Hai anh em Sammy Trần, 6 tuổi, và Nami Trần, 5 tuổi, xúng xính áo dài đi mua Tết ở siêu thị gần nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1986, đang sinh sống và làm việc tại thành phố Halle/ Saale ở vùng đồng bằng miền trung Cộng hoà Liên bang Đức cùng với chồng và 2 con.
Chị Linh tâm sự: ''Tôi chuyển tới Đức từ tháng 11.2006, đến giờ là tròn 15 năm. Năm nào nhà tôi cũng đón Tết Việt và chưa năm nào thôi nhớ về quê hương - nơi mình đã sinh ra và lớn lên suốt 20 năm''.
Chị Linh cho biết, cuộc sống của gia đình chị ở Đức khá bình lặng, không giống cuộc sống sôi động như ở Việt Nam. Và đặc biệt không thể nào có được bầu không khí náo nhiệt đi chợ sắm sửa mỗi khi Tết đến, xuân về.
''Tết ở Đức khá buồn và cũng không khác ngày thường là mấy vì điều kiện bên này vẫn phải đi học, đi làm nếu Tết rơi vào ngày trong tuần. Chỉ đến cuối tuần được nghỉ, mọi người mới tranh thủ tụ tập liên hoan với bạn bè, người thân và cùng nhau đi chùa'', chị Linh cho hay.
Hai bé Sammy và Nami hồi nhỏ (2018) vui vẻ nhận lì xì từ ba mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Việc mua bán, sắm sửa cho ngày Tết cũng thuận lợi vì rất nhiều người nhập hàng hóa Việt Nam sang Đức bán cho cộng đồng người Việt tuy nhiên giá cả khá ''chát'', không phải ai cũng có điều kiện để mua. Nguyên liệu để nấu các món ăn Việt thì phải tìm ở các chợ Châu Á - thường chỉ có ở các thành phố lớn - nên nếu sống ở thành phố nhỏ, sẽ phải đi rất xa, có khi tới hàng trăm km mới mua được đủ đồ.
Nhưng dù thế nào, chị Linh cho hay, chị nhất định phải chuẩn bị một cái Tết ''đúng chuẩn'' Việt Nam với bánh chưng, nem rán, giò chả, mứt tết. Có đủ lễ cúng ông Công ông Táo, lễ đón giao thừa, và cũng không thể thiếu cây quất và cành đào trong nhà ngày Tết.
Mâm ngũ quả ngày Tết của gia đình chị Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nước Đức cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 như nhiều quốc gia khác trên thế giới, hiện áp dụng lệnh cách ly xã hội đến ngày 14.2 và cấm đi lại cách xa nhà ở quá 15km. Vì thế, năm nay, chị Linh phải chuẩn bị làm bánh chưng từ sớm, lặn lội sang thành phố Leipzig, tới chợ Đồng Xuân lớn để mua lá dong và những nguyên liệu khác.
Mâm cỗ tất niên không thể thiếu bánh chưng, nem, giò chả theo phong tục cổ truyền. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mọi khi, đúng vào thời khắc đêm giao thừa theo giờ Việt Nam, vào khoảng 18h chiều ở Đức, chị Linh dẫn 2 con nhỏ Sammy Trần (6 tuổi) và Nami Trần (5 tuổi) ra đường đi dạo, cũng cố kiếm cành lộc mang về nhà cắm lấy may. Sau đó, cả nhà cùng quây quần vui vẻ bên mâm cơm tất niên, coi chương trình ''Gặp nhau cuối năm'' rồi đi ngủ.
Sáng mùng 1, hai em bé sẽ háo hức được nhận lì xì đỏ từ ba mẹ, nhưng vẫn phải đi học nếu hôm đó không phải ngày cuối tuần.
Năm nay, Sammy và Nami đã được mẹ mua cho hai bộ áo dài đỏ thật đẹp để diện Tết khiến cả hai anh em đều thích thú, mong chờ đến ngày được mặc áo mới và nhận lì xì.
Nguồn: PHƯƠNG LINH/ LĐO