Hannover là một thành phố lớn ở miền tây nước Đức, có khá đông người Việt sinh sống, học tập và làm ăn.

Người Việt sang đây chủ yếu mở những sạp hàng ở chợ, mở tiệm ăn. Dân buôn bán thường quan niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành để cầu mong thần thánh phù hộ.

Hầu như những tiệm người Việt kinh doanh đều có góc thờ thổ công, thờ Phật. 

Họ luôn giữ tục lễ thờ cúng tổ tiên và tảo mộ đầu xuân. Mồ yên mả đẹp, con cháu làm ăn phát tài.

Những linh hồn tha hương ở Đức - 0

Friedhof Seel Horst – một nghĩa địa lớn nhất ở Hannover được xây dựng từ 1920, rộng hơn 68 hecta cách phía Tây Berlin 300 cây số.

Thành phố âm giống như một công viên rộng lớn và yên tĩnh.

Nơi đây cũng là sân chơi cho các nhà điêu khắc, họa sỹ, kiến trúc thể hiện tài năng nên nghĩa địa rất đẹp với những bức phù điêu, tượng, rừng cây to che nắng.

Những viên gạch đánh dấu phận người ở Đức

Lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy nghĩa địa lớn ở châu Âu có nhiều người châu Á yên nghỉ.

Dường như khi sống họ quần tụ dựa vào nhau, giờ đây xuống thế giới bên kia họ cũng muốn gần nhau để trò chuyện.

Nhiều người Việt qua Đức nhưng không biết tiếng, chỉ quanh quẩn giữa cộng đồng người Việt, khi sang thế giới bên kia họ cũng khát mong tụ lại với nhau để hàn huyên chia sẻ nỗi niềm.

Người bạn rủ tôi vào thắp hương cho người anh trai bị bệnh vừa mất nằm ở nghĩa trang này.

Qua nhiều khu mộ đẹp, như đi dạo trong công viên, đến khu đất trống hếch trống hoác, hoang vắng, dù cỏ cũng được cắt bằng phẳng.

Cả khu nhếch nhác với dăm cái mộ lè tè, cỏ lưa thưa xung quanh, bát, gạch nằm lỏng chỏng, rải rác.

Buồn khi trông thấy có viên gạch sứt nằm lăn lóc giữa bãi cỏ viết nguệch ngoạc tên người Việt còn rất trẻ dưới 18 tuổi.

Chỉ có 2 mộ được trồng loại cây chịu lạnh xung quanh mà người châu Âu hay trồng làm hàng rào để quanh năm xanh.

Hai cái biển bé tí bằng bàn tay viết tên đã nghiêng sắp đổ vì mưa gió. Vài ba cái chậu hoa lún phún như đồ chơi trẻ con.

Người bạn bày cam, kẹo bánh và rót rượu, châm điếu thuốc để lên ngôi mộ mới còn đơn sơ. Nếu không có viên gạch và cái biển nhỏ thì không thể nhận ra đây là một nấm mồ.

Những linh hồn tha hương ở Đức - 1

Thắp nhang cho tất cả

Ở VN ngay ở cánh đồng, mộ thường đắp rất cao.

Nhưng ở đây, mộ chỉ thấp gần như bằng phẳng với cỏ, hòa lẫn trong cỏ, được đánh dấu bằng viên gạch các cỡ to nhỏ giống như thời bao cấp ở Việt Nam xếp hàng bằng gạch.

Người bạn châm lửa đốt nguyên cả bó hương to.

Tôi ngạc nhiên vì thường người ta chỉ thắp 3 nén, 9 nén, ít ai đốt cả bó to.

Hóa ra người bạn thắp 3 nén trên nấm mộ người anh còn mới sạch nhất ở bãi cỏ đó, rồi nhờ tôi đi vòng cắm giúp một dãy cứ cách nhau 50 cm kể từ nấm mộ của vừa cắm, có biển ghi tên đi về phía tay trái, còn người bạn cắm phía tay phải, rồi đi vòng xuống ba vòng.

Tôi chưa từng thấy phong tục nào mà thắp hương cắm xuống đất khắp nơi và đi ba vòng.

Tôi thắc mắc hỏi nghi lễ gì mà thắp hương như thế. Người bạn giải thích :

“Mộ hết đấy, nhưng chẳng có bia, biển vì chẳng có ai trông. Tụi em thấy tội nghiệp, nhân thể đến thì thắp chung, mời các linh hồn đến hưởng lộc.Dưới đó họ có thể là bạn của nhau, toàn người Việt cả. Họ đều chết trẻ, chắc linh thiêng”.

Đường sá xa xôi, âm dương cách trở

Luật ở Đức, khi đem hỏa thiêu nếu chưa có gia đình đến nhận thì chôn tạm hoặc gửi tạm ở khu quy định. 

Sau này người thân muốn nhận xin chuyển đến nghĩa địa khác, mang về quê hay xin xây cất sẽ phải làm thủ tục nộp một lệ phí nhất định.

Mỗi một ngôi mộ tạm thời giá khoảng hơn một nghìn euro, nhưng nếu đặt biển hay xây tạm thời cùng phải 2 hay 3 nghìn euro nữa.

Hầu như những người Việt này sang Đức không hợp pháp, bị tai nạn giao thông, bệnh tật, không gia đình.

Cộng đồng người Việt ở Đức chưa giàu mạnh. Nghĩa tử là nghĩa tận, cộng đồng hay bạn bè quyên góp chỉ giúp được đưa nằm tạm ở đó chờ người thân.

Đa số họ còn rất trẻ, đang ở tuổi lao động. Mộ không có biển nhỏ khắc tên trên đó.

Do ở bất hợp pháp, khi còn sống, những người này luôn lo sợ bị chính quyền Đức bắt hồi hương, nên họ thường sử dụng tên giả, khai quê giả để gây khó khăn cho chính quyền Đức và tòa đại sứ khi những cơ quan này muốn xác định danh tính, kiểm tra giấy tùy thân.

Nay khi đã lìa đời, họ được người quen đưa đến khu đất đó nằm, mà danh tính nhiều khi không được rõ ràng.

Bạn bè, người quen lâu dần cũng chẳng ai ghé thăm nữa…

Những linh hồn tha hương ở Đức - 2

Khu mộ người Việt tạm thời chỉ có hai ngôi mộ được người nhà trông nom, xung quanh hàng chục ngôi mộ không tên

Khi rời VN, họ cũng như gia đình mộng một tương lai rực sáng nơi châu Âu.

Cha mẹ gia đình đâu nghĩ đến con em mình đi xuất khẩu giả, sang châu Âu đi lao động chui lủi, làm thuê cho cộng đồng người Việt, sống vất vưởng bất hợp pháp.

Chưa kể họ phải còng lưng bươn chải ngày đêm để kiếm tiền gửi về gia đình trả nợ chi phí cho chuyến đi.

Có người không có bằng lái xe, hoặc dùng bằng lái xe giả mua ở VN, liều mạng lái xe chở hàng bị thiệt mạng trong tai nạn xe hơi.

Có người sang bị bệnh nặng vào bệnh viện không có tiền trả viện phí, vì chủ không trả tiền bảo hiểm xã hội, do không có giấy cư trú.

Tất nhiên nước Đức với tinh thần nhân đạo vẫn điều trị nhưng bệnh nặng, không qua nổi.

Cộng đồng chỉ còn cách đưa đi chôn tạm ở đó, rồi tìm cách thông báo cho thân nhân.

Tôi còn được biết những trường hợp người đã khuất có họ hàng, nhưng những người này mới sang quá nghèo không dám nhận gia đình để đỡ phải trả tiền thuê đất đặt mộ, tiền viện phí và mọi chi phí khác.

Họ chỉ nhận là đồng hương giúp đỡ và hứa sẽ liên lạc người thân ở Việt Nam. Không hiếm người gia đình ở quê hương nghèo khổ không qua đưa con về được.

Trường hợp tên giả, quê giả thì đành bó tay. 

Hơn nữa việc qua Đức rất tốn kém, thủ tục không đơn giản, chưa kể ngôn ngữ bất đồng.

Thôi thì cha mẹ, gia đình đành để người thân nằm mãi mãi nơi đất lạ lạnh lẽo tuyết sương.

Mưa lất phất.

Hương cắm thẳng xuống đất, cháy leo lắt trong gió lạnh, vài cọng hương cũ vương vãi, không một bát nhang, vài bông hoa lèo tèo làm khung cảnh càng ảm đạm.

Những người Việt tha hương này khi sống lay lứt, chết cũng như những viên gạch vô danh nằm lăn lóc nơi đất khách quê người.

Trong khi ngay những khu bên cạnh, thỉnh thoảng có một vài mộ người Việt được chăm non, ốp phiến đá lớn khắc tên trên mộ rất cẩn thận.

Xa xa thấp thoáng vài bóng người Đức đang quét dọn và tưới hoa quanh mộ người thân trong khu rất quy hoạch quy củ và trang trọng.

Thăm mộ xong, chúng tôi ghé vào chùa Viên Giác – một ngôi chùa lớn nhất ở Đức nằm tại Hannover.

Mọi người đi lễ khá đông.

Thắp nén hương trước bàn thờ Phật, tôi cầu mong cho những linh hồn người Việt vô thừa nhận sớm trở về trong lòng đất quê hương, nằm bên cạnh người thân.

 

Nguồn: Trần Thu Dung
Báo Tiền Phong




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC