Người Việt ở Đức làm việc quá là chăm chỉ. Phải chăng sự quá chăm chỉ đó lại sinh ra những điều bất cập của người Việt nơi đất khách?
Ở Việt Nam phần lớn số người chết trẻ là do đói khổ, ô nhiễm môi trường , ăn phải thực phẩm bẩn, giao thông xấu, dùng thuốc giả...
Nhưng ở Đức này có bị ảnh hưởng những thứ đó đâu mà dịp này những người trẻ mới 40, 50, 60 tuổi đã cáo phó liên tục như sung rụng sau cơn bão.
Thật chẳng hiểu sao nữa. Hỏi ra mới biết là đại đa số những người ra đi trẻ trung như vậy, phần lớn là do lao động chăm chỉ quá.
Nói chung cái gì đã QUÁ là đều không hay
"Die Vietnamesen sind sehr fleißig" (Người Việt Nam rất chăm chỉ) - Đó là đánh giá của phần lớn người Đức dành cho đội quân tự hành nghề buôn bán lẻ người Việt chúng ta.
Nhiều người nghiện làm như nghiện ma túy vậy. Bởi cơn nghiện này thông qua những con nghiện đếm tiền vào buổi tối, để "đóng gạch", đóng gạch và đóng gạch.
Nhiều cặp vợ chồng có hàng chục mảnh đất và nhà ở Việt Nam mà vẫn cứ ngày lại ngày từ sáng đến tối quần quật như "trâu húc mả", ăn uống thì qua loa, ở thì nhà cũ, chỉ có ô tô là hay chơi xe đẹp để thể hiện "phong cách và đẳng cấp".
Làm quên cả đi khám bệnh định kỳ, đau ốm thì chủ quan, cứ tưởng là bình thường nên không đi khám vì e mất buổi làm việc, bằng ở Việt Nam làm cả tháng trời...Đùng một cái đau quá, không chịu được.
Đến viện. "Giai đoạn cuối". Và đi luôn!
Có người thì chết dần dần do những bệnh nghề nghiệp quá tải lâu ngày phá ra. Họ chết để lại cả một đống tài sản. Có gia đình do chồng nọ, vợ kia mà đến khi chia chác gia tài gặp nhiều rắc rối, có vụ còn gây ra án mạng. Còn cảnh tan cửa nát nhà thì có muôn vàn.
Người chết thì không mang nhà, mang đất và mang một vài viên gạch đi được. Người sống ôm đống của đó tiêu sài đi "tìm cọc, tìm trâu" mới. Con cái bơ vơ.
Tôi đã từng viết và đọc nhiều bài điếu văn bên này, tôi phải khóc và xót xa thực sự khi nhìn những mảnh ván rừng trong nhà tang lễ nơi đất khách quê người.
Các bạn ơi, Chúa nói:
"Của để đâu thì tâm hồn để đó, cái gì cố giữ thì sẽ mất".
Đức Phật thì khuyên ta cố diệt lòng tham (Tham, sân, si). Nho giáo thì coi của cái như đám phù vân (như đám mây bay gió cuốn).
Lý Bạch nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường có viết: "Phàm các thứ trên đời đều có chủ của nó, chỉ có trăng thanh, gió mát thì lấy bao nhiêu cũng được"...
Vẫn biết con người phải lao động và yêu lao động, nhưng cũng phải có lúc nghỉ ngơi, chăm chút sức khỏe cho mình.
Chúa cũng khuyên:
Các ngươi phải yêu thân thể của mình. Ta yêu thân thể của mình là ta thương yêu và kính trọng mẹ cha ta đã sinh thành ra ta. Những người yêu Chúa thì thân thể còn được coi như đền thờ của Đức Chúa Trời...
Chúc các bạn có nhiều sức khỏe, có cách lao động kiếm tiền thông thái hơn và phải nghĩ thành quả mình làm ra để rút cục giải quyết cái gì?
Và quỹ thời gian của chúng ta còn bao lâu nữa? Chúng ta có phải là ông Bành đâu* !
* Tương truyền ông Bành Tổ sống 800 năm.
Tác giả: Nguyễn Doãn Đôn
Facebook