Hơn một phần tư thế kỷ sau khi nước Đức thống nhất, cộng đồng người Việt ở Đức đã dần đi vào ổn định, gần đây được dư luận Đức đánh giá tốt, coi là một cộng đồng hội nhập tốt vào xã hội Đức.
Hơn một phần tư thế kỷ sau khi nước Đức thống nhất, cộng đồng người Việt ở Đức đã dần đi vào ổn định, gần đây được dư luận Đức đánh giá tốt, coi là một cộng đồng hội nhập tốt vào xã hội Đức.
Những người thuộc diện „hợp tác lao động“ thì dưới thời CHDC Đức trước đây, dù có kết hôn cũng không được sinh con, đẻ cái, nhưng đã không còn bị cấm sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Giờ đây, những đứa trẻ được sinh ra trong nước Đức thống nhất, hoặc được đưa từ Việt Nam sang theo diện „đoàn tụ gia đình“ đã lớn lên.
Một mặt, chúng mang lại cho cộng đồng người Việt niềm tự hào, khi phần lớn học giỏi, tỉ lệ được nhận vào trường trung học Gymnasium để có thể trực tiếp vào đại học khá cao, thậm chí nhiều hơn cả học sinh Đức.
Mặt khác, môi trường học tập và sinh hoạt của các cháu đã làm bộc lộ mâu thuẫn thế hệ vốn có, được tăng lên gấp bội do khác biệt về ngôn ngữ và tư duy, thậm chí về văn hóa nữa.
Đối với nhiều gia đình người Việt ở Đức, có thể nói giữa cha mẹ và con cái cũng „bất đồng ngôn ngữ“ và để thực sự hiểu nhau cũng còn khó khăn hơn.
Con cái đi học ở trường Đức, nói tiếng Đức trôi chảy, tư duy cũng bằng tiếng Đức, nhưng nói tiếng Việt không đủ để có trao đổi, tranh luận nhiều bằng tiếng Việt. Phần lớn các cháu đã tư duy bằng tiếng Đức rồi mới diễn giải ra bằng tiếng Việt.
Cha mẹ chúng thì ngược lại, nói không đủ tiếng Đức để trao đổi những vấn đề sâu sắc, kể cả phần lớn những người có thể nói là thạo tiếng Đức, vì đã từng học đại học ở CHDC Đức trước đây, nhưng vẫn thường tư duy bằng tiếng Việt trước khi diễn đạt lại bằng tiếng Đức, vì họ không học tiếng Đức từ bé như con cái họ.
Giữa cha mẹ và con cái, quan niệm về giá trị, văn hóa và lý tưởng cũng khác nhau.
Phần lớn cha mẹ Việt đều muốn con mình học giỏi và cảm thấy vinh dự, tự hào khi còn mình học giỏi hơn con người khác.
Họ sẵn sàng lao động vất vả, đầu tắt mặt tối để kiếm tiền nuôi con ăn học, đối với bản thân mình thì phiên phiến cũng được.
Hầu như tất cả đều mong muốn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con theo khả năng ở Đức, nhiều người còn muốn kiếm và dành dụm được nhiều tiền để cho con, thậm chí muốn mua nhà để sau này để lại cho con.
Nhưng con cái họ được giáo dục theo kiểu Đức, nên nhiều người không muốn có thêm nhiều tiền, họ mong muốn cha mẹ có thêm thời gian dành cho con cái, trò chuyện và cảm thông với những suy nghĩ và sở thích của chúng.
Thậm chí có người đã mua nhà trả góp, nói là sau này cho con mà chúng cũng không muốn nhận.
Con cái chưa quan tâm tới việc sở hữu nhà, bởi vì còn phụ thuộc vào công ăn việc làm sau khi ra trường. Xin được việc ở đâu sẽ thuê nhà ở tại đó.
Về lựa chọn ngành nghề, trong nhiều gia đình Việt Nam, cha mẹ thường bắt con học đại học ngành này hay ngành khác như ngành y, ngành luật, những ngành mà họ coi là được xã hội trọng vọng hoặc kiếm được nhiều tiền, mà chẳng quan tâm tới việc con cái thích học gì, muốn làm gì sau này theo ý thích và sở trường của mình.
Nhiều người trong giới trẻ giờ đây không chịu nổi áp lực quá lớn của cha mẹ, lúc nào cũng đòi con phải học thật giỏi, lúc nào cũng phải điểm 1, lúc nào cũng phải quan tâm tới gia đình, coi việc học giỏi là trách nhiệm để mang lại danh dự cho gia đình.
Một tờ báo Đức mới đây đã kể lại trường hợp một gia đình người Việt, cho thấy ranh giới ngôn ngữ, văn hóa và giá trị nhiều khi ngăn cách ngay trong một gia đình:
„Thao Tran (Trần Thảo?) sinh năm 1992. Cha mẹ cô từ Việt Nam sang Cottbus năm 1988.
Thảo cho biết: „Tôi đã luôn học tốt ở trường, từng muốn sau này trở thành bác sĩ, từng muốn làm mọi việc để gia đình được tự hào. Tôi chẳng thể làm khác và cũng chẳng bao giờ tự hỏi vì sao“.
Khi 16 tuổi, Thảo sang Mỹ theo một chương trình trao đổi học sinh.
Thảo nhớ lại:
„Ở đó, một lần tôi được hỏi tôi muốn gì, sự hình dung của tôi ra sao. Sau một năm, khi từ Mỹ trở về, tôi cảm nhận như một cú sốc văn hóa“.
Giờ đây, Thảo mới cảm nhận được áp lực to lớn, đòi hỏi phải luôn luôn đạt thành tích, luôn luôn thành công, luôn vì gia đình. Thảo giải thích:
„Gia đình chúng tôi đã phải trải qua một quá trình giằng xé đau đớn, cảm thấy như các thành viên trong gia đình xa rời nhau, để rồi chúng tôi lại tìm lại bên nhau“.
Một thời gian sau, cha mẹ Thảo cũng chia tay. Thảo nhận xét:
“Chúng tôi đã tự giải thoát mình khỏi điều mà chúng tôi luôn cảm tưởng rằng điều đó là hoàn toàn đương nhiên. Giải thoát khỏi những ràng buộc của truyền thống đối với cha mẹ tôi từ khi lớn lên ở Việt Nam”.
Thảo không còn phải trở thành bác sĩ nữa, không phải hứng chịu gánh nặng của danh dự gia đình. Thay vì điều đó, Thảo lên Berlin, làm việc tại nhà hát và học một ngành khoa học nhân văn.
Cha mẹ Thảo giờ đây vẫn quan hệ tốt với nhau và thỉnh thoảng cùng con gái về Việt Nam. Thảo cười và nói:
“Cho tới bây giờ, ông bà nội tôi vẫn làm như cha mẹ tôi chưa bao giờ chia tay nhau”.
Thảo đã tự giải thoát mình khỏi truyền thống, mà không quên văn hóa. Phải chăng người ta phải rời xa quê hương rồi mới hiểu được mình là ai.”
Do cuộc sống khó khăn từ xưa, người Việt Nam thường phải nỗ lực kiếm tiền để sinh sống và dành dụm phòng khi cơ nhỡ. Thế hệ thứ nhất của người Việt ở Đức còn có nhiều mối quan hệ, phải giúp đỡ cha mẹ, họ hàng ở quê nhà.
Nhưng thế hệ thứ hai chắc sẽ không coi đó là bổn phận nữa.
Thế hệ thứ hai của người Việt ở Đức cũng không trông chờ cha mẹ kiếm được nhiều tiền để dành cho con, chúng sẽ có ý thức tự kiếm ra tiền để tiêu, điều chúng mong muốn ở cha mẹ là hiểu được và cảm thông với những suy nghĩ, mong muốn của chúng, cho phép chúng được theo đuổi những sở thích, được trải nghiệm những gì chúng muốn làm, tự rút kinh nghiệm nếu bị thất bại.
Mong rằng các bậc cha mẹ người Việt ở Đức cố gắng hiểu được con mình và thế hệ thứ hai cũng cố gắng hiểu được cha mẹ mình để giảm thiểu những bất đồng có thể dẫn tới xung đột.
Nguồn: Báo Dân Việt