Chị Theng - người Thái lấy chồng Đức ở cùng thành phố với tôi phàn nàn “tớ ghét phần gen trội châu Á hiển hiện ở vóc dáng con trai tớ quá nhiều”. Ở trường mẫu giáo,  con trai Theng hay bị các bạn trêu chọc, có bạn còn gọi nó là “con lợn châu Á” khiến bé phát khóc.

Hệ quả nạn phân biệt - 0

Kong - cô bạn người Trung Quốc của tôi cũng gặp phải một tình huống phân biệt màu da nguồn gốc, ngay ở khu vui chơi trẻ em.

Lucas con trai Kong khi phấn khích quá hét to lên thì một bé gái lập tức xù lông với Lucas “Mund zu, schwarzkopf - im mồm đi, đồ đầu đen”.

Câu nói đó làm cả bọn cứng đờ, im như thóc.

Và khi Kong gặp trực tiếp bà mẹ của bé gái, trao đổi vấn đề thì “đó là chuyện xảy ra thường tình ở lũ trẻ khi bọn chúng vui chơi, tôi không có trách nhiệm can thiệp.

Mà con trai bà cũng đầu đen chứ không đầu vàng, đó là thực tế hiển hiện” - câu trả lời điềm nhiên của bà mẹ làm Kong sững sờ.

Khi những đứa trẻ lai nửa Âu nửa Á bước vào cấp 1, cấp 2 trong hệ thống giáo dục bản địa, sự phân biệt sắc tộc không chỉ dừng lại ở những câu nói nữa, mà đã trở thành hành động.

Gia đình chị Nga người gốc Bắc, mới chuyển đến thành phố tôi ở được hơn một năm, đã gặp ngay vấn đề với chuyện trường lớp của con.

Gần tháng nay, chị quan sát thấy con đi học về kém phần linh hoạt, lực học giảm sút, bèn gặng hỏi con, hóa ra ở trường con bị một nhóm bạn đánh và bắt nạt.

Vợ chồng chị đã đến gặp trực tiếp cô giáo chủ nhiệm của con và trao đổi, nhưng cô giáo trả lời:

“những vấn đề xảy ra bên ngoài học đường, chúng tôi không được phép can thiệp. Nếu các vụ xô xát của học sinh dẫn đến thương tổn, bà phải nhờ đến cảnh sát”. 

Nhưng nhóm học sinh cá biệt người bản địa này đủ tinh quái để mức độ bắt nạt bạn không dẫn đến sát thương, và chúng không phải dây dưa đến cảnh sát.

Chúng chỉ ngáng chân để bạn bị ngã, giật cặp sách bạn vứt xuống đường, xé sách vở của bạn. Những hành động không thương tổn nhiều trên cơ thể nhưng làm tổn thương bên trong tâm hồn những đứa trẻ bị cô lập và hành hạ.

Không chỉ xét về phía những nạn nhân của bạo lực học đường, bản thân những đứa trẻ đứng ra ức hiếp những người bạn yếu thế của mình, chúng cũng đã bị tổn thương về mặt tinh thần.

Những đứa trẻ đó sinh ra trong môi trường đặc biệt, có bố nghiện rượu, mẹ lười lao động trở thành gánh nặng cho xã hội.

Ở xã hội nào, dù văn minh đến mấy cũng có những gia đình cá biệt như vậy.

Từ những gia đình cá biệt đó sinh ra những đứa con cá biệt, có cách khẳng định sự tồn tại và tầm quan trọng của mình theo một cách rất riêng.

Và tuy bậc phụ huynh nào cũng tự an ủi, cũng chỉ mong con cái khỏe mạnh nhưng vấn đề sẽ dần trở nên quan trọng khi những đứa trẻ lai nửa Âu nửa Á bước chân vào môi trường học hành ở bản xứ.

Những nét đặc trưng gốc Á hiển hiện trên gương mặt và vóc dáng của các bé sẽ trở thành đề tài trêu chọc của một bộ phận cá biệt những đứa trẻ ngỗ ngược người bản địa.

Tất nhiên, dù con cái gặp phải những vấn đề nhỏ trong môi trường bạn bè va chạm, nhưng theo Theng và Kong - những bà mẹ gốc Á có con học ở môi trường Âu “vẫn rất ngưỡng mộ và tin tưởng hệ thống giáo dục bản địa. Họ cũng có cách giải quyết vấn đề của mình.

Ở môi trường nào cũng sẽ có những hạt sạn, quan trọng là con cái phải biết biến chướng ngại vật thành những động lực và cú hích để vươn lên khẳng định vị trí và sự tồn tại của bản thân mình”.

 

MINH THUẬT (từ Đức)

Nguồn: Sài Gòn Giải phóng




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC