Ông chồng Đức của tôi, chẳng biết quá duyên hay vô duyên mà va phải nhau, để rồi đụng nhau chan chát do những khác biệt văn hóa. Chồng tôi phải trải qua một quá trình để thích nghi với lề thói ở quê vợ.

 

Cảnh tượng ông Tây mắt xanh mũi lõ miệng ngậm cái tăm sau bữa ăn và đi thăm họ hàng ngồi uống nước trà tờm tợp đã không còn quá xa lạ ở quê tôi. 

Rể Tây và những chuyện bi hài khi ‘nhập gia tùy tục’ ở Việt Nam - 0

Từ chuyện ngồi taxi thắt dây bảo hiểm

Vợ chồng tôi sau bốn năm kết hôn, “sản xuất” liền tù tì hai nhóc, cũng sắp xếp được thời gian đưa các con về quê hương hội ngộ ông bà ngoại. Đương nhiên với giao thông Việt Nam, nỗi ám ảnh nghẹt thở nhất là sang đường, chồng tôi chẳng dám để vợ chở xe máy mà ngồi vắt vẻo phía sau.

Thế nên vợ chồng, con cái cứ mỗi lần đi đâu là một bước taxi, hai bước taxi.

Thói quen đầu tiên khi vừa bước lên xe đã ăn sâu vào tiềm thức của người phương Tây, và chồng tôi cũng không ngoại lệ, là thắt ngay dây bảo hiểm và ngồi ngay ngắn, trong khi tài xế và bà vợ ngồi sau vẫn thấm đẫm chất Việt, chả để ý gì đến cái dây “của nợ” ấy cả.

Chồng tôi rất ngạc nhiên với sự thờ ơ đó của người Việt, hay căn vặn vợ là thói quen nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn, coi như đang tự bảo vệ mình trước những thương tổn có thể xảy ra khi va chạm giao thông, tại sao người Việt lại không biết sử dụng đúng giá trị để cái dây đó phát huy tác dụng.

Bà vợ ậm ờ cho qua chuyện, vì đang mải tán dóc với bác tài cũng có nhiều chuyện sưu tầm được sau mỗi lần chở khách.

Cả xe đang rôm rả, bỗng nghe “rầm”. Thì ra là con chó nhà ai chạy cắt ngang qua đường, bác tài thắng gấp cái “kít” và đổ nhoài người về phía trước, trong khi chồng tôi, vì trước đó đã thắt dây bảo hiểm, nên ngồi điềm nhiên không xi nhê gì.

Bà vợ cũng bị đụng đầu cái “cốp” vào thành ghế xe trước, nhưng bấm bụng chả dám ho hoe nửa lời vì trót “há miệng mắc quai”.

Con chó tru lên sợ hãi, chạy biến vào hẻm, cũng may chưa va chạm trực tiếp nên cả xe lẫn chó không ảnh hưởng gì. Mỗi tội sau lần đó, bà vợ mỗi lần bước lên taxi, việc đầu tiên là hỏi bác tài:

“Xe của bác dây bảo hiểm vẫn hoạt động tốt chứ? Tôi muốn sử dụng chúng”.

Mặc dù đi taxi ở làng quê có đôi chút nghi ngại là ngoài mình ra, chẳng thấy ai khác trong xe thắt dây bảo hiểm cả, nhưng chồng tôi vẫn cực thích sử dụng phương tiện này. Khi tôi nói giá tiền từ quê lên thành phố là 75 nghìn đồng, lão ồ lên khoái chí vì quá rẻ và không quên phàn nàn rằng ở Đức, đi taxi từ nhà mình lên phố mất những 75 euro.

Rể Tây và những chuyện bi hài khi ‘nhập gia tùy tục’ ở Việt Nam - 1

Chồng tôi và hai con trong lần về thăm quê ngoại.

Đến chuyện “người đi không bực bằng chực nồi cơm”

Khi gia đình tôi về thăm quê, bố mẹ tôi có đứng ra tổ chức một bữa cơm thân mật, gọi là để chúng tôi ra mắt họ hàng. Chuẩn bị rộn ràng từ sớm đến trưa, cỗ bàn đã xong cả, chỉ chờ người ngồi vào mâm mà vẫn không thấy ai cả. Hóa ra là họ chờ bố tôi mời lại.

Gọi là mời lại, vì tối hôm trước bố tôi đã “mời đi” rồi, rằng là giờ nọ giờ kia sáng ngày mai mời các cụ, các bác tới dự bữa cơm thân mật với gia đình chúng tôi, có các cháu “ở bển” mới về.

Chồng tôi ngạc nhiên tột độ vì sao lại phải kỳ công mời mọc khách nhiều lần như thế. Họ đã nhận lời mời lần một rồi thì hôm sau cứ thế mà đến đúng giờ và tiến hành thôi, giờ mất công gia chủ đi mời lần hai.

Bà vợ là tôi lại phải thanh minh, rằng ở quê mọi người khi được mời đến ăn cỗ vẫn khách sáo giữ cho mình thói quen như thế, ai cũng cho rằng “miếng ăn là miếng tồi tàn”, không ai muốn đặt mình vào thế bị đánh giá “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau”.

Thế nên khách mời luôn làm cao đợi gia chủ mời đi mời lại, chèo kéo mấy lần thì mới đến ngồi vào mâm cùng gia đình.

Sau buổi liên hoan đó, tôi đã ngồi trò chuyện với gia đình, thống nhất lại cách thức để giảm thiểu vất vả cho những lần cỗ sau là chỉ đi mời một lần.

Ai đến được thì đến, ai từ chối thì cũng đưa ra quyết định ngay lúc đó để gia chủ có kế hoạch cụ thể và sắp đặt cỗ bàn sao cho hợp lý, tránh đưa con rể Tây vào thế băn khoăn khó hiểu và “người đi không bực bằng người chực nồi cơm”.

Khách đến nhà pha trà mời uống

Ở Việt Nam, mỗi khi có khách tới chơi nhà, việc đầu tiên là chủ nhà pha trà mời khách. Vợ chồng, con cái chúng tôi buổi sáng hôm đó đi một vòng quanh ngõ xóm, đến thăm tới nhà thứ tư thì chồng tôi kêu chóng mặt buồn nôn và muốn vào nhà vệ sinh. À thì ra là lão “say” trà.

Thứ trà móc câu Việt Nam đậm đặc như thế, mà chồng tôi đến nhà ai, khi chủ nhà vừa rót mời là lão ngửa cổ tu cái ực. Gia chủ khéo léo liếc nhìn, thấy chén trà đã vơi, lại rót tiếp, lão lại làm cái ực, lại rót, lại ực. Bảo sao đến nhà hàng xóm thứ tư lão chả nôn nao khó chịu.

Từ bé đến giờ “lão” chỉ quen uống bia kiểu ực này ở nước sở tại, chứ đã uống trà móc câu này bao giờ đâu.

Tôi đi theo sau ông chồng vào nhà vệ sinh của bác hàng xóm, mới bỏ nhỏ vào tai chồng:

“Từ bây giờ, khi chủ nhà mời trà, anh đừng uống 100%, bao giờ cũng chỉ khéo léo nhấp môi và để lại khoảng hai phần ba chén. Khi lượng trà trong chén luôn bảo toàn ở mức như vậy, gia chủ sẽ không rót tiếp nữa và anh cũng không bao giờ lại bị say trà”.

Chồng tôi áp dụng ngay “chiêu” của vợ, quả nhiên hiệu quả. Bà vợ liếc nhìn cách hành xử của chồng với chén trà, thấy có sự khác biệt. Lão cũng nâng lên đặt xuống cái chén nhưng chỉ nhấp môi nhè nhẹ và cũng biết giúp chủ nhà giảm bớt tâm trí vào việc rót trà bằng cách chăm chú lắng nghe và “à, ừ” theo câu chuyện nổ như pháo rang của bác, trong khi thực chất chẳng nghe và hiểu rõ một chữ tiếng Việt nào.

Chỉ 4 tuần ở Việt Nam về thăm quê vợ mà ông chồng Tây của tôi học được khối thứ hay ho.

Từ chỗ quen ngồi ghế cao và ăn trên bàn theo cách ở nước sở tại, giờ chồng tôi đã biết khoanh chân ngồi xếp bằng như một công dân Việt Nam thực thụ, ăn xong cũng ngậm cái tăm và đi lại vênh váo như thật.

Chồng tôi còn bày tỏ rằng “muốn quay lại quê vợ lần sau sớm nhất có thể” vì văn hóa Việt Nam có quá nhiều thứ hay ho và tình cảm bà con chòm xóm luôn đầm ấm.

 

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC