Cuộc sống và thời gian ở Ấn Độ đã dạy cho mình biết rằng, không phải cứ lấy chồng nước ngoài là sướng, ở nước ngoài là thiên đường.
Chính bản thân mình phải tự tìm cách đứng vững trên đôi chân của mình để chồng và gia đình chồng nể trọng.
7 năm yêu online
Năm 2007, do chưa có người yêu nên tôi được cô bạn cùng nhà giới thiệu một anh người Ấn, với mục đích nâng cao trình độ tiếng Anh. Rồi bọn mình chat (tán gẫu trên mạng) với nhau hàng ngày và không biết tình yêu đến lúc nào.
Cũng như bao cặp đôi khác, khi mới yêu, anh đã nói: “Không biết tương lai sẽ thế nào, không dám nói trước điều gì vì hai người, một ở Ấn một ở Việt, ngôn ngữ văn hóa khác nhau nhưng anh sẽ cố gắng hết sức để luôn ở bên và chăm sóc em”.
Đám cưới cô dâu Việt theo nghi thức Ấn
Ngày đó, mình nghĩ yêu đương qua mạng thì rất khó thành duyên nên chẳng nghĩ ngợi nhiều, cho đến một hôm anh gọi điện nói sẽ sang Singapore gặp mình trước khi mình kết thúc năm học và về hẳn Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ ấy giúp tụi mình trở nên gắn kết hơn, không còn là sự mơ hồ qua những câu chat trên màn hình Yahoo hằng đêm nữa, giúp mình tin rằng tình yêu anh dành cho mình là thật. Ngay cả khi về VN, mỗi năm tụi mình đều cố gắng sắp xếp những ngày nghỉ để gặp nhau khi ở Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ hoặc anh sẽ thăm gia đình mình vào dịp Tết Nguyên Đán.
Bầu chọn Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, bạn thấy sao?
Gia đình mình muốn mình tìm hiểu và lấy chồng VN, cùng tiếng nói như vậy sẽ dễ dàng hiểu và thông cảm cho nhau nhưng mình tin vào chữ "duyên nợ". Làm bạn là do chữ "duyên" nên vợ chồng là do chữ "nợ", mình thật sự bị thu hút bởi đôi mắt sâu của người Ấn, nhìn vào đôi mắt ấy bạn cảm nhận được sự ấm áp và chở che.
Cứ thế, sau 7 năm quen nhau, tình yêu online của tụi mình đã kết thúc bằng một đám cưới mang màu sắc Ấn – Việt.
Đám cưới ở nhà gái thì theo nghi thức truyền thống Việt nhưng đám cưới ở Ấn thì được tổ chức đúng 3 ngày theo truyền thống Phật Giáo với đầy màu sắc, lễ nghi, âm nhạc …
Định kiến làm dâu, làm vợ
Sau kết hôn, mình chuyển sang Ấn Độ với chồng. Không giống như những cô gái Việt khác, từ đất nước của chồng, mình phải trải qua 3 chuyến bay mới về tới Việt Nam. Nhiều khi nhớ ba mẹ, các cháu mà nước mắt rơi dù đây không phải là lần đầu mình sống xa nhà, và Việt Nam bây giờ chỉ là quê hương, còn Ấn Độ là nhà.
Bi hài ăn uống
Trong khi người Việt thích la cà quán xá vào buổi sáng để thưởng thức tô phở nóng hổi, hay ổ bánh mì và ly cà phê sữa đá thì ở Ấn lại chỉ thích uống trà vào buổi sáng, ăn trưa vào lúc 14 giờ (VN là 15 giờ 30), lúc người Ấn ăn trưa là lúc VN chuẩn bị ăn tối nên lúc mới sang đây mình đã bị sốc bởi sự thay đổi giờ giấc trong sinh hoạt, trong cách ăn uống vì nhà lúc nào cũng toàn mùi cà ri.
Mình có một cô con gái nhỏ nên luôn tâm niệm rằng con gái mình phải biết về nguồn cội của mẹ và về ẩm thực VN nên luôn duy trì “gian bếp Việt trong ngôi nhà Ấn”. Với tình yêu và tinh thần ăn uống là bất diệt, cộng thêm việc học hỏi trên mạng từ những group dành cho những người phụ nữ Việt xa quê, mà giờ mình tự tin rằng có thể nấu những món ăn như phở, bún chả, chả cá, bánh mì Sài Gòn, bánh cuốn, chả lụa… từ những nguyên liệu của Ấn.
Hàng ngày, để hiểu và giao tiếp với nhau, mình và chồng vẫn sử dụng tiếng Anh nhưng đôi khi cũng có những chuyện cười ra nước mắt do bất đồng ngôn ngữ. Hay sự giao tiếp giữa con dâu Việt và bố mẹ chồng Ấn chỉ xoay quanh 2 chữ “Yes, No” nhưng họ cũng tạo cho mình cảm giác ấm áp, cố giao tiếp bằng tay, chân để cả ba cùng hiểu nhau hơn.
Đi lấy chồng ai cũng mong mình có cuộc sống hạnh phúc, có một công việc nơi xứ người để không bị lệ thuộc vào chồng, gia đình chồng. Nhưng đàn ông Ấn thì khác, khi lấy vợ họ muốn vợ phải thực hiện nghĩa vụ làm dâu, làm vợ và làm mẹ, phải phục tùng bởi trong xã hội Ấn hiện nay nghĩa vụ làm dâu, làm vợ vẫn còn rất nặng nề.
Người phụ nữ chỉ ở nhà “tề gia nội trợ” khác với khi lấy chồng Tây sống trời Tây, dù không có bằng cấp bạn vẫn có thể xin việc làm tay chân. Ở Ấn phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nước ngoài lại càng khó xin việc, chưa kể bị bất đồng ngôn ngữ. Vì vậy, người vợ buộc phụ thuộc kinh tế vào chồng. Nếu bạn là một người năng động nhưng lấy chồng Ấn, sang Ấn sống thì hãy tập làm quen với không gian của xoong nồi bát đĩa và con cái.
Việc đi lại ở Ấn cũng cực kì phức tạp và nguy hiểm. Ví như lúc mới sang, mình muốn đi chợ, siêu thị thì cũng phải đợi chồng rảnh vào ngày chủ nhật chứ không dám tự ra khỏi nhà, vì đây đó tin tức về những cô gái bị cưỡng hiếp vẫn còn nhan nhản.
Sau 2 năm ở đây, giờ mình có thể tự lái xe đi chợ vào cuối tuần, tự đưa con đi siêu thị khi muốn nhưng vẫn không dám ra khỏi nhà sau 7 giờ tối.
Những món Việt được làm từ nguyên liệu Ấn
Ở Việt Nam, bạn có thể cà phê, tán gẫu với bạn bè khi muốn, nhưng ở đây bạn không thể kiếm ra bạn bè đặc biệt khi là một nội trợ.
Bạn bè của mình là những cô gái Việt lấy chồng Ấn cũng đang sống trên đất Ấn, cùng tham gia hội “Người Việt sống ở Ấn” để chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, nỗi nhớ nhà, cách dạy con qua Facebook hay đôi khi đơn giản là hỗ trợ nhau những gói bún, những chai nước mắm cho những bạn ở xa, tuy là hành động nhỏ ấm áp tình đồng hương. Chỉ mong một ngày nào đó các cô dâu Việt sẽ có một tụ họp để được “tám”, ăn và chơi thoải mái.
Mình thuộc nằm lòng câu nói của một chị bạn đã có thâm niên sống ở Ấn: “Nếu em muốn sống được ở Ấn thì cần phải có một tinh thần thép giống như trong cuốn Thép đã tôi thế đấy”.
Và thật vậy, cuộc sống và thời gian ở đây đã dạy cho mình biết rằng, không phải cứ lấy chồng nước ngoài là sướng, ở nước ngoài là thiên đường mà chính bản thân mình phải tự tìm cách đứng vững trên đôi chân của mình để gia đình chồng và chồng nể trọng.
Tôi may mắn hơn các bạn người Việt tại đây là có một công việc online yêu thích vừa kiếm được thu nhập, vừa có thể chăm con nhỏ và để thấy bản thân mình hữu ích.
Các bạn, những cô gái đang có ý định lấy chồng Ấn hãy tự chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết về cuộc sống ở Ấn, nếu được hãy sang Ấn trải nghiệm ba tháng, bạn sẽ hiểu thêm nhiều điều về gia đình chồng, về cách sống về phong tục và sau đó hãy hỏi bản thân bạn rằng bạn có đủ tinh thần thép để chịu đựng được áp lực này không, có đủ nghị lực vượt qua không khi bên bạn không có bố mẹ, không có bạn bè chỉ có chồng là người duy nhất sát cánh cùng bạn?
Nếu đó là Yes, welcome bạn đến với Hội các cô dâu Việt ở Ấn!
Ngọc Tuyết (từ Ấn Độ)
Báo Thanh Niên