Trung tâm Thương mại Đồng Xuân trong dịch COVID-19
CHỢ ĐỒNG XUÂN VÀ Ý THỨC CỦA NGƯỜI VIỆT
Vào đúng giờ cao điểm một ngày thường – thứ Sáu ngày 27/3, Trung tâm Thương mại Đồng Xuân (người Việt thường gọi cái tên thân mật chợ Đồng Xuân) - nơi buôn bán sầm uất nhất của người Việt tại Đức – lại rất vắng vẻ. Thi thoảng một vài chiếc xe con, vài người đi tàu điện đến rồi hối hả rời đi. Họ đến chủ yếu mua đồ châu Á.
Tại các gian hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cũng hạn chế. Nhân viên thu ngân và phục vụ cũng không nhiều. Khách hàng ít nên khoảng cách tối thiểu được thực hiện. Nhiều người đeo khẩu trang, nhưng chủ yếu là người Việt mình, khách tây hầu như không dùng.
Đặc biệt, tại cửa hàng Á châu 24 có nhiều giấy vệ sinh trong khi rất nhiều người lùng thứ này tại các siêu thị của Đức mà không có vì đã hết hàng.
Tại đây, tôi tình cờ gặp cô Vũ Thị Thanh Hà – giáo viên dạy múa trường tiếng Việt Sao Mai. Vừa nhìn thấy nhau, cô đã lên tiếng:
Cách ly! Cách ly! Sau vài phút trao đổi nhanh, Thanh Hà bảo "anh có dùng khẩu trang không", rồi dí vào tay dễ đến chục cái. Hỏi, "sao em đem nhiều thế?", cô bảo có một bác sỹ là khách hàng làm móng quen thuộc biết nhiều người, trong đó có người Việt, muốn mua mà không có, nên bà đặt hàng và đem tặng cho một hộp.
Hà đến chợ Đồng Xuân không chỉ mua hàng, mà còn mong muốn tặng lại những người quen thân, không chỉ khẩu trang mà cả găng tay nữa. Tặng vì nhà có mấy mẹ con dùng không hết trong khi người khác chưa có.
Vài câu trao đổi rồi cô cũng lên xe rời khỏi chợ nhanh nhất có thể.
Các dãy cửa hàng trong Chợ Đồng Xuân vắng vẻ chưa từng có
Báo Thanh niên của Việt Nam đưa tin sáng 27/3, theo số liệu thống kê mới nhất từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 21h ngày 26/3 (giờ Berlin), trên cả nước Đức đã ghi nhận 43.211 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 262 ca tử vong.
Tỷ lệ tử vong đối với người nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện là khoảng 0,5%, đây là một con số tương đối thấp, đáng ngạc nhiên khi so sánh với các quốc gia khác.
Trước đó, do diễn biến của dịch Covid 19 trở nên trầm trọng và phức tạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, phải thắt chặt các biện pháp chống lây nhiễm và khuyến khích người dân "giảm tiếp xúc với người khác nhiều nhất có thể".
Theo đó, "Đức cấm tụ tập trên 2 người", trừ trường hợp là người trong gia đình hoặc người sống cùng một nhà; hoặc bắt buộc phải gặp nhau vì lý do công việc, nghề nghiệp, kiểm tra hay giám sát. Mọi người phải hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách 1,5m - 2m với người khác ở nơi công cộng.
Hiện nay, người Việt ở Berlin nói riêng, ở nước Đức nói chung đã thực hiện rất tốt việc hạn chế đi lại của Chính phủ.
Chấp hành những quy định này, người Việt và nhiều chủ giao hàng các nước khác, cùng nhiều nhà hàng ẩm thực, tiệm làm nails, cắt tóc... đang hành nghề tại chợ Đồng Xuân, phần lớn đã tạm thời nghỉ và hạn chế đi lại.
Khoảng lặng im lìm trong Chợ Đồng Xuân
TÌNH NGƯỜI TRONG GIAN KHÓ
"Đoàn kết bây giờ có nghĩa là giữ khoảng cách của bạn và gần gũi với nhau hơn bao giờ hết".
Không chỉ giữ khoảng cách, mà người Việt ở đây còn dùng hành động để ủng hộ lời kêu gọi dân chúng trên của Tổng thống Đức Steimeier. Một phong trào đang nổi lên và được cộng đồng người Việt tại Đức ủng hộ, đó là tranh thủ những ngày ngồi nhà cách ly, nhiều người may khẩu trang để tặng những cơ quan và người dân có nhu cầu.
Họ quyên góp vải, cùng nhau cắt và may, nhiều người còn quyên góp cả tài chính rồi đem đến những địa chỉ của các tổ chức phi chính phủ, thậm chí cả bệnh viện và nhân viên các siêu thị...
Kiều bào ở Đức góp một phần nhỏ bé của mình cùng nước Đức chống lại đại dịch COVID-19
Nhóm Chung tay do chị Đỗ Thu Hà phụ trách cùng đông đảo bà con đã quyên góp tiền mua vải may khẩu trang để mang đi làm từ thiện.
Chị Hà cho biết, sau 2 ngày kêu gọi, nhóm đã được rất nhiều các tấm lòng vàng ủng hộ quỹ.
"Mọi người đang ngày đêm gắng sức để số lượng khẩu trang được hoàn thành sớm nhất có thể. Mặc dù rất khẩn trương nhưng nhóm may trong quá trình sản xuất vẫn phải giữ khoảng cách an toàn khi làm việc và tiếp xúc là không tập trung quá 3 người.
Hiện tại, số lượng khẩu trang y tế chúng tôi mua được là 10.000 chiếc. (Không nằm trong số tiền quyên góp để mua vải).
Số lượng này từ thứ 2 sẽ được chuyển đến 6 bệnh viện ở Berlin.
Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều lời đề nghị khẩn thiết về nhu cầu cung cấp khẩu trang của các cá nhân và bệnh viện trên toàn nước Đức.
Chúng tôi xin kêu gọi mọi người cùng chung tay ủng hộ để giúp đỡ được nhiều nơi hơn nữa. Làm được như vậy, chúng ta sẽ góp phần đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống an bình cho mỗi chúng ta và mọi người", chị Hà chia sẻ.
Chị Phương Dung, một kiều bào khác, cho biết bà con và nhóm may ở Cottbus ai cũng mong muốn cùng nhau chung tay đóng góp sức mình cùng Chính phủ Đức đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
"Ngay sau khi biết nhóm may ở Cottbus may khẩu trang ủng hộ bệnh viện, bà con đã đến tận nơi để trao tiền ủng hộ. Người đến chuyển vải; người đến giúp làm các công đoạn phụ may; rồi khi thiếu chỉ may các gia đình lại mang chỉ đến tận tổ may trao tặng…
Mọi người còn đến xếp hàng chờ nhận hàng về may hộ. Yêu thương đong đầy như thế, nhất định dịch bệnh sẽ được đẩy lùi nhanh".
Những chiếc khẩu trang chuẩn bị được kiều bào mang đi tặng
Chị Vũ Phương ở Berlin cũng huy động cả nhà may khẩu trang, được mấy trăm chiếc. Chị đã mang ra các siêu thị Peny, Reww, Edeka và bến xe bus để tặng mọi người.
"Khi tôi tặng cho người dân Đức, họ rất cảm động và muốn trả tiền. Nhưng tôi không nhận tiền của ai và nói là chúng tôi làm để tặng chứ không bán. Mọi người đều nói là người Việt Nam tốt quá", chị Phương chia sẻ.
Chị Phương cũng cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều nơi như nhà dưỡng lão, bệnh viện… rất cần khẩu trang, nên anh chị em trong nhà lại cùng nhau quyết tâm làm tiếp.
Còn nhiều lắm những tấm lòng thơm thảo như thế của bà con kiều bào ở Đức trong những ngày cả thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch. Quý làm sao tình người trong gian khó…
Quang Chí từ Berlin, CHLB Đức
Nguồn: quehuongonline