Trong những ngày này, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới mà tâm điểm là tại khu vực châu Âu, rất nhiều Việt kiều ở châu Âu nói riêng và trên thế giới đã và đang hồi hương để tránh dịch.
Nhưng, chị Quỳnh Trang lại không lựa chọn theo số đông ấy, chị quyết định ở lại Đức dù đã có kế hoạch và đặt vé về Việt Nam trước khi bùng phát dịch.
Chị cho rằng “ở Đức an toàn, ở Việt Nam cũng an toàn, chỉ có hành trình về là nguy hiểm, hãy tự bảo vệ mình trước đã”.
NDĐT xin giới thiệu tới độc giả chia sẻ của chị Quỳnh Trang về quyết định ở lại giữa tâm dịch. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Khi virus Covid-19 tấn công Vũ Hán, không ai có thể tưởng tượng, thứ nhỏ nhoi ấy lại có thể làm cả thế giới “toang” với tốc độ chóng mặt đến thế này và có vẻ như, còn nhanh hơn nhận thức của con người.
Sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới ở Đức, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, tôi còn đặt vé về Việt Nam, quá cảnh ở Bắc Kinh một ngày để thăm thú.
Nhưng Vũ Hán thất thủ chỉ sau hai tuần và những ngày sau đó, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc diễn biến phức tạp đến mức khó kiểm soát. Lệnh cấm bay và nhập cảnh được ban hành, chuyến bay của tôi bị hủy bỏ. Ở thời điểm đó, châu Âu mới chỉ ghi nhận vài chục ca mắc Covid-19 đã được kiểm soát, riêng Đức chỉ có 16 ca và hồi phục 100% tính đến 25-2, Việt Nam cũng vậy.
Foto: Những kệ rau tươi, hoa quả trống trơn ở siêu thị.
Tôi cũng như những du học sinh và người dân ở Đức, vẫn rất lạc quan, đi du lịch và tham dự lễ hội ở khắp nơi.
Và như đã nói, tốc độ lây lan của Covid-19 nhanh hơn cả nhận thức của con người và vì sự di chuyển, tiếp xúc xã hội tăng cao trong mùa lễ hội, châu Âu thất thủ chỉ trong ba tuần sau đó.
Một tuần trước khi dịch chính thức bùng phát ở châu Âu, tôi đặt vé về Việt Nam của Air France, bay từ Munich, quá cảnh ở Paris về Tân Sơn Nhất. Mỗi ngày, mặc định bản tin của tôi trên màn hình điện thoại là bảng thống kê tình hình dịch Covid-19 trên thế giới. Nhìn “cuộc đua” của Ý, Pháp, Đức với hàng trăm hàng ngàn ca nhiễm mới trên bảng thống kê này mỗi ngày, trong tôi trống rỗng và hiểu, đường về nhà ngày một xa.
Trong hai tuần, dịch Covid-19 lây theo cấp số nhân, nhanh đến chóng mặt. Ngày nào tôi cũng đọc tin tức, xem tình hình châu Âu thế nào rồi, đã cấm bay chưa, đã đóng cửa biên giới chưa, đã có lệnh cách ly bắt buộc chưa, giải pháp tiếp theo là gì,…
Con đường đi bộ vắng bóng người ở trung tâm thành phố Ingolstadt, bang Bayern, CHLB Đức.
Trên các hội nhóm du học sinh tại Đức, nhiều cuộc tranh luận nổ ra, ai cũng hoang mang việc nên ở lại hay về.
Những bạn đã đặt vé liệu có về được hay không? Những bạn chưa đặt vé có nên về không? Ở lại thì sống thế nào khi không còn việc làm thêm mà chi phí thì đắt đỏ? Hết hạn visa trong thời gian này thì phải làm sao? Về rồi liệu có sang được nữa không? Hàng ngàn câu hỏi, hàng ngàn quan điểm và những thông tin được các bạn thu thập hằng ngày, cho đến giờ, mọi thứ vẫn chưa có hồi kết.
Hôm nay, Air France gửi email cho tôi, hỏi tôi rằng, liệu tôi có muốn đổi chuyến bay sớm hơn để hồi hương không, vì từ sau 23-3, hầu hết các chuyến bay sẽ bị hủy bỏ.
Tôi quyết định không về. Ở Đức an toàn, ở Việt Nam cũng an toàn, chỉ có hành trình về là nguy hiểm, tôi đang khỏe mạnh, tôi không mạo hiểm. Tôi không biết mình sẽ gặp Covid-19 ở đâu, trên tàu ra sân bay, ở sân bay trên máy bay hay chỉ bằng một cái chạm tay vô tình vào nắm cửa.
Về nhà hay ở lại, đối với tôi không có gì khác nhau nhưng nếu hành trình về không thuận lợi, tôi chẳng phải sẽ có thể lây bệnh và trở thành nguồn lây nhiễm tiếp theo khi về tới Việt Nam hay sao.
Dù thế nào, Đức không bỏ rơi tôi, Việt Nam sẽ dang tay đón tôi nhưng bản thân tôi phải tự vệ trước Covid-19 đã. Trong đó, việc hạn chế di chuyển và tiếp xúc xã hội, chính là giải pháp được khuyến cáo hiện giờ. Mong từng ngày, từng ngày cơn nạn qua đi, để học sinh, sinh viên được tới trường, để mọi người vui vẻ sống, để kinh tế thế giới được phục hồi.
NGUYỄN QUỲNH TRANG, Nhandan
Du học sinh Việt Nam tại thành phố Ingolstadt, bang Bayern, CHLB Đức