Người gốc Việt ở Đức và khác biệt thế hệ trước thềm bầu cử

Người trẻ gốc Việt đặt lòng tin tuyệt đối vào bà Merkel. Còn cha mẹ họ, những người cách đây hàng chục năm sang Đức tìm cuộc sống mới, lại tỏ ra hoài nghi và mong đợi thay đổi.

 

"Người Đức đã bớt tin tưởng Merkel rồi, SPD (Đảng Dân chủ Xã hội đối lập ở Đức) có phúc lợi tốt hơn".

"Merkel vẫn sẽ làm tốt. Không ai thay thế được Merkel cả".

Những cuộc tranh luận về chính trị luôn sôi nổi trong gia đình bà Đào Hạnh Minh mỗi mùa bầu cử quốc hội tới gần. Lần đầu đặt chân đến quốc gia liên bang vào đầu thập niên 1980 theo diện xuất khẩu lao động, bà Minh, quản lý tại một nhà hàng, đã trải qua hơn 30 năm cuộc đời tại Đức. Hai con trai của bà đều sinh ra và lớn lên ở đây. Nước Đức đón nhận bà cùng gia đình, còn bà cũng chứng kiến nhiều thăng trầm của nước Đức. 

Chủ nhật này bà dành lá phiếu cho đảng Dân chủ xã hội (SPD).

Góc nhìn chung, lý lẽ riêng

"Tôi và con trai có ý kiến khác nhau về 2 đảng. Tôi nghiêng về SPD vì họ có chương trình cho người già, người về hưu và cải tổ về thuế", bà Minh, 55 tuổi, nói với Zing.vn.

Bà Minh sinh sống tại bang Baden-Württemberg ở miền Tây Nam nước Đức. Đây là một trong ba bang có số lượng cử tri nhiều nhất. Cộng đồng người Việt và người gốc Việt ở bang này cũng rất đông.

"Bà con người Việt có vẻ thích SPD hơn, dân chủ xã hội mà", bà Minh cười. "Họ hứa đảm bảo sự yên lành cho người dân, CDU thì chưa dám hứa điều này". 

Đảng trung tả SPD đang thất thế khi kết quả các thăm dò ý kiến cử tri sát bầu cử đều "gọi tên" liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), vốn đã liên tục nắm quyền qua ba nhiệm kỳ kể từ năm 2005.

Con trai lớn của bà Minh có cái tên đầy "hữu nghị" là Việt Đức. Anh bày tỏ tin tưởng tuyệt đối với đảng cầm quyền.

"Mình bầu cho CDU/CSU (liên minh của bà Merkel) vì Schulz của SPD chỉ nói về những điều Merkel đã bỏ qua trong nhiệm kỳ vừa rồi mà không thực sự đưa ra phương án thay đổi nào cho nước Đức", kỹ sư 28 tuổi cho biết. "Mình và các bạn đồng lứa tin vào Merkel. Bà sẽ sửa chữa những sai lầm từ chính sách nhập cư của mình để làm tốt hơn", anh Đức quả quyết.

Anh cho rằng chính sách nhập cư gây tranh cãi của nữ thủ tướng còn nhiều điểm yếu mà ai cũng thấy, nhưng bà đã làm điều đúng đắn: "Đó là cách duy nhất để giúp những con người tội nghiệp thoát khỏi ảnh hưởng của chiến tranh. Mình vẫn thường nói với mọi người rằng chúng mình thật may mắn được sống trong một đất nước tốt đẹp và không có chiến tranh".

Bà Minh thì thể hiện quan điểm khác về vấn đề này: "Người Đức không ngại giúp đỡ, nhưng gần đây qua nhiều vụ việc không hay do người tị nạn đến Đức gây ra, chúng tôi không còn thấy đây là đất nước an toàn như trước nữa".

Người gốc Việt ở Đức và khác biệt thế hệ trước thềm bầu cử - 0

Foto: DPA

Lo ngại chủ nghĩa dân túy

Giới phân tích gọi cuộc bầu cử quốc hội Đức năm nay là sự kiện định hình liên minh châu Âu (EU) trong tương lai. Gia đình bà Minh cũng nghĩ như vậy, nhất là khi đời sống xã hội Đức chịu ảnh hưởng nhiều từ chính sách của EU và những vấn đề lớn EU phải đối mặt cũng là thách thức của nước Đức.

"Nếu các đảng có sự kết hợp với nhau thì tốt biết bao, nhưng đảng nào cũng vậy, họ hứa với dân nhiều mà đến khi phải thực hiện thì làm một cách từ từ lắm", bà Minh chia sẻ.

"Nhưng dù sao tôi cũng nghĩ CDU sẽ thắng thôi, vì ai cũng phải công nhận là bà Merkel làm tốt. Bọn trẻ sẽ không bầu đảng nào khác ngoài CDU đâu", bà cho hay. 

Anh Đức lần này vui vẻ đồng tình với mẹ, không quên nhắc lại rằng bà Merkel là lựa chọn tối ưu: "Mình nghĩ thế hệ trẻ biết rõ họ cần gì từ các nhà lãnh đạo, họ quyết đoán trong lựa chọn, còn người lớn tuổi hơn có vẻ vẫn còn nhiều lưỡng lự. Nước Đức khao khát thay đổi nhưng họ không có chính trị gia nào đủ giỏi để đánh bại Merkel".

Theo anh Đức, đây là cơ hội cuối của nữ thủ tướng nên bà sẽ làm hết sức để đảm bảo cuộc sống yên ổn cho người dân. Tuy vậy, anh cùng mẹ cũng bày tỏ hy vọng người Đức sẽ không "tự bắn vào chân" và đưa ra quyết định sai lầm.

"Hy vọng sẽ không có người Đức nào bỏ phiếu cho đảng AfD. Họ ủng hộ chủ nghĩa dân túy, họ bài ngoại, phản đối nhập cư. Nếu AfD dành nhiều ghế trong quốc hội thì thực sự đáng lo ngại", anh Đức nói. "Cá nhân mình không muốn đất nước này trở nên giống với Mỹ, Anh hay Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay". 

Thomas, con trai út của bà Minh vừa sang tuổi 19. Lần đầu tiên được tham gia bầu cử quốc hội, lựa chọn người lãnh đạo liên bang, nhưng Thomas không tỏ ra quan tâm đến thời cuộc như mẹ và anh trai.

"Lần đầu nên cậu ta không biết gì nhiều đâu, cũng chẳng bận tâm tìm hiểu. Cậu ta bảo sẽ bầu cho đảng nào mà để mình ít phải trả thuế hơn ấy", bà Minh cười lớn.

 

Nguồn: ZING

Bài viết liên quan