Ở Đức, người dân có quyền tố cáo và nước Đức hoan nghênh mọi hành vi bảo vệ luật pháp bằng việc tố cáo và làm chứng, chứ không khuyến khích việc trực tiếp truy bắt tội phạm. Đấy là việc của các cơ quan chuyên nghiệp đã được đào tạo.
Đọc tin trên báo, tôi thấy công an Bình Dương- Thủ Dầu Một sơ kết khen thưởng việc săn bắt cướp. Có hình ảnh của một hiệp sĩ cười rất tươi (anh thuộc Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, Thành phố Thủ Dầu Một).
Chuyện khen thưởng đối với những ai có thành tích, là việc đáng làm và tất nhiên phải làm, từ xưa tới nay, với bất cứ xã hội nào. Và, thực sự tôi cũng rất vui khi đọc các thông tin về thành tích chống tội phạm rất nhanh của công an, trong nhiều chuyên án hình sự lớn.
Đất nước, đặc biệt các thành phố lớn, cần sự an ninh do cảnh sát mang lại. Nó tác động rất tích cực, vào sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế, nhất là du lịch.v.v...
Hiệp sĩ - tôi cứ suy nghĩ mãi về hai từ này trong các hoạt động có tính dân sự.
Trong thi ca cổ Lục Vân Tiên, có câu: Giữa đường thấy sự bất bình chả tha.
Hiệp sĩ là hình ảnh cao thượng của một người nào đó trong xã hội, không chỉ châu Á, nó là một danh từ thuộc về thể kỉ 17 và xa hơn nữa ở châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh.
Nó có tính tự phát và mang nặng dấu ấn cá nhân. Một danh xưng anh hùng cá nhân không trong khuôn khổ của pháp luật.
Hoạt động của các tổ dân phòng, dân quân, hay câu lạc bộ phòng chống tội phạm cũng mang tính chất nhân dân tham gia vào bảo vệ trật tự an ninh đất nước.
Tôi cho rằng nó không nằm ngoài chủ trương đúng về mặt nghệ thuật “chiến tranh nhân dân“ của cha ông ta, đặc biệt các cuộc chiến đấu dành chủ quyền và độc lập dân tộc.
Với nghiệp vụ, công cụ và được đào tạo bài bản, cảnh sát bắt cướp sẽ an toàn hơn.
Vậy vai trò của hiệp sĩ có nên cổ động không và châu Âu hôm nay suy nghĩ ra sao?
Tôi ở Đức khi mới sang dăm năm, rất lạ khi có lần trong đêm tối, đường vắng ngắt, tuyết bay mù mịt, lùi xe làm gãy một cây con mới trồng.
Một tuần sau tôi nhận được một giấy phạt, ghi rất rõ thời gian, địa điểm, hành vi vi phạm luật pháp của chủ chiếc xe số X.
Tất nhiên tôi phải nộp phạt 270 D-mark cho lần vi phạm ấy nhưng cứ thắc mắc mãi rằng tại sao cảnh sát Đức lại nắm rõ như thế.
Sống lâu ở Đức mới thấy không phải mình tôi bị phạt.
Nhiều người Việt “ấu trĩ” như tôi đã bị tố cáo khi có hành vi xâm phạm pháp luật, cỏn con như lái xe vào đường cấm, đỗ sai quy định, vứt ắc quy vào rừng hay hố rác. Nặng như va quẹt xe ở các bãi đỗ trong đêm tối đều bị tố cáo.
Thì ra người Đức nắm rất vững luật pháp và họ, đặc biệt là các người già, luôn ngồi bên cửa sổ ngắm phố hay nhìn tuyết bay chính là những nhân chứng, “tai mắt” của luật pháp.
Nhưng họ không bao giờ can dự vào các hành vi chống lại tội nhân.
Năm 1999, xe tôi bị đập lấy hàng trong đêm. Ai đó đã báo cho cảnh sát và lập tức cảnh sát xuất hiện để bảo vệ tài sản cho tôi.
Người ta không khuyến khích người dân tham gia trực tiếp can thiệp vào các hành vi vi phạm luật pháp.
Hỏi luật gia làm thuế cho tôi, một người bạn Đức, giải thích:
“Người dân có quyền tố cáo và nước Đức hoan nghênh mọi hành vi bảo vệ luật pháp bằng việc tố cáo và làm chứng, chứ không khuyến khích việc trực tiếp truy bắt tội phạm. Đấy là việc của các cơ quan chuyên nghiệp đã được đào tạo”.
Năm 2000, ở Chợ Giời (Hà Nội), tôi xuống thăm nhà cũ. Trong đêm, có cậu thanh niên tháo mặt nạ xe Dream của tôi để ngoài cửa.
Phát hiện được, tôi và thằng cháu ruột đuổi cùng đường. Hắn móc tuốc vít ra đâm.
Tôi tránh được, bắt, đánh ngã hắn xuống đường, khóa tay, giật tóc và giao lại cho cảnh sát hình sự công an phường Phố Huế...
Chuyện sau này tôi ân hận mãi, vì một người em trong ngành lâu năm nói: Anh xa nước lâu ngày không biết, mạnh tay thế có ngày gặp phải thằng nghiện đã yếu quá rồi, nó lăn ra chết. Anh tính sao?
Những “hiệp sỹ” ở phía Nam chắc giỏi võ hơn tôi nhiều, đòn của người trẻ vốn nhanh và mạnh trong chuyện can thiệp trực tiếp vào những vấn đề đang diễn ra ở các thành phố phía Nam có thể loại trừ sự lo ngại của em tôi không?
Lỡ tay làm chết người, truy bắt làm tai nạn cho vài người...ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra?
Và khi ấy, một đất nước cần tiến lên trong ý thức thượng tôn luật pháp thì việc khuyến khích ”tinh thần hiệp sĩ” thuộc về thế kỉ 17, thuộc về tinh thần con người Nam Bộ ở Lục Vân Tiên liệu có nên nữa hay là như tinh thần của nước Đức, nó phải là nhiệm vụ của các lực lượng chuyên nghiệp của cảnh sát chính quy đã được giáo dục, đào tạo rất bài bản?
Quan trọng nữa là ngoài nghiệp vụ, họ được luật pháp quy định rất rõ trách nhiệm và quyền hạn.
Hoạt động của các tổ chức dân sự- như tôi nởi phần đầu - hỗ trợ cảnh sát, theo tôi chủ yếu vẫn là “Tai mắt của luật pháp“, giúp cho lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao cho. Vô cảm với tụi xấu cũng là thái độ không ổn.
Còn trực tiếp can dự vào vụ việc, ở tư cách đơn độc hay vài hiệp sĩ trên đường phố, đang tàng ẩn những điều chưa hay, khó lường, ở một xã hội văn minh mà chúng ta đang xây dựng.
Nhà Văn Nguyễn Văn Thọ
Báo Dân Việt