Dĩ nhiên, nếu lấy quá khứ làm thước đo, so với cảnh người Việt cách đây gần 25 năm, thì những gì người Việt ở Đức đạt được đến nay quả là thành công thật.
Nhân năm thứ 40 quan hệ ngoại giao Đức – Việt, tại buổi lễ “40 năm người Việt ở Đức hòa nhập và phát triển”, tổ chức tại Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, Berlin tháng trước, với nhiều đại biểu cao cấp Việt, Đức tới dự, nhóm phóng viên chương trình BBC Việt ngữ đã phải đặt câu hỏi:
“Có ý kiến cho rằng chợ Đồng Xuân là mô hình tư bản sơ khai ngay trong lòng một nước tư bản hiện đại, có đúng không?”
Mỗi người có thể có câu trả lời đúng hoặc không với lập luận, cách nhìn riêng. Nhưng dù trả lời gì thì cũng không thể tách rời lịch sử người Việt kinh doanh ở Đức.
Dĩ nhiên, nếu lấy quá khứ làm thước đo, so với cảnh người Việt cách đây gần 25 năm, thì những gì người Việt ở Đức đạt được đến nay quả là thành công thật.
Nhưng so cùng hai thời điểm với người dân Đông Đức cũng như các sắc tộc khác và cả những dự báo, thì đó là cả một vấn đề hòa nhập gian nan, cùng bao thách thức đang đe dọa tương lai người Việt phía trước.
25 năm vẫn sơ khai
Trung tâm Thương mại Đồng Xuân hiện nay chỉ là một trong cả chục khu bán buôn như thế ở phần Đông Đức, sau một quá trình sụp đổ cũng hơn ngần ấy, trong đó tới năm trung tâm bị cháy trụi. Đó chính là một dấu hiệu đặc trưng của mô hình tư bản sơ khai mà hiểm họa luôn rình rập.
Những người Việt xuất khẩu lao động sang Đông Đức cũ không ai được sinh ra, lớn lên, đào tạo, hay sống trong nền kinh tế thị trường cả.
Sự kiện Đông Đức sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức là một cú sốc, đẩy họ vào tình thế lưỡng nan, “trở đi mắc núi, trở lại cách sông”; quá nửa đành nhanh chóng hồi hương trước tương lai bất định.
Số còn lại “đành liều nhắm mắt đưa chân” bắt đầu từ vô số con số không, không rõ tương lai lưu trú, không một đồng vốn kinh doanh, không sẵn quan hệ làm ăn, không rành luật pháp, không hiểu chế độ chính sách tư bản nước Đức mới… Đặc biệt vướng phải rào cản tiếng Đức, chẳng khác mấy cảnh ngộ những người tị nạn.
Tất cả đều phải tự mày mò, học hỏi truyền miệng, người này làm được, người khác làm theo, cũng là đặc trưng xã hội thời tiền tư bản.
Nhà hàng Thăng Long ở Nhà ga phía Đông Berlin
Phần lớn doanh nhân Việt hồi đó khởi nghiệp bằng những xe bán hàng lưu động, kiểu bán dạo tại các chợ phiên, các tụ điểm đông dân cư hay bến tàu, bãi xe…
Thoạt đầu bán tạp hóa, áo quần, tiệm ăn, lác đác quầy bán hoa tươi… Sau vài năm tích góp được một số vốn, cùng lúc được Đức cấp quyền lưu trú, phần lớn những người hành nghề kinh doanh “bất đắc dĩ” bắt đầu lục tục thuê cửa hàng, quán xá, hình thành nên ngạch bán lẻ hàng bách hóa, thực phẩm, nhà hàng người Việt…
Các khu bán buôn, quen gọi khu chợ, khu giao hàng, hay trung tâm thương mại người Việt cũng hình thành theo, khởi đầu tạm bợ từ những khu nhà cũ bỏ trống thời Đông Đức. Cũng manh nha, sơ khai như người bán lẻ.
Thời gian lao động của doanh nhân Việt thật căng thẳng bởi đa phần phải vừa làm chủ vừa làm thuê cho chính mình. Trong khi, tư bản được hiểu theo công thức “tiền” và “tiền phẩy”.
Nghĩa là bỏ x tiền ban đầu ra kinh doanh, để sau đó thu được x” tiền cao hơn, không cần trực tiếp làm. Người Việt phải kinh doanh kiểu tự hành nghề lấy công làm lãi như vậy, bởi xin việc khó khăn, không mấy hãng Đức thuê.
Có những nghề cực nhọc thức khuya dậy sớm như kinh doanh rau quả, hoa tươi, tiệm ăn chồng nấu vợ bồi…
Hết lo cho công việc, đến con cái ăn học, tới gánh nặng thân nhân, họ hàng trong nước, thiếu thời gian lo cho bản thân, cho tương lai.
Xem một bộ phim ở rạp, thưởng thức một buổi hòa nhạc – những sinh hoạt rất bình thường của người bản xứ lại xa xỉ đối với nhiều doanh nhân Việt, nói gì đến các chuyến du lịch dài ngày ra nước ngoài, đặc trưng của một xã hội tư bản hiện đại.
Vài năm tích góp được một ít tiền thì chỉ một lần về nước thăm gia đình là hết; trở sang, lại từ con số không thời khởi nghiệp.
Một khi kinh doanh luôn từ con số không như vậy thì lấy đâu ra lãi thật để đúng với nghĩa tư bản hiện đại?
Cứ thế, đến nay đã gần một phần tư thế kỷ trôi mất.
Dĩ nhiên tư bản dù sơ khai hay văn minh đều xuất hiện những doanh nhân thành công, chỉ khác nhau số lượng, độ chắc chắn, tính lành mạnh, và tương lai. Người Việt cũng vậy, không ít người thành đạt, lập được nhiều công ty lớn nhỏ, nhờ may mắn, tài giỏi “máu làm ăn”.
Một số ít nhanh nhạy chớp được cơ hội từ buổi giao thời, nay họ kinh doanh chỉ để thêm thắt, “chân trong chân ngoài” vừa được miễn thuế và các khoản trợ cấp của nhà nước, trong khi sẵn tài sản, nhà đất tích trữ trong nước tới nhiều triệu đô, cho thuê nhà, kinh doanh chứng khoán, tháng lãi tới trăm ngàn đô la là chuyện thường.
Co cụm và dần bị đào thải
Tuy nhiên, với mô hình tư bản sơ khai, hầu hết đều phải đối mặt với đào thải bởi quy luật cạnh tranh cả lành mạnh lẫn “chợ giời”.
Nhất là khi người Việt tập trung kinh doanh những mặt hàng riêng, cả giá lẫn chất lượng đều kịch sàn.
Từ khâu sản xuất tới bán lẻ hầu như gói gọn trong phạm vi giới kinh doanh người Việt, dẫn tới thị trường nhanh bão hòa do phụ thuộc khâu bán lẻ ít đầu tư, đa phần nhỏ lẻ, trong khi nhu cầu người Đức giới hạn đối với mặt hàng người Việt kinh doanh.
Bán lẻ ế, tất cả đường dây từ gốc ứ theo.
Chưa nói, trước đây các tập đoàn bán lẻ tại Đức ít “lấn sân” những mặt hàng giá rẻ người Việt kinh doanh. Thế nhưng khoảng chục năm lại đây hàng giá rẻ, chất lượng hơn hẳn, ngày một tràn ngập, từ áo quần, đến đồ tặng phẩm, vật dụng gia đình, đẩy dần cửa hàng nhỏ lẻ người Việt ra khỏi thị trường.
Hàng năm có hai mùa đại hạ giá vốn là cơ hội bán lẻ xả hàng tồn kho, đang trở thành chu kỳ người Việt bán lẻ khốn đốn vì không thể cạnh tranh với các tập đoàn.
Tương tự, vài năm lại đây Đức phát triển mạnh phương thức bán hàng qua mạng chuyển tận nhà với giá rẻ nhiều khi dưới cả mức giá cửa hàng Việt phải trả tại các khu chợ Việt bán buôn. Trong khi đó, hành trình lưu thông hàng hóa người Việt vẫn nguyên xi truyền thống, không thể hoặc không cần hoặc không chịu thay đổi.
Không thể cạnh tranh nổi với quy trình hiện đại mua tận gốc bán tận ngọn, đa quốc gia, số lượng lớn, thậm chí chỉ diễn ra trên mạng.
Nhóm người ở đâu cứ co cụm ở đó khó lòng mở mang phát triển.
Ngoại trừ số ít giàu có kể trên, hiện phần lớn các cửa hàng, quán xá, nhất là bán buôn trong các khu chợ Việt đều đang hoang mang lo lắng khi doanh thu ngày càng giảm sút theo cấp số nhân, trong khi đó các khoản chi từ tiền thuê mặt bằng, tới thuế, điện nước, lò sưởi, phụ phí, lương nhân công… ngày một tăng.
Nhiều cửa hàng cả bán lẻ lẫn giao buôn buộc phải đóng cửa gia nhập “quân đoàn 4” (tiếng lóng chỉ những người xin trợ cấp nhà nước mang tên Hartz IV do thu nhập không đủ bảo đảm cuộc sống).
Tư bản hiện đại Đức
Khác với thời sơ khai thiếu luật lệ, mạnh thắng yếu chết, tư bản hiện đại được bảo đảm bằng hành lang pháp lý, chính sách, tài chính và bộ máy thực thi. Năm ngoái, Đức có 722.285 doanh nghiệp mới, gấp tới bảy lần tổng số người Việt tại Đức.
Nghĩa là cơ hội kinh doanh luôn có sẵn. Nhà nước sinh ra có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện cho họ ra đời và phát triển.
Từ phòng công thương IHK, tới các lớp tập huấn miễn phí của hội nghề nghiệp, đến các chính sách trợ cấp bảo đảm cuộc sống, cấp vốn khởi nghiệp, ưu đãi thuế đối với người lấy lãi đầu tư…
Thế nhưng doanh nhân Việt với thực trạng sơ khai lại khép kín, không thụ hưởng được mấy tính ưu việt của nền kinh tế tư bản hiện đại đó.
Người Việt ở Đức không có cơ quan hành chính riêng để phục vụ đặc thù kinh doanh của người Việt, mà chỉ có hội đoàn thiện nguyện có thể tập hợp hỗ trợ lẫn nhau nhưng lại cũng không vượt ra khỏi nền tảng ý thức xã hội tư bản sơ khai của mình.
Tính từ khi Đức thống nhất tới nay đã 25 năm, mới thành lập Liên hiệp người Việt ở Đức ba năm trước.
Nhưng từ đó đến nay cứ chìm đắm trong kiện tụng triền miên.
Cũng đã ít nhiều hội đoàn địa phương tổ chức được các buổi hội thảo, mời chuyên gia tư vấn chính sách thuế khóa, lao động, trợ cấp, hòa nhập. Nhưng xưa nay hiếm chuyện phát triển rộng khắp hoặc liên kết ở cấp toàn cộng đồng, tư vấn chuyên sâu, kết hợp các ngân hàng, quỹ đầu tư, hòa nhập với cộng đồng doanh nghiệp Đức.
Chỉ hy vọng, qua cú sốc kinh doanh hụt hẫng, nước đã tới chân như hiện nay, sẽ buộc các doanh nghiệp Việt phải “nhảy”, phải hòa nhập để tự cứu mình nhờ nền tảng sẵn có từ nước Đức tư bản hiện đại.
Nguyễn Sỹ Phương – Trần Mạnh Thái (CHLB Đức)
Nguồn: BBC Vietnamese/thesaigontimes