Tại chợ Việt Nam ở đây các cửa hàng rắc rối như một trận đồ, tỏa ra các loại mùi vị dành cho nhà bếp và mùi hương trầm.
Mùi gia vị và mùi hương gợi nhớ trước hết tới châu Á.
Đây là một chợ bán buôn, trong đó những thương nhân Việt Nam cung cấp cho nhau hàng hóa: Những chủ quán ăn nhanh, chủ quầy hàng ở chợ, các nhà hàng, các cửa hàng nhỏ trong thành phố.
Anh Đoàn là Hausmeister (tạm dịch là quản gia) ở đây, một người vui vẻ nhưng rất bận rộn, chuông điện thoại réo liên tục.
Ở đây có tất cả 37 cửa hàng, anh Đoàn phải chịu trách nhiệm làm sao để 5 người chủ của khu chợ nhận được tiền thuê nhà đều đặn, phải lo cho hồ sơ thuế, sửa sang những thứ hỏng hóc, duy trì việc tôn trọng những quy định phòng hỏa, có nghĩa là lo cho tất cả mọi thứ.
Đúng theo “Trật tự kiểu Đức”.
Hausmeister Đoàn. Foto: Marco Kneise
Xuan Dung Doan (Đoàn Xuân Dũng?) từ Việt Nam sang Đức năm 1977, anh học đại học ngành chế tạo máy ở Magdeburg và sau này trở thành đội trưởng, phiên dịch cho công nhân hiệp định Việt Nam được đưa sang CHDC Đức.
Anh làm việc trong một xí nghiệp xây dựng đường sá ở Weimar cho tới năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ và mọi thứ cũng lại trở về con số không đối với anh.
Để có thể ở lại, anh chuyển sang hành nghề tự lập.
Trước hết, người kỹ sư chế tạo máy bán quần áo, váy và tất trong một cửa hàng dệt may, sau đó bán mỳ xào và Chop Suey trong cửa hàng ăn nhanh của mình trong thành phố.
Công việc kinh doanh kém, anh phải bỏ cửa hàng, làm việc cho một cửa hàng chế biến thịt và họ tiết lộ cho anh bí mật ngành xúc xích của Đức.
Khi người chế biến thịt đóng cửa hàng, anh Đoàn lại thất nghiệp và tìm được công việc này. Anh khẳng định, mặc dù vậy anh vẫn thích xúc xích Đức.
Chị Đỗ Thị Du (ảnh nhỏ) trong cửa hàng Việt Nam
Trong một cửa hàng nhỏ bên cạnh cũng đang nấu món ăn Việt. Chủ cửa hàng kể, khách Đức cũng tới đây, có lẽ là nhân viên làm việc trong khu công thương nghiệp gần đây, anh ta không biết chính xác, chẳng ai hỏi kỹ điều đó.
Lúc này đã là buổi chiều, quán vắng khách, chỉ có mỗi một vị khách đang ăn phở giữa các máy đánh bạc tự động đèn lấp lánh và một bể cá có ba con cá vàng. Chủ quán cho biết, phở bán rất ăn khách, đây là món ăn truyền thống của Việt Nam.
Trong cửa hàng số 45, một phụ nữ trẻ đang soạn rau, đó là chị Đỗ Thị Du.
Trên giá toàn những đồ ăn châu Á, miến, bánh phở, bún các loại, nước mắm trong can, hải sản đông lạnh có vẩy và không vẩy, các bao gạo, nấm khô, mộc nhĩ và nấm tươi trông như kim khâu vậy.
Gừng và chuối luộc thì tôi còn biết, nhưng còn nhiều loại rau thơm gia vị không biết là gì. Anh Đoàn phải dịch giúp vì chị Du biết ít tiếng Đức.
Chị Du xuất thân từ miền Bắc Việt Nam, tới Erfurt cách đây 6 năm.
Cửa hàng này của anh bạn.
Chị và con gái ở nhà một năm rồi từ đó bán hàng ở đây.
Ngôn ngữ thì không thành vấn đề, vì hầu hết khách hàng là người Việt. Thỉnh thoảng cũng có người Đức tới, nhưng hầu hết họ đều biết họ muốn mua gì.
Đó là những người từng đi du lịch châu Á muốn tìm kiếm lại dấu vết những món ăn mà họ đã được thưởng thức, hoặc có người chỉ mua một hộp nước xoài, như anh Frank vừa ăn phở trong quán. Frank cho biết, anh hay mua hàng ở đây, chủ yếu là gia vị để anh tự nấu phở.
Chị Du cho biết, ở Việt Nam chị là thợ may.
Chị cũng muốn làm công việc đó, nhưng có lẽ phải đợi cho tiếng Đức tốt hơn.
Chị phàn nàn là cũng rất muốn học tiếng Đức, nhưng việc này rất khó, nếu người ta phải làm việc ở cửa hàng tới 8 giờ tối.
Thời gian làm việc lâu như vậy, vì nhiều người kinh doanh đến tối mới tới được. Hỏi thăm chị ở đây có dễ chịu không, chị gật đầu, rất dễ chịu nữa là khác. Chị quen biết tất cả những người hàng xóm, hầu hết là bạn. Ở đây như một gia đình vậy, một đại gia đình người Việt.
Rồi chị Du lấy trong ngăn kéo ra một hộp Carton nhỏ đầy giấy mời bằng tiếng Việt cho hàng xóm.
Trong tháng 8, con gái chị Du sẽ nhập học vào lớp 1. Dĩ nhiên họ sẽ tổ chức tiệc liên hoan ở đây, trong nhà hàng lớn trong sân. Chị cười và cho biết, ở Việt Nam thì người ta tổ chức lễ nhập học không lớn như vậy, nhưng chúng tôi thích nghi với phong tục Đức.
Anh Đoàn cũng có con, nhưng đã lớn, chúng đang học đại học khoa kinh tế xí nghiệp ở Frankfurt.
Vậy là thế hệ thứ hai rồi, thế còn Việt Nam? Anh Đoàn cười, Việt Nam ở rất xa, mỗi năm anh về nghỉ cùng với gia đình, đó chỉ là kỳ nghỉ còn cuộc sống của anh từ lâu đã ở đây.
Trên truyền hình đang chiếu phim Việt Nam, được thu qua vệ tinh.
Trong nhiều cửa hàng có bàn thờ thần tài, được thắp hương, phía trước có đĩa hoa quả. Anh Đoàn kể rằng lễ vật là để được may mắn, nhưng bản thân anh không tin lắm.
Trên một bảng có treo thông báo bằng tiếng Việt. Một hội múa quảng cáo tìm hội viên, Trung tâm Văn hóa Phật giáo công bố danh sách đóng lệ phí.
Anh Đoàn cho biết, Trung tâm Văn hóa Phật giáo nằm ngay gần đây, tất cả người Việt quanh đây đều có lúc tới đây, có người đến thường xuyên.
Đối với một số người mà trong đó nhiều người đã sống ở đây hàng chục năm, tự gắn mình vào cuộc sống thường nhật ở Đức.
Đây có thể gọi là một địa điểm buôn bán, một địa điểm làm việc, một địa điểm nhớ nhung, hay cũng là một địa điểm ẩn náu.
Ít nhất là đối với một số người thì tiếng Đức vẫn là một rào cản.
Bên ngoài, chị Đỗ Thị Lý đang đào đất.
Một luống đất nhỏ dọc theo nhà kho, một khu vườn nhỏ Việt Nam với nhiều cây gia vị mà họ không biết trong tiếng Đức gọi là gì.
Trước khi bức tường Berlin đổ, chị Đỗ Thị Lý làm việc trong một xí nghiệp điện ở Jena.
Từ 15 năm nay, chị sống ở Erfurt, con chị đi học ở Erfurt. Vì ở nhà không có vườn, chị trồng một số cây gia vị ở đây.
Nhiều người làm như vậy. Họ mang giống từ Việt Nam sang, nhưng có nhiều cây không mọc được.
Chuông điện thoại của anh Đoàn lại đổ. Đáng tiếc, bây giờ anh phải đi có việc.
Còn tôi thì giờ đây biết thêm một “Hà Nội nhỏ” ở Erfurt và từ nay, nếu muốn tự nấu phở sẽ biết được phải mua gia vị ở đâu.
Nguồn: VOV.VN