Nếu bạn muốn khám phá Berlin qua bài viết này của tôi thì…đừng đọc, bởi bài viết này chỉ là những cảm xúc của tôi về Berlin, về những mảng màu kí ức ở thành phố từng khiến tôi đôi ba lần phải rơi nước mắt. Nhưng mà, rốt cuộc, tôi vẫn rất yêu!
“Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên” (Trịnh Công Sơn)
Berlin không phải là nơi để nhớ, cũng chẳng phải là miền để thương.
Nhưng Berlin là nơi tôi dừng chân nhiều nhất trong những thành phố ở Đức mà mình đã đi qua.
Thật lạ! Đôi khi vẫn tự hỏi có điều gì ở Berlin lại có thể níu giữ chân bước chân tôi bao lần đến thế. Vẫn nhớ như in kỉ niệm của hơn 12 năm về trước khi lần đầu tiên đặt chân tới Berlin trong một chiều mùa thu ngập nắng giữa thành phố xa lạ không người quen, tự nhiên thấy lòng cô độc và thèm „trở về nhà“.
Lúc đó không ý thức được rằng thật ra nước Đức bây giờ đã là “nhà“, bởi ngay cả bản thân mình lúc đó có bao giờ nghĩ là sẽ ở lại mãi mãi trên “quê hương nơi xứ lạ“ này đâu.
Ngày bước chân lên máy bay, vẫn hoài niệm ngày trở về, bởi nơi đó có bố mẹ, có em, có một mối tình học trò đầy trong sáng.
Nhưng rồi cuộc sống đã đưa tôi đến một con đường khác, mênh mông hơn, sáng lạng hơn và dĩ nhiên, cũng cô đơn nhiều hơn. Nỗi cô đơn đó hơn mười hai năm qua vẫn gắn vào tôi như một phần máu thịt, không phải lúc nào nó cũng làm tôi nhói đau nhưng nó vẫn ở nguyên đó và lùa vào lòng trong những đêm gió trở mùa thao thức.
Sáng nay đi bộ ra quán cafe nằm ngay ở quảng trường Alexander nhâm nhi ly cafe đen không đường, không sữa, tự nhiên thấy môi mình mặn đắng.
Đắng như kỉ niệm ngày nào lang thang giữa Berlin lúc 5h sáng sau khi viết xong bài báo cuối cùng với vai trò là Thư ký tòa soạn của một tờ báo mà mình từng nâng niu với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Nước mắt lặng lẽ rơi cho những điều gọi là “cuộc sống“.
Berlin không một bóng người trên phố, họa chăng chỉ là những kẻ nửa tỉnh nửa say. Một mình bước, một mình đi. Nghĩ lại thấy mình sao ngày ấy lại có thể can đảm đến vậy, điều mà bây giờ khi đã lớn thêm được một chút tôi đã hiểu đó là sự dại dột và sẽ không bao giờ làm như thế nữa.
Người khác có thể không thương mình, nhưng tôi phải biết yêu thương mình bằng một niềm tin tuyệt đối.
Berlin cũng là nơi tôi đứng khóc một mình dưới chân cột đồng hồ thế giới khi nhìn thấy một gia đình người Việt ríu rít bên nhau. Những kí ức tuổi thơ ùa về choán đầy kí ức, nỗi nhớ ba mẹ như cào xé trái tim.
Cũng thật lạ. Lại tự trách bản thân sao nhạy cảm đến thế.
Nhưng biết làm thế nào được khi trái tim và lý trí chưa bao giờ „thỏa thuận“ cùng nhau.
Bạn có lần nói: “Lớn rồi, hãy biết giữ gìn những cảm xúc đi em. Đừng để cho nó rơi tự do nhiều như vậy nữa“. Nhưng hình như chẳng bao giờ tôi thấy mình làm được điều đó trọn vẹn.
Ám ảnh trong kí ức tôi những kỉ niệm về Berlin không chỉ là thiên nhiên, con người mà còn là những mảnh đời, số phận.
Tôi không quên người phụ nữ đã nắm chặt bàn tay tôi khóc trong một đêm mùa đông ẩm ướt và kể cho tôi nghe về cuộc đời cô, về nỗi khổ bệnh tật, về những lần phản bội của chồng, về những đêm cô lang thang một mình trên phố trong những đêm tuyết rơi đầy mà chẳng muốn về nhà tổ ấm đó bây giờ còn lạnh hơn bầu trời đầy tuyết phủ ngoài kia.
Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau sau khi đã được nghe kể về nhau khá lâu.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao cô lại tin tôi nhiều đến thế. Tôi nằm bên siết chặt đôi bàn tay và lắng nghe những lời cô thổn thức. Tôi không biết mình phải nói gì lúc đó, bởi „bỏ chồng“ là điều tôi không thể khuyên cô, dù nếu là tôi, có lẽ tôi đã bước ra khỏi căn nhà ấy từ rất lâu.
Nhưng tôi biết cô sẽ không làm thế.
Cô tha thứ cho người mà cô vẫn trìu mến gọi bằng chồng, cho dù ngọn lửa hạnh phúc đã tàn và tro cũng đã lạnh từ lâu.
Đôi khi tôi vẫn tự hỏi cô sẽ sống như thế nào suốt quãng đời còn lại và liệu có bao giờ cô tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống nữa không?
Ngày gặp cô lần cuối trong một bữa tiệc, tôi vẫn thấy cô sánh vai cùng chú, chúng tôi hỏi nhau đôi ba điều thân thuộc.
Đôi mắt cô vẫn buồn vời vợi, tôi đã ngăn mình và không dám hỏi: „Cô ơi, bây giờ cô đã hạnh phúc chưa?“
Một năm sau đó, cũng trong một ngày tháng ba trắng màu tuyết phủ, tôi trở lại Berlin và theo chân Thủy tới gia đình một người bạn dùng bữa tối.
Khi đến nhà anh chị, hình ảnh hai đứa trẻ bị tật bẩm sinh, không đứng và đi được, cũng không thể cất lên tiếng nói, nhưng đôi môi lúc nào cũng nhoẻn miệng cười, tôi đã phải quay đi giấu những giọt nước mắt vào lòng.
Ngồi ôm P – đứa con trai nhỏ của chị trong vòng tay mình, tự nhiên tôi thấy tim mình đập mạnh và có một cái gì đó nhói đau, dù bên cạnh tôi, mọi người vẫn say sưa hát những giai điệu quê hương ngọt ngào và những tiếng cười vẫn vang lên sau mỗi câu hài tếu.
Tôi biết, để có nhữn giây phút được cưởi sảng khoái như thế này, anh chị đã không biết bao nhiêu lần phải nuốt ngược nước mắt vào trong.
Hơn một lần chị nói với tôi: „Cuộc đời thật nghiệt ngã với chị khi sinh ra hai đứa con mà cho đến bây giờ vẫn chưa một lần được nghe chúng gọi Mẹ ơi“.
Tự nhiên nước mắt tôi lại chảy dài. Berlin luôn làm tôi phải khóc. Không phải lỗi tại Berlin. Cũng chẳng phải tại những con người nơi ấy. Mà bởi mỗi lần tới nơi này, tôi luôn có quá nhiều cảm xúc.
Nhiều lúc tôi ước giá như mình có thể “thờ ơ“ với những điều quanh mình hơn môt chút, biết đâu mình sẽ đỡ khắc khoải nhiều hơn. Nhưng trái tim tôi không là sỏi đá. Mà sỏi đá ngàn năm nước chảy cũng mòn, huống chi là tâm hồn một cô gái đa cảm…
Chiều nay lang thang một mình qua những con phố nhỏ ở Berlin và đứng ở một góc lạ xa nhìn dòng người qua lại, tự nhiên tôi thấy nhớ một người da diết.
Berlin thực ra rất rộng, nhưng cũng nhỏ đến vô cùng. Nhỏ đến nỗi hai trái tim từng một thời thao thức vì nhau nay “tự nhiên“ gặp lại.
Không còn những nụ hôn, cũng chẳng còn những cái ôm ấm áp, khoảng cách gần nhau đến nỗi người này chỉ cần nhấc một cánh tay sang một bên là đã có thể chạm vào da thịt nhau.
Nhưng không ai làm điều đó. Ngoài nụ cười, ngoài những lời hỏi thăm xã giao, không một ai nhắc về ngày xưa.
Cứ bình thản với nhau như vậy và không hối tiếc khi nhớ về một nơi không thuộc về mình, có lẽ đó cũng là một hạnh phúc rồi. Đừng đòi hỏi ở nhau, ở cuộc sống quá nhiều khi đã lựa chọn những con đường bước về phía không nhau.
Chỉ mong, vài mươi năm nữa nếu vẫn còn có duyên gặp lại, thì cũng vẫn có thể nhìn nhau cười mà nói: Ừ thì đó, ngày xưa!
“Ngày ra đi với gió
Ta nghe tình đổi mùa
Rừng đông rơi chiếc lá
Ta cười với âm u…”
Tiếng hát Khánh Ly vang lên từ chiếc MP3 khiến tôi dừng lại và mỉm cười, chợt nhận ra phía trước mình đã là quảng trường Alexander.
Tháng 3, gió không hát những bài tình ca biết yêu ở thành phố này.
Nhưng tôi vẫn mến Berlin. Thực ra trong đời, buồn vui luôn là điều phải có. Những niềm vui khiến ta rạo rực, những nỗi buồn khiến ta trầm tư, suy ngẫm. Nhưng dù là buồn hay là vui, thì tất cả rồi cũng sẽ trôi đi cùng năm tháng, chỉ có những kí ức đẹp là ở lại. Là điều mà người ta tự tâm muốn nhớ.
Bài viết trong cuốn sách "Berlin Và Những Mùa Ru Ký Ức" của Tác giả: Hoàng Yến Anh