Đêm yên tĩnh… những bông tuyết khẽ khàng rơi ngoài hiên, có bông đáp hờ hững trên bậu cửa sổ. Thoảng mùi hương trầm dịu dàng trong căn phòng nhỏ. Tôi hít một hơi thật sâu như muốn được cảm nhận đầy đủ phút giao thừa linh thiêng nơi quê mẹ, cũng đang rộn ràng trong trái tim tôi.

Đứa con vẫn biền biệt phương trời, vẫn đau đáu ngồi đếm nhớ thương trong những ngày Tết đến. Khi cơn gió nồm thổi bung chiếc lá bàng khẽ gieo mình trong se lạnh, chạp ghé về.

Nhớ cái tết quê hương

Buổi học cuối năm kết thúc, bọn trẻ con háo hức chạy thật nhanh về nhà, chỉ có tôi thấy lo lắng. Cả khu tập thể nơi gia đình tôi ở rộn ràng hẳn lên. Cái giếng công cộng đầu hồi, mùa khô dù sắp cạn nước vẫn rất tấp nập.

Người rửa lá dong, người giặt chăn chiếu, người cạo xoong nồi. Tiếng cười, tiếng nói rôm rả vang xa, loang trong chiều buốt lạnh. Riêng tôi ấm ức vì một mình phải lột vỏ đôi cân hành, xiết lưng rá đỗ.

Phải còng lưng vừa thau, vừa đổ đầy bể nước lớn và rửa hơn trăm chiếc lá dong. Mùi hăng của hành làm tôi mờ mắt. Bàn tay nhỏ bé sun lại, tím tái, gồng hết sức mình để vặn đống chăn màn to sụ đem phơi khô cho kịp Tết về.

Vừa làm mà nước mắt cứ chực rơi. Mẹ bận việc cơ quan, hai em trai tôi còn nhỏ. Chỉ có bố thỉnh thoảng động viên “con gái chịu khó lên, ngày Tết mọi thứ phải sạch sẽ, thơm tho con ạ”, tôi lại cố.

Làm món gì bố cũng kéo tôi vào phụ giúp và chỉ bảo cho tôi. Bố nói con gái phải đảm đang, biết nội trợ sau này mới dễ sống con ạ. Đêm đó bố thức trắng, tra nước cho nồi bánh sôi lục bục. Chị em tôi quẩn quanh, ngồi chơi tiến lên, vùi khoai nướng trong đống than hồng rực.

Mùi lá bánh quện cùng gạo nếp đỗ xanh theo hơi nước thơm lừng. Hương Tết dập dìu tỏa ra từ mâm ngũ quả, từ bó hoa xuân đủ sắc màu, từ mùi chăn chiếu mới, từ quần áo thơm tho, xốn xang khắp cả gian nhà.

Đêm giao thừa bố đốt băng pháo thật to, thật đanh, những chớp lửa lóe lên xanh lét. Tôi cố bịt tai vì sợ nhưng lại thích hít hà sâu mùi hương đặc biệt đó, mà đi suốt cuộc đời tôi chẳng thể nào quên.

Sáng mùng một, chị em tôi so mình trong chăn ấm, muộn hơn thường lệ. Bố mẹ đang làm cơm thắp hương. Mùi đồ ăn nóng hôi hổi, thơm phức, quện lấy mùi trầm vấn vít khiến tôi tung chăn bật dậy. Không khí xuân tươi mới đang len lỏi khắp căn nhà.

Cả gia đình hạnh phúc, quây quần bên mâm cơm thụ lộc đầu năm. Bố vui vẻ lì xì cho chị em tôi những đồng tiền mới cứng với lời chúc: “Các con luôn mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học thật giỏi trong năm mới nhé”. Lúc đó tôi thật ngốc nghếch vì chỉ biết nhận tiền, nhận lời chúc của bố nhưng chẳng biết chúc lại bố mẹ điều gì.

Tết giờ chẳng còn trọn vẹn

42 1 Tet Xua   Tet Nay O Duc Quanh Hiu Toi Nho Nhung Cai Tet Viet Con Bo

Bố tôi, người vẫn luôn mang Tết về – Ảnh: C.LAN

Vậy mà ông trời không thương, sớm kéo bố tôi ra đi vào một chiều thu ảm đạm. Mẹ đổ bệnh, những trận ốm kiệt quệ sức lực. Chị em tôi bơ vơ, lẫm chẫm lần bước vào đời. Khi lớn khôn, có công việc ổn định, mỗi dịp Tết về tôi vẫn cùng mẹ lo chu toàn một cái Tết ấm êm như bố thường chỉ dạy. Nhưng mãi mãi, chẳng bao giờ tôi còn nghe thấy giọng “khà” của bố, thấy dáng người thoăn thoắt ngồi gói bánh chưng, những tảo tần sớm hôm vì đàn con thơ dại.

Nhìn về thực tại, đêm trời Âu lạnh lắm, khiến tôi miên man trong tận cùng suy nghĩ.

Tôi theo chồng xa xứ, sống ở một thành phố nhỏ thuộc CHLB Đức, đã đón 13 cái Tết quạnh hiu. Có cái Tết chỉ mình tôi cô đơn trong căn phòng trống trải.

Nhiều cái Tết sấp ngửa với công việc, ngẩng mặt lên, mơ hồ thời khắc giao thừa đang tới mà thấy lòng nhớ quê hương quặn thắt. Đó cũng là dấu mốc 13 năm tôi bươn chải trên đất người với bao mưu sinh nhọc nhằn, gian khó.

Tôi không dám nói mình đã thành công, dù vậy có thể nói mình sống vững vàng nơi xứ lạ là nhờ những gì bố chỉ dạy cho tôi. Không bao giờ ngại khó, ngại khổ, luôn năng động tìm tòi trong công việc, rồi thành công và hạnh phúc sẽ tìm đến với mình. Nhưng hạnh phúc hay tiền bạc đối với tôi, đứa con biền biệt tha hương, chưa hẳn đã đủ bình yên trong sâu thẳm tâm hồn.

Chỉ mỗi khi heo may về ngang ngõ, tôi lại ngồi đếm kỷ niệm xưa, ngôi nhà thân yêu của tôi, giếng nước đầu hồi, hơi rượu cay nồng… Tất cả như còn đâu đó. Và bố tôi, người vẫn luôn mang Tết về, thắp lên ngọn lửa yêu thương trong căn bếp ấp iu.

Nguồn: TRẦN THỦY

Báo tuổi trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC