Từng trải qua 1 lần sinh nở và hiện đang mang thai đứa con thứ 2, chị Quynh Le, 36 tuổi, 1 người mẹ gốc Việt hiện đang sống tại Wiesbaden thuộc bang Hessen, Cộng Hoà Liên Bang Đức cho biết đứa con thứ 2 này của chị cũng sẽ được sinh tại đây.
Bà mẹ 2 con – Quynh Le hiện đang sống tại Đức.
Với những trải nghiệm của mình, mẹ bầu Quynh Le cho biết mang thai ở nước Đức khác xa hoàn toàn với câu chuyện sinh nở ở Việt Nam từ khám thai, chế độ ăn uống, chăm sóc… cho tới việc đi sinh.
Chuyện khám thai ở Đức và bà mụ gỡ rối
Sự khác biệt lớn nhất khi mang bầu tại Đức với Việt nam phải kể đến đầu tiên là các cuộc hẹn với bác sĩ. Ở Đức mỗi công dân đều có một bác sĩ riêng: Nha sĩ, bác sĩ phụ khoa,…. và khi mang bầu, bác sĩ đó sẽ theo dõi hết quá trình mang thai, có nhiều nơi, họ cũng sẽ là người trực tiếp tham gia ca sinh chứ không phải chỉ đến ngày khám, ngày dự sinh cả nhà mới dắt díu nhau tới bệnh viện như ở Việt Nam.
Vì vậy, với người con trai thứ nhất và cả đứa con thứ hai đang mang trong bụng của chị đều được một bác sĩ chăm sóc và kiểm tra. Điều này rất thuận tiện trong việc lưu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
Chị cho biết, ở Đức các cuộc hẹn với bác sĩ không phải do chúng ta quyết định, mà đều được ghi trên lịch đặt khám. Đã hẹn ngày nào thì cứ theo hẹn để đến khám và có quy trình đầy đủ. Trường hợp khẩn cấp sản phụ cũng có thể gọi điện trước khi đến vì không có lịch sẽ phải ngồi chờ rất lâu bởi người Đức nổi tiếng ở thói quen đúng hẹn, đúng giờ.
Cả 2 con của chị đều được khám và theo dõi bởi bác sĩ gia đình.
Nếu ở Việt Nam khi mang thai các mẹ sẽ tìm tới những người có kinh nghiệm, thường là bà, mẹ hay chị gái để tham khảo về cách chăm sóc con, chế độ ăn uống, thì ở Đức trong những tuần đầu tiên của thai kỳ bạn phải liên hệ với bà mụ (hebamme), người sẽ giúp cả mẹ lẫn con bạn khi sinh.
“Bà mụ sẽ đến kiểm tra sức khoẻ của bạn, con bạn, dạy bạn tắm, thay bỉm, cho con bú, chăm sóc cho em bé và tất cả các kiến thức cần thiết khác. Điều này tôi thấy rất khoa học và làm cho bản thân vững vàng với người con đầu khi tôi chưa có chút kinh nghiệm làm mẹ”, chị chia sẻ.
Các lớp học “lên chức” cho cha mẹ, anh chị, người thân trong gia đình
Đặc biệt, ở Đức các bệnh viện, khoa sản thường có tổ chức các buổi diễn dàn thông tin khoa sản trong bệnh viện và các khoá học khác nhau dành cho bố mẹ, người thân trong gia đình. Trong đó, có một khoá học chị Quynh Le thấy rất đáng yêu là “khoá học làm anh/ làm chị” cho các bé ngoài 2 tuổi trở lên, sắp được “lên chức”.
Theo lời chị, trong khoá học này bé được học như người lớn. Bác sĩ cho bé xem hình ảnh người mẹ mang thai và sau đó em bé chui ra thế nào. Đồng thời con cũng được học cách chơi với em bé, chăm sóc em cơ bản và giảng giải tại sao em bé khóc, khi đó thì anh chị giúp em bé thế nào.
“Tôi thực sự thích thú khoá học này và con trai tôi rất háo hức trong việc được làm anh trai. Ngày nào cũng hỏi mẹ “mẹ ơi, bao giờ Amie chui ra. Con cho em bé ti giả mẹ nhé”. Khiến tôi không thể ngờ được với tuổi ngoài lên 2 mà với sự giáo dục đó, trẻ em đã có trách nhiệm với việc làm cũng như với người bé hơn mình. Chứ không hề ghen tức với em”, chị cho biết,
Con trai đầu của chị rất hào hứng với cương vị mới nhờ lớp học làm anh do bệnh viện tổ chức.
Mang thai người con thứ hai, cũng là lúc chị chạm ngưỡng 36 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều thủ tục kiểm tra hơn vì mang thai từ tuổi ngoài 36, tỉ lệ rủi ro cao hơn. Ở Đức bác sĩ làm khá nghiêm ngặt để kiểm soát và bảo đảm cho em bé được khỏe mạnh. Việc ăn uống trong thời kỳ mang thai vì thế khá khác biệt.
Chị kể, đối với phụ nữ Châu Á như chị, bác sĩ luôn khuyên làm cách nào để “con không quá to” và dễ sinh thường thay vì phải sinh con thật nặng cân, ăn thật nhiều chất.
“Trong khi nhiều mẹ Việt mong muốn “ăn vào con, không vào mẹ” để sinh được con to, tôi nhớ với người con đầu của mình, quá ngày dự sinh 5 ngày, bác sĩ của tôi gửi giấy báo lên viện để cho tôi được phép “sinh sớm” (bên đây quá ngày dự sinh 10 ngày mới được can thiệp) chỉ vì khi xem cân nặng của em bé ngoài tuần 40 là 3.8kg cô đã cho là khá to và ảnh hưởng đến việc sinh thường của tôi. Ở bệnh viện tôi cũng phải điền rất nhiều giấy tờ để được kích đẻ. Chính vì vậy, chế độ ăn được kiểm soát kĩ hơn”, chị nhớ lại lần sinh đầu.
Mang thai bé đầu, chị Quynh Le phải kích đẻ trước cơn chuyển dạ vì bác sĩ lo bé quá to mẹ không sinh thường được.
Khi mang bầu bé thứ hai, chị Quynh Le bị tiểu đường thai kỳ. Chị ngay lập tức được gặp chuyên gia dinh dưỡng và tiểu đường thai kỳ để học lớp về chế độ ăn, đồng thời được phát máy đo tiểu đường để kiểm soát ngay lập tức.
“Điều này tôi thấy khá khác biệt với Việt nam vì tôi cũng có cô bạn thân đang bị tiểu đường giống mình. Mỗi tháng tôi gặp bác sĩ tiểu đường 1 lần để trao đổi và xem kết quả đồng thời lịch hẹn sẽ dày hơn khi gần đến ngày sinh”, chị Quynh Le chia sẻ.
Chế độ dinh dưỡng khoa học, không kiêng khem
Khẳng định vị thế quan trọng của việc ăn uống cũng như bổ sung vitamin bầu, theo chị việc chia nhỏ bữa ăn khi đang mang thai là rất cần thiết.
Hàng ngày chị ăn theo thực đơn: “Có ba bữa chính (sáng/ trưa/ tối) và hai đến ba bữa phụ. Trong bữa ăn cần đầy đủ: Tinh bột, đạm và rau xanh. Tinh bột như cơm, gạo, khoai, bánh mỳ rất cần thiết cho việc sản sinh năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày. Đạm như thịt cá, đậu phụ, đậu đỗ… và quan trọng là lượng rau xanh luôn gấp đôi với đạm và tinh bột.”
Trái lại, không cần kiêng khem nhiều thứ như cách các bà mẹ Việt vẫn đang làm hàng ngày, với chế độ ăn khoa học, chị chỉ tránh ăn những thức phẩm sống, pate, cá hàm lượng thủy ngân cao, các loại phomai tươi.
“Trong bữa phụ thường là hoa quả, sữa chua không đường. Ví dụ sau giờ ăn chính khoảng hơn hai tiếng tôi thường ăn 1 quả chuối hoặc 1 quả táo, hoặc 1 miếng socola đen hàm lượng ca cao từ 70% trở lên, các loại hạt trộn với sữa chua”, chị nói.
Việc chia thành nhiều bữa nhỏ luôn đảm bảo năng lượng cho cơ thể cũng như tránh việc quá đầy bụng sau khi ăn, đặc biệt trong những thời kỳ cuối của thai kỳ, em bé đã chiếm gần hết chỗ trong bụng mẹ. Bên cạnh đó chị khẳng định bản thân chưa bao giờ uống sữa bầu và hầu hết những người bạn Đức của chị bên này cũng vậy.
Nguồn: Khám phá