phía tôi, mùa đông khi chồng đi làm xa cũng sợ lắm, nhất là những ngày gió luồn qua khe cửa, tạo thành những âm thanh kỳ quái. Tuy nhiên, tôi cũng không đến nỗi cô đơn vì có gia đình chồng ở gần, khi có chuyện có thể gọi điện nhờ họ qua hỗ trợ, rồi thời gian chăm sóc con cái cũng khá bận rộn nên sự chờ mong chồng về mỗi cuối tuần không còn khắc khoải như xưa.

Khi con tôi còn nhỏ, việc chăm con cũng có những khó khăn nhất định, tất cả đều xa lại với tôi khi không có người thân ở bên nên tôi phải học từ từ từng việc nhỏ. Con còn nhỏ chăm con có những khó khăn nhất định, tất cả đều xa lạ không người thân nên cũng phải học từ từ để làm cho đúng.

Mỗi khi con bệnh tôi lập tức gọi cho NHS online (đây là đường dây do bệnh viện lập ra để cho mọi người được tư vấn thông tin về bệnh, từ đó có thể biết cần đi cấp cứu hay tự cứu người thân) và được bác sĩ online dạy cho cách chăm bé khi bị ói, bị sốt ra sao. Những ngày mùa đông, khi bé khóc vô cớ tôi đã gọi cho mẹ chồng để nhờ chia sẻ kinh nghiệm, mẹ chồng đã chỉ bảo tận tình và ban ngày đã qua thăm và chăm bé để giúp tôi được ngủ.

Nếu trẻ bệnh nặng, tự tôi đưa con đi bác sĩ hoặc bệnh viện. Tôi hiểu, cuộc sống bên này mình phải tự thân vận động chứ không thể trông chờ vào bất cứ ai, vì vậy tôi tự quyết định mọi chuyện liên quan đến con. Con té cầu thang, té ngoài vườn, thậm chí có lần bé leo lên cái thang tôi để ngoài bị té với cái đầu u to, tôi cũng tự chườm đá cho con,thậm chí khi vết thương bị tóe máu vẫn xử lý tốt không cần gọi chồng về. Cuộc sống đôi khi cũng khiến tôi mệt mỏi nhưng khi có chuyện cứ giữ bình tĩnh là được.

Thật may, tôi luôn có chồng hỗ trợ và chỉ bảo. Sống với nhau nhiều năm nhưng vợ chồng tôi hầu như ít cãi nhau hay bất đồng quan điểm và tôi không bao giờ trách móc chồng về chuyện tôi qua đây vì đó là do tôi quyết định chứ chồng không ép. Thi thoảng nếu có cãi nhau thì cũng là những chuyện liên quan đến nuôi dạy con. Tôi cũng hiếm khi đấu tranh tư tưởng về việc có nên tiếp tục sống xa Việt Nam hay không vì mình đã làm rồi, việc bây giờ là hướng đến tương lai chứ không quay đầu nuối tiếc quá khứ.

Nước Anh cổ kính, buồn nhưng nếu bạn thích lịch sử, thích những tòa nhà cổ kính thì bạn sẽ yêu dù sương mù giá lạnh vẫn trùm lên nước này mỗi mùa đông. Cuộc sống ở Anh thuộc dạng đắt đỏ nên nếu bạn biết tiết kiệm tiền bằng cách đăng ký thẻ tăng điểm của Tesco, hay Sainsbury thì sẽ được nhận thêm voucher giảm giá mỗi năm. Lidl và Aldi là chuỗi siêu thị của Đức, đồ ăn tươi, khá rẻ và gần đây có vẻ cạnh tranh với chuỗi siêu thị của Anh như Asda, Morrisons. Nơi thành phố tôi sống cũng thuộc thành phố lớn nên có nhiều thành phần sắc tộc, màu da.

Người Anh nói chung không lạnh lùng “phớt tỉnh Ăng Lê” mà tôi thấy họ nhát thôi, nếu bạn chào, làm quen thì họ có thể nói khá nhiều, không tin bạn cứ thử đi.

Cộng đồng người Việt, người Hoa nơi thành phố tôi sống khá đông, vì vậy kiếm đồ Việt ăn không khó và có nhà hàng Việt bán đồ ăn tương đối tốt cho những bữa tôi chán cơm, thèm chả giò, nem nướng, bánh cuốn, phở để đổi món, dù nó không ngon như khẩu vị người Việt nấu ở nhà . Nhưng, đôi khi đi ăn bên ngoài cũng là cách tốt để thay đổi không khí và tăng thêm tình cảm gia đình.

Khu trung tâm thành phố cách nhà tôi khoảng 35 phút lái xe, hàng tuần tôi vẫn dẫn các con vô mua sắm, hay cùng nhau ăn sáng món Full English breakfast mà chồng rất thích, sau đó uống cà phê, nghỉ ngơi, đi dạo rồi về.

Xa xứ nhiều năm tôi cũng dần quen với cuộc sống bên này, các con đã lớn, chồng tôi cũng không đi làm dưới London nữa mà trụ lại làm việc trong thành phố này, sáng đi chiều về để lo cho các con. Những buổi học ngoại khóa, họp phụ huynh có cha có mẹ con cũng vui hơn những ngày chỉ có mẹ vì cha phải lặn lội ở London.

Cuối tuần, gia đình chở nhau đi chơi góc phố này hay qua thành phố khác để ngắm những lâu đài cổ kính, những con đường hiền hòa vắng vẻ, nằm cạnh bờ sông thơ mộng. Nếu không ngại chen lấn đông đúc thì những ngày nghỉ lễ vợ chồng tôi dẫn con xuống London để thăm danh lam thắng cảnh của thủ đô.

Tóm lại, tôi vui vì dẫu sao bỏ gia đình, bỏ công việc ra nước ngoài nhưng không bị trầm cảm, bị sốc văn hóa hoặc thiếu tình cảm gia đình. Tôi đã sống, vươn lên và ổn định đến bây giờ. Nói chung, nơi nào cũng vậy, có tiếng cười con trẻ, có vòng tay, bờ vai tin cậy trao nhau là nơi ấy có hạnh phúc, tình yêu.

Tôi sống đơn giản vậy thôi không cầu kỳ gì nhiều.

Hầu hết những người vợ Việt trong loạt bài trên đều đã có sự nghiệp hoặc cơ ngơi vững vàng tại quê nhà nhưng sẵn sàng gác lại để theo chồng ra xứ khác. Trên đất khách, mọi kiến thức và bằng cấp có được đều trở thành con số không nhưng họ không ngại ngần bắt đầu lại. Bản lĩnh và kiên cường ấy là truyền thống đáng quý của phụ nữ Việt nhưng các cô gái vẫn hãy chuẩn bị tinh thần thật kỹ trước khi quyết định "theo chàng về dinh" nhé.

 

Như Ý (từ West Midlands, Anh)

Báo Thanh Niên




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC