Tết là khoảng thời gian để sum họp gia đình, nhưng nhiều du học sinh chọn ở lại ăn Tết ở nước sở tại để tiết kiệm chi phí và tập trung học tập, làm việc.  

Lê Quốc Khánh (SN 1997) đang theo học ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Nebraska (Mỹ) được 5 năm. Từng ấy thời gian, nam sinh không về Việt Nam ăn Tết vì chi phí học tập và đi lại cao. Hơn nữa, từ năm thứ 3 trở đi, việc gia hạn lại visa trở nên khó khăn.

“Từ ngày sang Mỹ, mình chưa về quê ăn Tết bao giờ. Lúc đầu cũng nhớ nhà lắm nhưng rồi quen dần, mình cũng dễ thích nghi vì sống tự lập từ nhỏ”, Khánh nói.

1 Nhung Du Hoc Sinh Chon An Tet Noi Dat Khach

Lê Quốc Khánh.

Nam sinh dành rất nhiều thời gian vào việc học và “không có thời gian để buồn”. Khánh thường xuyên chơi games với bạn bè để giải trí hoặc đi tập gym khi rảnh. Vì vừa đi học vừa đi làm nên Khánh không có nhiều thời gian chuẩn bị cỗ Tết.

“Mình không có quá nhiều bạn nên chắc chỉ nấu các món đơn giản để đón năm mới. Mình cũng chưa có dự định tổ chức tiệc vì mình khá bận”, Khánh nói.

Sang năm mới, Khánh mong có thể tốt nghiệp loại xuất sắc và tập trung làm việc. Ước mơ của nam sinh là trở thành 1 kỹ sư phần mềm máy tính cho các ông lớn công nghệ như Facebook, Apple, Netflix, Google…

2 Nhung Du Hoc Sinh Chon An Tet Noi Dat Khach

Trần Vũ Hồng Hà.

Ngược lại với Khánh, Trần Vũ Hồng Hà (SN 2001) theo học tại Đại học Myongji (Seoul) quyết định ở lại Hàn Quốc để trải nghiệm không khí Tết nước ngoài. Nữ sinh cho biết mình và bạn cùng phòng đang cùng nhau chuẩn bị một mâm cơm “chuẩn Việt”, có bánh chưng, giò chả, xôi, thịt đông…

“Đây là lần đầu tiên em ăn Tết xa nhà mà lại còn ở nước ngoài. Cỗ bàn của người Hàn khác với Việt Nam nhiều nên em không quen. Vì thế, em cũng cố gắng tự sắp đủ mọi thứ như bố mẹ làm mặc dù hồi ở nhà em chỉ biết phụ nấu. Tết không có cảm giác như ở nhà dù vẫn được thưởng thức hương vị các món ăn truyền thống”, Hà nói.

Tuy cũng đã chuẩn bị tinh thần ăn Tết xa quê nhưng nữ sinh không tránh khỏi những lúc nhớ nhà.

“Khi em gọi về thấy bố mẹ đang tất bật chuẩn bị Tết ở nhà ông bà, em cũng chạnh lòng. Ngày trước em còn lười làm nhưng khi xa nhà rồi em mới thấy mâm cơm gia đình có ý nghĩa như thế nào”, Hà chia sẻ.

Hà cũng cho biết hiện tại là kì nghỉ Đông của Hàn Quốc nên nhiều du học sinh Việt Nam chọn ở lại đi làm.

“Ở Hàn, mọi người sẽ được nghỉ Tết 3 ngày. Các bạn em biết hầu hết đều tự trả tiền học và sinh hoạt phí nên thường sẽ ở lại làm thêm xuyên Tết để kiếm thêm thu nhập. May mắn em xin được công việc ổn định tại văn phòng nên không quá vất vả. Hiện tại công ty cũng đã cho nhân viên nghỉ Tết”, Hà nói.

Nguyễn Quốc Cường (SN 2000) đang theo học tại Học viện Nhật ngữ Nippon Academy (Nhật Bản) cũng không về quê ăn Tết.

“Dịch tại Nhật trong 2 năm vừa qua rất căng nên em không bay về Việt Nam, hơn nữa chi phí cho vé máy bay và cách ly đắt. Những lúc nhớ nhà, em thường đi dạo công viên hoặc đọc sách”, Cường nói.

3 Nhung Du Hoc Sinh Chon An Tet Noi Dat Khach

Hơn 100 năm qua, Nhật Bản không đón Tết Âm lịch nên mọi người vẫn đi làm và đi học bình thường. Nam sinh cũng cho biết đang lên kế hoạch mua nguyên liệu về làm nem, nấu canh ăn Tết.

“Những ngày đầu mới sang Nhật còn khó khăn về kinh tế nên mâm cơm Tết đơn giản. Dần dần đi làm thêm có tiền, mọi người tổ chức tươm tất hơn. Hàng năm, cộng đồng du học sinh Việt Nam sẽ tổ chức lễ hội mừng năm mới, có nhiều hoạt động như gói bánh, làm cây nêu, nấu cỗ…. nhưng năm nay phải hủy vì dịch bệnh”, Cường kể.

Nam sinh hy vọng hè có thể về Việt Nam. Hiện tại, Cường cũng đặt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi vào tháng 4 và có được công việc đúng chuyên ngành ở công ty Nhật.

Doãn Hùng

Nguồn: vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC