Sáng sớm vừa mới ngủ dậy đã thấy mấy cuộc gọi nhỡ của người thân từ Việt Nam lo lắng hỏi xem tình hình COVID-19 ở bên này như thế nào, sau khi nghe thấy số người nhiễm bệnh đã lên đến hàng nghìn người.
Trái ngược với những tuần trước đó liên tục gọi điện về Việt Nam để cập nhật diễn biến của dịch ở nhà như thế nào.
Mới cuối tuần trước còn chạy đi mấy hiệu thuốc để mua khẩu trang, chắc mẩm thế nào các hiệu thuốc cũng phải có giữa lúc dịch COVID-19 đang lan rộng, nhưng đến đâu cũng không có. Không có không phải vì hết hàng, mà vì các cửa hàng thuốc ở đây chẳng mấy khi bán loại mặt hàng khẩu trang này.
Có lẽ người dân châu Âu quá quen với bầu không khí trong lành, không khói bụi nên chẳng có ai quen với việc dùng khẩu trang như ở Việt Nam và các nước châu Á. Thậm chí khi thông tin về dịch bệnh tăng lên, dường như vẫn có sự bình tĩnh lạ thường.
Những cảnh tượng hoang vắng tới xa lạ xuất hiện trên đường phố châu Âu. Ảnh: BI
Nói chuyện với chị đồng nghiệp người địa phương trong văn phòng, dường như chẳng thấy có sự lo ngại gì.
Đối với chị và nhiều người khác, COVID-19 cũng chỉ như bệnh cúm thông thường hằng năm cũng cướp đi sinh mạng của hàng trăm, hàng nghìn người ở đây; và hơn nữa chỉ những người già lớn tuổi có bệnh lý mới cần được chú ý trong dịch bệnh này.
Nhưng mọi sự bỗng thay đổi khi con số người nhiễm bệnh đột ngột tăng lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mỗi sáng thức dậy.
Những người dân châu Âu vốn không quen với việc bị phong tỏa và vốn nhìn những gì diễn ra ở Vũ Hán tháng trước với ánh mắt xa lạ thì nay đột nhiên bỗng thấy mình rơi vào những tình cảnh tương tự.
Trước những biến cố đột ngột đó, từ tâm lý người dân đến cách hành xử của chính quyền ở các nước châu Âu cũng bắt đầu lặp lại những gì đã diễn ra tại các nước châu Á.
Bắt đầu có những hiện tượng mua tích trữ đồ tại siêu thị, xuất hiện những hàng dài người xếp hàng mua đồ và những kệ hàng trống trơn. Và sự lo lắng cho sức khỏe của bản thân lẫn khả năng hệ thống y tế vỡ trận đã xuất hiện trên gương mặt của mỗi người.
Dù nổi tiếng là những người có bản tính phóng khoáng, ít chịu sự ràng buộc bởi luật lệ, những người dân Tây Ban Nha và Ý đã khép mình vào tuân thủ các biện pháp phong tỏa của chính quyền một cách tự nguyện, đáng ngạc nhiên.
Những cái hôn má khi gặp nhau đã không còn nữa và lần đầu tiên những người gốc Á ở đây không còn lo thấy mình lạc lõng khi đeo khẩu trang ra đường, khi chính những người bản địa bắt đầu có thói quen này.
Và cách xử lý của chính quyền đối với dịch bệnh cũng không thể theo cách nào khác ngoài những phương thức đã có. Bắt đầu từ Ý, chính phủ đã áp dụng các biện pháp cô lập như ở Vũ Hán. Còn tại Pháp, Tây Ban Nha... cũng phong tỏa toàn bộ lãnh thổ.
Khối Schengen, biểu tượng của sự tự do đi lại và niềm tự hào của các nước Liên minh châu Âu, lần đầu tiên buộc phải đóng cửa biên giới.
Trong một thế giới kết nối như ngày nay, khả năng dịch lây lan là điều không tránh khỏi. Các nước châu Âu dù có lẽ đã thấm thía được bài học này khi không đánh giá đúng khả năng lan truyền của đại dịch và buộc phải hành động quyết liệt với những biện pháp chưa từng có.
Với hệ thống y tế sẵn có, nguồn lực dồi dào và hơn nữa với sự hiểu biết về COVID-19, nên mọi người đều hi vọng thời kỳ đen tối này sẽ sớm chấm dứt.
Còn với các anh chị em Việt Nam bên này bỗng cảm nhận được sự lo lắng của người thân ở Việt Nam cho mình, chỉ mong dịch bệnh sớm chấm dứt để công việc làm ăn trở lại bình thường và việc giao thương giữa Việt Nam với châu Âu không còn bị khó khăn nữa.
TÔ HOÀNG (Madrid, Tây Ban Nha)
Báo Tuổi trẻ