Lao động Việt Nam tại Đức được đánh giá cao vì có tay nghề và ý thức kỷ luật (ảnh minh họa)
Lao động ngành nails mất việc vì Covid-19
Tính đến ngày 12/4, nước Đức ghi nhận hơn 122.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và hơn 2.700 người tử vong. Hiện quốc gia này đang đứng thứ 5 trong danh sách nước có người nhiễm Covid-19 trên thế giới.
Dịch Covid-19 trên đất Đức cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận lao động người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở đây.
Từ ngày 18/3 tới nay, thay vì tới tiệm nails làm việc, anh Hoàng Văn Hưng (quê Nghệ An, hiện sinh sống tại TP Kempten Allgau của nước Đức) phải ở nhà do nước sở tại thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
Trước đây, công việc làm nails giúp anh có thu nhập hơn 2.000 Euro sau thuế, đủ để trang trải cho cuộc sống của hai vợ chồng và 2 đứa con nhỏ. Không đi làm, đồng nghĩa với việc khoản thu nhập này cũng không có.
"Ngày 28/3, chúng tôi bắt đầu nghỉ việc, không đi ra ngoài nếu không thực sự cần thiết", anh Hưng cho biết.
Chấp hành nghiêm ngặt quy định của nước sở tại về công tác phòng dịch, mỗi tuần anh Hưng chỉ đi ra ngoài 2 lần để mua nhu yếu phẩm cần thiết.
Khoản tiền dự phòng nhỏ bé của anh Hưng đã được đưa ra chi trả cho gia đình, chủ yếu là mua lương thực, thực phẩm, sữa và tiền thuê nhà.
Chấp nhận khó khăn về kinh tế do tác động Covid-19, anh Hưng vẫn tận hưởng niềm vui bên cô con gái nhỏ.
"Thực phẩm luôn dồi dào và dễ mua. Nhưng giấy vệ sinh, sát khuẩn và khẩu trang rất khan hiếm", anh Hưng thông tin
Tương tự như câu chuyện của anh Hưng, khi nhà hàng phải đóng cửa, anh Đặng Sỹ (quê Hà Tĩnh, đang làm việc ở TP Berlin, Đức) cũng phải nghỉ việc không lương.
Vợ anh làm việc trong một cơ sở y tế, công việc bận rộn hơn. Phía bệnh viện có khu vực riêng, cử người chăm sóc con của nhân viên nhưng anh không yên tâm gửi cô con gái hơn 1 tuổi ở đó nên quyết định để ở nhà tự trông.
"Khi dịch xảy ra, chúng tôi cũng nghĩ tới việc sẽ về Việt Nam tránh dịch nhưng thấy người về nước đông, lo ngại việc di chuyển ở các sân bay cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ", anh Sỹ nói.
Mặt khác, anh Sỹ cũng không muốn trở thành gánh nặng của đất nước nên quyết định ở lại. "Dịch bệnh đáng sợ nên tốt hơn hết là tuân thủ nghiêm khuyến cáo y tế của chính quyền và không ra ngoài nếu không bắt buộc phải đi", anh Sỹ nói.
Cũng theo các anh Sỹ, Hưng, chính phủ Đức cũng có gói hỗ trợ cho người lao động có đóng thuế tương ứng từ 60-70% thu nhập hàng tháng. Những lao động như anh Hưng, anh Sỹ vẫn tin tưởng về hiệu quả công tác phòng chống dịch của cơ quan chức năng cũng như nước sở tại sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ cho người lao động, giúp họ duy trì cuộc sống trước mắt.
Nhân viên điều dưỡng được hỗ trợ kinh phí
Hết giờ làm ở một cơ sở y tế tại thủ đô Berlin, Nguyễn Thanh Mai (quê Hà Nội, Việt Nam) đi thẳng về nhà, thực hiện nghiêm ngặt các bước phòng dịch theo khuyến cáo.
Từ hôm dịch Covid-19 bùng phát, Mai bỏ hết thú vui tụ tập bạn bè, đi bơi hay đi tập gym.
Nhân viên y tế Nguyễn Thị Mai vẫn quyết định ở lại Đức, đương đầu với dịch Covid-19.
"Trước cứ mỗi ngày trôi qua thấy số người nhiễm, người tử vong vì Covid-19 tăng lên bản thân tôi cũng hoang mang lắm, nhất là khi mình làm ở viện, nhiều nguy cơ hơn. Suy nghĩ về Việt Nam thoáng hiện ra trong đầu nhưng mình là nhân viên y tế, không sát cánh cùng các bạn nước Đức chống dịch mà bỏ về, mang gánh nặng cho đất nước thì không được", Mai chia sẻ.
Cũng như Mai, Hoàng Thùy (quê Nghệ An) vẫn đang bám trụ tại cơ sở y tế ở Berlin. "Trước đây, không chỉ người dân mà nhân viên y tế cũng hiếm khi dùng khẩu trang. Thời gian đầu, các bạn ở bên này chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 nên vẫn khá chủ quan, thậm chí kỳ thị người mang khẩu trang", Thuỳ nói.
Với sự tuyên truyền tốt và áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay của Chính phủ, người dân đã tự ý thức tốt hơn trong việc phòng dịch.
Thuỳ cho biết: "Ở bệnh viện, nhân viên y tế được trang bị sát khuẩn, khẩu trang nhưng do khẩu trang cũng khá khan hiếm nên chưa được nhiều, chúng tôi vẫn phải tiệt trùng để tái sử dụng".
Với nhóm công việc đối mặt với nhiều nguy cơ như nhân viên y tế, Mai được hỗ trợ một tháng 150 Euro cho đến tháng 6/2020.
Do khẩu trang khan hiếm nên chị Thùy phải nhờ người may thêm, dù không phải là khẩu trang kháng khuẩn hay chuyên dụng nhưng cũng giúp chị bớt lo lắng hơn.
Hết giờ làm, chị Thùy lên tàu điện và đi thẳng về nhà. Để an toàn, người phụ nữ này cẩn thận trang bị găng tay cao su để tránh tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ lây nhiễm.
Điều khiến những nhân viên y tế như chị Thùy, chị Mai yên tâm hơn là ngoài việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, chính quyền cũng hỗ trợ thêm mỗi người làm việc ở cơ sở y tế 150 Euro/tháng, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6.
"Chúng tôi cũng ấm lòng hơn khi nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng người Việt ở Đức. Nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra quyên góp thực phẩm chia sẻ với những người khó khăn do mất việc làm. Một số người Việt cũng quyên góp nguyên liệu, ngày công để may khẩu trang, mua quần áo bảo hộ tặng các bệnh viện, cơ sở y tế", chị Thùy chia sẻ thêm.
Nguồn: Hoàng Lam/ Dân Trí