Giữa cuộc sống bộn bề lo toan và khắc nghiệt suốt mấy mươi năm, trong tiết trời đầu thu khiến lá đổ vàng, một chút ký ức về Hà Nội khiến ta ấm lòng...
Một chút ký ức về Hà Nội và vài ba nốt nhạc về hoa sữa, Hồ Tây hay người thi sĩ lãng du cũng khiến ta thấy ấm lòng.
Tôi xuống bến tàu Erfurt, thủ phủ của tiểu bang Thüringen, nằm ở trung tâm nước Đức vào xế chiều những ngày đầu thu. Tôi theo chân một người đàn anh cũng làm nghề báo và đã sống ở Đức hơn hai năm đến dự một chương trình họp mặt “Người Hà Nội xưa và nay”.
Hôm nay với nhiều người Việt ở Erfurt, đó là một ngày trọng đại.
Chương trình "Hà Nội mùa ký ức" tại Erfurt. Ảnh: FB NQT
Đón chúng tôi từ bến tàu rất sớm, chú Tâm - một người Việt đã sống ngót vài chục năm ở Đức vẫn giữ vẻ niềm nở và hào hứng. Ông đưa chúng tôi ra xe, nói rôm rả về nhiều thứ, về bà con người Việt ở đây khi tôi còn chưa kịp định hình.
Tôi chỉ mới biết vợ chồng chú Tâm tầm đôi ba tuần lễ nhưng tôi cảm nhận được sự bươn chải của hai ông bà trên “vùng đất trái tim” của châu Âu.
Vợ chồng chú hay nói với tôi "một người trẻ xách ba lô sang Đức tìm đến giấc mơ tri thức (mới mẻ), rằng cuộc sống ở nước Đức không dễ dàng, nếu không muốn nói là phức tạp nhưng chuyện gì thì rồi cũng sẽ ổn.
Xe chú Tâm đưa chúng tôi đến nhà hàng Sen Hồng nằm trong khu vực rất đông người Việt sinh sống. Người Việt ở Erfurt và nhiều nơi trên nước Đức này (mà tôi từng gặp) cũng đều có những cảm nhận, chia sẻ như vợ chồng chú Tâm về cuộc sống của kiều bào tại đây. Việc mưu sinh trên chính đất nước mẹ đẻ của mình đã không dễ, huống chi là chốn đất khách quê người.
Một đại diện người Việt cho tôi biết người Việt ở đây chủ yếu làm việc chân tay, như công nhân cho các nhà máy, nông trường hay phục vụ quán xá, phụ giúp việc nhà. Người khá giả hơn thì kinh doanh các quán ăn Việt Nam, các cửa hiệu bán vải, tạp hóa hàng châu Á hay một ít người mua bán hàng hóa giữa Việt Nam và Đức.
Bữa tiệc với mục đích trước mừng họp mặt Hội Người Hà Nội xưa và nay Erfurt, sau mừng Ngày giải phóng thủ đô (10-10) thu hút hàng trăm khách người Việt. Mọi người tổ chức tương đối bài bản, từ khâu nghi thức, văn nghệ-tạp kỷ đến phần tiệc.
Chú Tâm bảo rằng:
“Cách đây ba năm mở ra Hội Người Hà Nội tại Erfurt này nhưng ý của chú là muốn người Việt Nam ở đây, dẫu là người Hà Nội hay không thì cũng tham dự và sẻ chia, bởi suy cho cùng đều là người Việt cả”.
Thế nên hàm ý Hà Nội xưa và nay cũng là để kêu gọi anh em người Việt tham gia.
Trong số người không phải người Hà Nội có cô Thoa, tay bưng một lúc hai khay bánh, hớn hở kể:
"Bánh do cô tự tay làm mang đến buổi tiệc. Cô bảo đến Đức thì cứ người Việt kêu gọi thì cùng nhau tham gia cho vui sau những ngày tháng vất vả mưu sinh".
Chương trình được chuẩn bị chu đáo và đậm chất Hà Nội. Ảnh: FB NQT
Buổi họp mặt khá náo nhiệt nhưng sự xôn xao của dòng người qua lại không thể che hết những khoảng cách của hiện tại và quá khứ. Hàng trăm người Việt đã ở đây suốt mất chục năm, chính vì thế cái cũ của quá khứ và cái mới của hiện tại đang tồn tại song song trong từng xentimét của bữa tiệc mừng.
Một bên là những cô, chú, bác ngoài 50 tuổi, thậm chí có người rất già vẫn ngân nga theo những bản tình ca Hà Nội với tấm phông nền sân khấu đề rõ “Hà Nội mùa ký ức” rất ấn tượng. Họ hoài niệm về một thủ đô rất lãng mạn.
Lãng mạn như những bài thơ tình mà chú Tâm vẫn thường sáng tác, có chút nhớ thương, có chút tình tứ pha lẫn những mùi vị đặc trưng khi Hà Nội vào xuân, sang hạ, chớm thu hay về đông.
Ngày còn đi học ở Việt Nam, tôi nhớ thầy tôi từng dạy khái niệm “hóa thạch ngoại biên”. Khi người ta càng đi xa quê hương, người ta càng hoài niệm về văn hóa cũ. Tôi cảm nhận người Việt ở đây cũng vậy, họ càng cô đơn trên đất khách thì càng níu giữ những giá trị quê nhà. Có khi là một vài món ăn, vài ba bài hát, câu thơ, những cuộc gặp mặt đồng hương, hay có khi là một tiếng thở dài.
Bên kia là con cháu của các kiều bào lại là một hình ảnh có chút khác biệt.
Từ phong cách ăn mặc, đi lại đến giao tiếp... hầu hết đều không còn tương hợp với thế hệ cha chú đang ngồi bàn trên nghe nhạc Hồng Nhung, Mỹ Linh hay Trần Thu Hà với nhiều cảm xúc.
Chúng trò chuyện với nhau bằng tiếng Đức hay chơi những trò chơi của những đứa trẻ Đức, thi thoảng ngước nhìn lên sân khấu với cảm giác lạ lẫm về chính những giai điệu của quê hương mình.
Tôi hỏi một đứa bé mặc trên mình chiếc áo dài xinh xắn:
“Cháu biết nói tiếng Việt chứ?”, cô bé ngơ ngác nhìn tôi với ánh mắt cầu cứu.
Tôi hỏi lại câu hỏi này nhưng bằng tiếng Đức, cô bé nhanh nhảu trả lời bằng tiếng Đức “Ja” (có) khiến tôi và người bạn ngồi cạnh bật cười.
Những đứa trẻ ở đây ít nhiều đều biết đến tiếng Việt, thậm chí có gia đình buộc con mình phải rành tiếng Việt để nhớ cội nguồn tổ tiên nhưng dẫu sao thì tiếng Đức vẫn ăn sâu vào tâm trí của chúng sau ngần ấy năm sinh ra và lớn lên trên nước Đức.
Những thế hệ xa quê hương Việt Nam nhiều thập niên, nay cùng nhau nhìn lại Hà Nội với chút nhớ thương. Ảnh: FB NQT
Một chút luyến tiếc về những bài hát về Hà Nội hay những bài thơ của chú Tâm bởi tất cả ngày càng trở nên xa xỉ với thế hệ cháu con.
Nhưng ngẫm lại thấy vui, bởi trong cuộc sống bộn bề lo toan và khắc nghiệt suốt mấy mươi năm, trong tiết trời đầu thu khiến lá đổ vàng, một chút ký ức về Hà Nội và vài ba nốt nhạc về hoa sữa, Hồ Tây hay người thi sĩ lãng du cũng khiến ta thấy ấm lòng.
ĐẠI THẮNG - PLO.VN