Thái Ngọc Bảo Trâm chính là người đồng sáng lập Mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam tại châu Âu (VSNE) và là thành viên trong Ban Chấp hành Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Được thành lập với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và mong muốn tạo ra một mạng lưới khởi nghiệp cho người Việt tại châu Âu, tổ chức VSNE của chị thường xuyên tổ chức các sân chơi về khởi nghiệp trong cộng đồng người trẻ gốc Việt đang sinh sống và học tập tại châu Âu.
Còn Hạnh Nguyễn Schwanke là người đã sáng lập Nhà xuất bản song ngữ Việt – Đức HORAMI, từng phát hành cuốn Từ điển Việt – Đức bằng tranh đầu tiên dành cho lứa tuổi thiếu nhi tại Đức mang tên “Meine kleine Welt/Thế giới quanh em” với nguyện vọng giúp các em nhỏ yêu tiếng Việt và hiểu biết thêm về đất nước Việt Nam.
Cuộc sống đảo lộn, công việc ngừng trệ vì dịch bệnh cũng là lúc hai người bạn, hai doanh nhân năng động không muốn ngồi yên mà họ cùng thực hiện một công việc mới nhằm kêu gọi người Việt cùng nhau ở nhà để cắt đứt chuỗi lây nhiễm và đẩy lùi dịch Covid-19…
Chia sẻ thông tin #Hãy ở nhà
Thái Ngọc Bảo Trâm cho biết, hiện nay đang là thời điểm nghiêm trọng và quyết định để ngăn chặn sự phát triển của dịch Covid-19. Và cách hiệu quả duy nhất là ở nhà – một hành động tưởng chừng như dễ nhưng rất khó và cần sự ý thức của từng cá nhân, sự đoàn kết của cả cộng đồng và cả một quốc gia.
Theo chị, chính sự hiểu biết và thường xuyên cập nhật thông tin là nguồn sức mạnh giúp cho con người vượt qua sợ hãi, tăng thêm sự tự tin, cùng nhau vượt qua giai đoạn đại dịch. Vì thế, chị đã cùng chị Hạnh Nguyễn Schwanke tạo ra một cộng đồng kết nối và hỗ trợ lẫn nhau bằng sự hiểu biết, sự tâm huyết và chia sẻ thông tin.
Chị Thái Ngọc Bảo Trâm và chị Hạnh Nguyễn Schwanke (từ trái qua). (Ảnh: NVCC)
Không thực hiện bằng việc hô hào suông, ý tưởng trên đã được hai chị bắt tay thực hiện và cổng thông tin #Hãy ở nhà nhanh chóng được ra đời. Tại đây, tất cả các thông tin về dịch bệnh, những ảnh hưởng liên quan đến luật, kinh tế và cuộc sống gia đình dành cho cộng đồng người Việt được cập nhật thường xuyên dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia kinh tế và các bác sĩ gốc Việt.
Đó là những thông tin chính thống đến từ Chính phủ và Nhà nước Việt Nam, thông tin y tế và sức khỏe (nơi tổng hợp các kiến thức, lời khuyên và chia sẻ của các bác sĩ chuyên môn về vấn đề ứng phó và ngăn ngừa Covid-19), thông tin dành cho doanh nghiệp (nơi tổng hợp các thông tin và tư vấn của các chuyên viên kinh tế như đặt đơn xin hỗ trợ doanh nghiệp, cách đối phó về việc cắt giảm công nhân, cắt giảm đóng thuế).
Ngoài ra, trên cổng thông tin #Hãy ở nhà còn có thông tin dành cho sinh viên (tổng hợp các thông tin về việc học trực tuyến, sinh viên hỗ trợ sinh viên, kết nối sinh viên hỗ trợ cộng đồng người Việt trong phiên dịch khám bác sĩ) và thông tin dành cho gia đình (tổng hợp các chia sẻ của phụ huynh về việc học và chơi cùng con trong thời gian nghỉ học tại nhà).
Chiến dịch của sự đồng tâm
Mới khởi động được hai tuần nay, nhưng #Hãy ở nhà đã may mắn quy tụ được sự hỗ trợ ủa nhiều bác sĩ, các chuyên gia kinh tế gốc Việt tại Đức chia sẻ những thông tin và lời khuyên đến cộng đồng người Việt tại Đức. Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, các chị đã tổ chức các buổi livetream với các bác sĩ gốc Việt nhằm chia sẻ những lời khuyên hữu ích cho bà con trong cộng đồng trong mùa dịch bệnh.
Cộng đồng người Việt luôn được hỗ trợ bởi đội ngũ y, bác sĩ Việt tại Đức. (Ảnh; NVCC)
Mới đây, Nhà xuất bản HORAMI của chị Hạnh Nguyễn Schwanke đã có cuộc chia sẻ với Tiến sĩ, Bác sĩ gốc Việt nối tiếng Tạ Thị Minh Tâm về những thay đổi tâm lý khi ở nhà và việc đeo khẩu trang trong mùa dịch Covid-19. Trong buổi trò chuyện, bác sĩ Tạ Thị Minh Tâm chia sẻ những diễn biến tâm lý thay đổi khi chúng ta cách ly vật lý trong thời gian dài, cũng như sự khác biệt trong những thay đổi tâm lý giữa nam và nữ để thích ứng.
Bác sĩ Tâm cũng đề cập đến những biểu hiện áp lực, căng thẳng của trẻ nhỏ khi phải ở nhà thời gian quá lâu. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chia sẻ những lời khuyên về việc giữ một tinh thần lạc quan, cùng đoàn kết chống lại bệnh dịch và việc đeo khẩu trang chính là chúng ta đang bảo vệ người khác và khẳng định “mỗi người là một chiến sĩ trong cuộc chiến Covid-19”.
Nhấn mạnh việc xây dựng cổng thông tin #Hãy ở nhà chỉ là một trong những hành động nhỏ góp sức cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, nhưng Thái Ngọc Bảo Trâm và chị Hạnh Nguyễn Schwanke cũng khẳng định, chiến dịch này còn thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Việt với nước Đức. “Đó là một cách mà cộng đồng người Việt cảm ơn quê hương thứ hai của mình”, các chị chia sẻ.
Nguồn: Báo Quốc tế