Khi người Việt "ngoại" đón khách "nội"Với những người sống xa quê hương, hai chữ “đồng bào” càng thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Vì vậy, người Việt Nam khi ra nước ngoài luôn được đồng hương đón tiếp chu đáo, thân tình.

Sau đợt công tác châu Âu năm 2008, anh Nguyễn Tuấn Nam (33 tuổi, Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) muốn tiện thể qua Đức chơi, nhưng vì “lạ nước lạ cái” nên sợ không sử dụng tốt thời gian ít ỏi còn lại. Qua điện thoại, vợ anh bảo: “Em có cô bạn học thời cấp 3 đang ở Đức, tên là Liên, anh add nick thử chat với nó xem”.

Gặp người Việt là quý lắm


Nam vừa giới thiệu, cô bạn chưa từng gặp rối rít: “Lúc nào anh sang? Cho em lịch để đón anh”. Rồi cô hướng dẫn tỉ mỉ từ việc mua vé máy bay hãng nào, chuyến nào, xuống sân bay bắt xe đi đâu, chờ chỗ nào. Lúc đầu còn ngại, sau thấy Liên thực sự nhiệt tình, Nam quyết định sang Đức. Nhưng đón anh ở chỗ hẹn là một người đàn ông lạ: “Mình là chồng Liên, cô ấy đi vắng, gọi điện về bảo ra đón anh”. Cảm giác ngại lại xuất hiện trong Nam, nhưng tan dần theo câu chuyện niềm nở của chồng Liên trên đường lái xe về nhà. Anh gợi ý những chỗ nên thăm trong hai ngày cuối tuần ở Đức và bảo sẽ đích thân đưa Nam đi.

Trong hai ngày đó, chồng Liên là một hướng dẫn viên tận tụy, vui vẻ. Đến buổi chiều Nam chuẩn bị về Việt Nam, Liên mới xuất hiện, xin lỗi rối rít vì không có mặt đón khách và gửi quà cho bạn cũ. Nam cho biết đó là kỷ niệm cảm động nhất trong những chuyến xuất ngoại của anh.

“Bọn mình chủ yếu tiếp xúc với ‘Tây’ nên gặp người Việt là quý lắm, dù trước đó không thân thiết nhưng vẫn rất mừng khi được đón họ”, chị Nguyễn Thu Hà, 31 tuổi, sống ở Stuttgart (Đức) nói. Còn Nguyễn Thu Hiền, lưu học sinh ở Nancy (Pháp), thì cho biết cô quen nhiều người Việt ở đây, nhưng vẫn như “bắt được vàng” khi có khách từ Việt Nam sang vì “cảm giác họ mang theo cái gì đó rất Việt Nam mà những người sống lâu ở nước ngoài không có. Nhìn họ, nói chuyện với họ đỡ nhớ nhà rất nhiều”.

Cuối năm ngoái, chị Thu Hà rất hạnh phúc khi được đón thầy giáo chủ nhiệm hồi cấp ba, sang thăm con trai ở ngôi làng thuộc tiểu bang Bayern, cách nhà chị 300 km. Biết tin, Hà gọi ngay về nước mời thầy đến chơi, rồi báo trên blog của lớp với lời hứa cập nhật tin tức và ảnh của thầy. Chồng chị cũng sắp xếp nghỉ phép đúng vào đợt này. Thế là trong vòng bốn hôm, hai vợ chồng đưa thầy đi tham quan thành phố Stuttgart, thăm lâu đài Ludwigsburg nổi tiếng cách đó 120 km, tham quan chợ Noel… “Những ngày đó trời rét, tuyết phủ khắp nơi nên đường khó đi, nhưng thầy vui lắm vì chưa bao giờ được ngắm phong cảnh đẹp như vậy”, Hà tâm sự.

Càng xa quê, nghĩa đồng bào càng lớn

Một lần sang Pháp, do có trục trặc nên anh Trần Văn Ninh (Thanh Xuân, Hà Nội) phải ở lại thêm vài ngày, trong khi tiền đã hết. Rất may, một chị làm cùng cơ quan anh gọi cho người yêu của em gái, là lưu học sinh đang trọ ở một khu tập thể gần ngoại ô Paris, nhờ giúp đỡ. Người này đã không ngại ngần đón Ninh về nhà, giúp anh liên hệ với những nơi cần thiết và giải quyết các rắc rối. “Buổi tối, cậu ấy nấu cho tôi ăn, phân bua mãi là đi mấy năm vẫn không thạo bếp núc nên món ăn chẳng ra Tây chẳng ra Việt”, Ninh xúc động kể.

Anh Phạm Văn T., phóng viên một tờ báo ở Hà Nội, nhớ mãi lần công tác ở Malaysia, xuống xe bus một lúc mới biết mình để quên ba lô trong có máy ảnh, tài liệu, hộ chiếu… Trong lúc T. đang lúng túng, một người Việt tình cờ đi qua nhận ra anh là đồng hương nên dừng lại hỏi han, rồi giúp anh liên lạc với hãng xe bus, lần theo dấu vết chiếc xe qua từng trạm và đến cuối ngày thì nhận lại đồ thất lạc. T. còn được anh ta mời về nhà ăn tối.

T. rất nhớ câu nói của kiều bào này: “Tôi sống ở nước ngoài lâu nên dần dần quen với phong cách lạnh lùng, thờ ơ, việc ai nấy làm nhưng với người Việt thì lại khác. Có lẽ càng xa quê càng nhận ra cái nghĩa đồng bào lớn như thế nào, cậu ạ”.

Thu Trang - Tổng hợp.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC