Vì yêu thích hoa hồng, chị trồng nhiều trong vườn nhà. Từ hồng leo Aloha, hồng vàng Sunsprite, hồng Botticelli, hồng của David Austin… đều khoe sắc rực rỡ.
Vườn hoa của cặp vợ chồng thạc sĩ Việt hiện có khoảng 100 gốc, được chăm sóc cẩn thận mỗi ngày. |
Khu vườn rộng 300m2 được chị gieo trồng đa dạng các loại hoa, đủ cho 4 mùa để "khu vườn không bao giờ buồn". Mùa xuân đến, chị trồng hoa anh đào, mộc lan, bạch tử đằng, tử đinh hương, hoa mẫu đơn và rất nhiều tulip.
Các loại hoa nhiều màu sắc khiến khu vườn lúc nào cũng rực rỡ. |
Đến mùa hè, khu vườn rực rỡ sắc hoa hồng. Sang thu, cây cối trong vườn đều ngả sắc vàng. Chị Dung trồng thêm cây phong gốc Canada và Nhật Bản để không gian thêm phần lãng mạn. Đến khi vào đông, chỉ còn rặng thông xanh bao quanh vườn ở lại, những bông tuyết phủ trắng lấp lánh rất đáng yêu.
Chị Dung yêu thích công việc chăm cây, chăm hoa, coi đó là thú vui của bản thân. |
Vì yêu thích hoa hồng, chị trồng nhiều trong vườn nhà. Từ hồng leo Aloha, hồng vàng Sunsprite, hồng Botticelli, hồng của David Austin… đều khoe sắc rực rỡ. Sắc hoa tô điểm giúp vợ chồng chị Dung được nạp thêm năng lượng sau những giờ làm việc căng thẳng. Nơi đây là không gian thiên nhiên tuyệt vời giúp hai con của chị biết yêu thương, vun đắp cho những cây xanh kể từ khi chúng chỉ là những hạt mầm mới nhú.
Vườn hoa là không gian để các con chị thỏa sức nô đùa. |
Chị Dung chăm hoa như chăm con. Vào mùa hè, chị cho hoa “uống” nhiều nước. Đến mùa đông lạnh, chị ra vườn “đắp chăn” cho rễ cây bằng rơm rạ, lá cây khô cùng tấm phủ chuyên dụng nhằm tránh tuyết. Hoa hồng vốn khó chăm nên chị Dung chú trọng ngay từ khâu chọn giống.
Cây phong Nhật rực rỡ mùa thu |
Hoa nở vào khoảng tháng 6 nhưng từ tháng 3, 4 khi tiết trời ấm lên, chị đã bắt đầu bón phân để cây có sức ra hoa. Sau khi hoa nở đợt một, chị cắt hoa tàn, tiếp tục bón phân để hoa có sức nở tiếp đợt mới vào tháng 8. “Dù chọn các giống cây khỏe nhưng chăm hồng không tránh khỏi những lúc cây bị bệnh. Những lúc ấy, mình cũng buồn và thương cây lắm”, chị chia sẻ.
Đến mùa hè, khu vườn rực rỡ sắc hoa hồng. |
Để “cứu” cây, chị Dung cắt hết lá bệnh rồi đợi cây tự chống chọi. Sau đó, chị sử dụng các dung dịch tự chế từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà bếp như nước rửa bát, baking soda hay dầu neem để diệt bọ trĩ. Khi hoa nở liên tục, chị sẽ cắt vào nhà cắm khắp nơi ở. Nếu hoa rụng cánh, chị thả vào bồn để các con tắm.
Ngoài hoa hồng, trong vườn chị trồng rất nhiều loại hoa khác, đa dạng theo mùa. |
Bên cạnh điều kiện thời tiết thuận lợi, chị Dung cũng gặp một vài khó khăn trong khoảng thời gian đầu làm vườn. Với chị, khó khăn nhất có lẽ nằm ở việc duy trì sự kiên nhẫn. Chị nói: “Khi trồng cây, mình không thể muốn nhanh là nhanh được. Mình phải kiên trì chờ đợi từ khi cây chỉ là bộ rễ, mầm lá, nụ rồi đến hoa. Hay có lúc cây bệnh, mình phải trồng lại từ đầu… Những điều đó dần dần giúp mình học được tính kiên nhẫn. Mọi khó khăn ấy đã tôi luyện cho mình có được đức tính tốt”.
Ngoài quây quần trên bàn ăn hay ngả lưng bên sofa xem phim, khu vườn chính là nơi giúp gia đình chị Dung gắn kết tình thân. Trong những ngày dịch bệnh, mọi người cùng nhau chăm sóc, nâng niu từng cây trồng. Bố mẹ sẽ cắt cây tỉa cành, hoặc trồng thêm giống mới. Các bé hào hứng phụ giúp bằng việc đẩy máy cắt cỏ hoặc tưới vườn. Tất cả các chi tiết ấy tạo nên một bức tranh “lãng mạn” như truyện cổ tích.
Hoa được chị hái và trang trí phòng ốc vô cùng xinh đẹp, lộng lẫy. |
Với riêng chị Dung, làm vườn như một sở thích chứ không phải là công việc gò bó. Sau mỗi giờ làm việc, chị duy trì thói quen ra vườn ngắm hoa, đồng thời phát hiện kịp thời sâu bệnh nhằm đối phó.
“Chỉ khoảng 30 phút hoặc 1 tiếng thôi nhưng nó đã trở thành một thói quen khó bỏ của mình”, chị Dung bộc bạch.
Góc nhỏ trong vườn là không gian thư giãn, nghỉ ngơi yêu thích của cả nhà. |
Ảnh: NVCC
Nguồn: vietnamnet.vn