Cộng đồng người Việt tại Đức hiện có khoảng hơn 170.000 người đang sinh sống, làm việc và có nhiều đóng góp nhất định cho sự phát triển của nước sở tại
Cộng đồng người Việt tại Đức được thành lập hơn 40 năm, có nhiều thăng trầm, nhưng đến nay nhìn chung đã xây dựng được cuộc sống bình yên, hòa nhập trên đất Đức.
Đặc biệt trong cộng đồng, có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã khẳng định được dấu ấn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của nước sở tại.
Theo thống kê, có hơn 8.000 doanh nghiệp của người Việt trên toàn nước Đức với các ngành nghề kinh doanh từ thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, sản xuất nhỏ…
Tập đoàn Thăng Long-một trong những tập đoàn hàng đầu của người Việt. Hiện đây là tập đoàn lớn, đã và đang khẳng định được thương hiệu tại Đức.
Nghị sĩ Nguyễn Đắc Nghiệp và Chủ tịch Đảng CDU, Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: Baodantri)
Ông Nguyễn Bình Định, một doanh nhân nổi tiếng với chuỗi nhà hàng món ăn nhanh Việt Nam trên đất Đức mang tên “Mr Bình Định” cho biết: qua những trào lưu kinh doanh của người Việt, từ làm nhà hàng châu Á, bán hoa quả ở chợ, buôn bán sản xuất quần áo, thì ngày nay mở nhà hàng Việt Nam đang phát triển, do người Đức cũng như thế giới đã biết về món ăn Việt Nam nhiều hơn. Và sự thành công của người Việt trên đất Đức, có được qua bao mồ hôi khó nhọc, nhờ tính cần cù chăm chỉ, nhẫn nại và chịu khó học hỏi không ngừng.
Ông Định nhấn mạnh: “Tôi nghĩ bất kể ai, mình là người Việt Nam có thể chưa giàu có thể chưa bằng người ta nhưng cũng làm được mọi việc như người ta. Nếu chưa biết thì mình đi học,đó là chuyện bình thường.”
Nhiều ý kiến của báo chí, giới chính trị gia Đức nhận xét người Việt hội nhập vào xã hội sở tại khá tốt. Có những người gốc Việt đã thành công trên con đường chính trị tại đây, dù không sinh ra, lớn lên trên đất mước này. Ông Nguyễn Đắc Nghiệp thành viên đảng CDU, đảng lớn nhất cầm quyền tại Đức. Ông đã trở thành người Đức gốc Việt đầu tiên đắc cử 5 nhiệm kỳ liên tục trong chính quyền của Đức nói chung và thành phố Thale nói riêng khi tuyên thệ nhậm chức thêm 1 nhiệm kỳ 5 năm (2019-2024).
Đây là một trường hợp đặc biệt hiếm hoi trong lịch sử bầu cử của Ban lãnh đạo Đảng CDU tại thành phố này. Ông Nguyễn Đắc Nghiệp từng là kỹ sư âm thanh nhiều năm tại Nhạc viện Hà Nội trước khi qua Đức. Ông là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại thành phố Thale và các vùng phụ cận, Tổng thư ký Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Tham tán, Phạm Văn Mích, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Đức trao tặng Giấy khen cho Tập đoàn Thăng Long-một trong những tập đoàn hàng đầu của người Việt ở Đức (Ảnh: VOV)
Ông Lê Quang Vinh, một đầu bếp Việt Nam sinh sống tại vùng Hatz, Wenigerode kể lại, những nghị sĩ như ông Nguyễn Đắc Nghiệp có đóng góp rất lớn vào công cuộc kết nối hợp tác phát triển giữa hai nước:
“Tôi đang sống vùng Hatz, hiện nay anh Trần Đăng Nghiệp nghị sĩ đảng CDU luôn đứng ra tổ chức các hội nghị, liên kết, hiện nay đang liên kết giữa trường Đại học Leipzig và và thành phố Hồ Chí Minh. Trước kia anh Nghiệp đã từng ở Đức, năm 1987 khi quay lại anh cũng giúp đỡ rất nhiều cộng đồng người Việt tại Đức.
Đặc biệt vùng Hatz có tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa giữa người Đức và người Việt. Hằng năm thành phố chúng tôi Wenigerode liên kết với thành phố Hội An cũng tổ chức giao lưu văn hóa giữa hai nước, Đức thì sang Hội An, và Hội An sang thành phố Wenigerode để tổ chức các chương trình văn hóa giao lưu. Chính vì thế mà người Đức, người Việt Nam đều hiểu biết hơn về nhau.”
Ông Nguyễn Bình Định với thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh Việt Nam mang tên Mr Bình Định (Ảnh: VOV)
Khi tổ chức thành các hội đoàn để gìn giữ văn hóa truyền thống, gặp gỡ, tương trợ nhau, người Việt vẫn tích cực hòa nhập vào xã hội Đức.
Hiện nay, có khoảng hơn 80 Hội đoàn với các quy mô khác nhau trên toàn nước Đức. Các hội doàn này ngoài các hoạt động giúp duy trì tình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, hòa nhập vào nước sở tại, thì cũng tích cực hướng về quê hương trong nhiều hoạt động từ thiện, kết nối hợp tác.
Niềm tự hào của người Việt sinh sống tại phương tây nói chung, và nước Đức nói riêng, còn là thế hệ thứ hai, thứ ba. Bạn Trương Hoàng Hải Yến, chia sẻ trên một diễn đàn về du học Đức: “Điều mình nhận ra là người Đức thật sự rất kính nể người Việt Nam. Họ cũng không ngại dành lời khen tặng và nói thẳng với mình. Trong mắt họ người Việt Nam chúng ta học rất giỏi. Học sinh người gốc Việt chúng ta có số đầu vào trường chuyên nhiều nhất (trong số các người nước ngoài ở Đức). Học sinh người Việt đỗ vào các trường chuyên đạt tới 50%, thành tích cao nhất trong cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Đức”.
Nguồn: Báo Thời Đại