Ngày 26/1, Nguyễn Thị Thu Hoài (29 tuổi), học thạc sĩ ngành Tài chính ở Đức, đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, kết thúc hành trình hồi hương hết gần một ngày.
Hoài cho hay đây là chuyến bay dài nhất của cô từ trước tới giờ. Do say tàu xe, nữ du học sinh cảm thấy rất mệt.
Tuy nhiên, cô vui vì sau hơn 3 năm xa nhà lại được ăn Tết truyền thống bên gia đình.
Hành khách đến làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh.
Lên kế hoạch từ sớm
Hoài lên kế hoạch về thăm nhà từ hơn một năm trước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp nên giờ cô mới có thể thực hiện.
Trước khi đặt vé máy bay, Hoài tìm hiểu kỹ về quy định cách ly cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Cô cũng cân nhắc lựa chọn chuyến bay thuận tiện nhất.
Sau đó, Hoài cần chuẩn bị giấy tờ cần thiết gồm kết quả xét nghiệm PCR âm tính có hiệu lực trong 72 giờ, hộ chiếu vaccine, bảo hiểm du lịch, passport còn hạn trên 6 tháng.
Hơn 3 năm xa nhà, Hoài nhiều lần phải hoãn kế hoạch hồi hương vì dịch bệnh. Ảnh: NVCC.
Hành trình từ Đức về Việt Nam của Hoài quá cảnh ở Phần Lan, Thái Lan và Campuchia. Theo cô, đây là chuyến đi khá dài và mệt mỏi do phải transit nhiều lần.
“Ban đầu, mình dự định đi qua cửa khẩu Mộc Bài về Việt Nam sau khi tới Campuchia. May mắn là đường bay từ Campuchia về TP.HCM được mở và mình kịp đặt thêm vé về sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện tại, mọi người có nhu cầu có thể mua vé bay thẳng hoặc transit chỉ một lần và không cần qua Campuchia nữa. Đây cũng là tin vui cho những người xa quê như mình”, cô nói.
Lựa chọn hãng Angkor Airlines, Hoài cho biết chuyến bay rất thuận lợi. Tới Campuchia, cô cần test nhanh Covid-19. Nếu kết quả âm tính, hành khách có thể lên máy bay tiếp về TP.HCM, còn ngược lại sẽ phải ở lại Campuchia cách ly.
Do đó, theo Hoài, mọi người cần cẩn thận để không bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển, tránh trường hợp bị kẹt lại nước ngoài. Bên cạnh đó, cô cho rằng bảo hiểm du lịch là cần thiết để chi trả những chi phí liên quan tới Covid-19 và sức khỏe trong chuyến bay.
“Tổng hành trình của mình về tới Tân Sơn Nhất là 22 tiếng, trong đó từ Đức về Campuchia gần 17 tiếng, còn lại là làm thủ tục về TP.HCM. Nhiều bạn khác còn bay hơn 30 tiếng, tới Tân Sơn Nhất còn thêm chặng nữa về các tỉnh, thành”, cô kể.
Điều khiến Hoài ấn tượng là nhân viên tại sân bay nhiệt tình, quá trình làm thủ tục khai báo nhập cảnh rất thuận lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, hôm cô bay về có khá đông người dẫn đến tình trạng quá tải. Có một số không kịp làm thủ tục lên chuyến bay kế tiếp.
Muốn ôm mẹ đầu tiên
Do mẹ đã lớn tuổi, Hoài cách ly tại khách sạn để đảm bảo an toàn cho cả nhà. Hết 3 ngày cách ly và test PCR âm tính, cô có thể trở về bên gia đình.
“Điều đầu tiên mình nghĩ tới là ôm mẹ, sau đó đi ăn ‘sập tiệm’ ở Sài Gòn. Khi xa nhà, mình rất nhớ những món ăn tại Việt Nam. Tết Nguyên đán sắp tới, mình không có dự định gì đặc biệt, chỉ cần ở bên gia đình là vui rồi. Mình cũng mong có dịp hội ngộ người thân và bạn bè cũ”, cô nói.
Theo Hoài, Việt Nam hiện mở trở lại một số đường bay thẳng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mọi người hồi hương. Tuy nhiên, giá vé của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vẫn cao hơn rất nhiều so với các hãng bay quốc tế khác. Bên cạnh đó, hầu hết vé giá rẻ khó tới tay người dân. Đây cũng là lý do nữ du học sinh lựa chọn hãng hàng không nước ngoài để về Việt Nam.
“Mình hy vọng sắp tới, đường bay quốc tế sẽ được mở cửa hoàn toàn. Các hãng nội địa có thể đảm bảo mức giá đúng thương mại tới tay người dân để tạo điều kiện cho tất cả được về quê hương thuận lợi hơn”.
Hiện Hoài kết thúc học thạc sĩ về Tài chính và sắp tới làm việc cho công ty về chất bán dẫn tại Đức.
“Theo kế hoạch, mình sẽ quay lại Đức vào tháng 4 để kịp lo giấy tờ và nhà cửa trước khi đi làm. May mắn là trong quá trình học và đi thực tập trước đó, mình được công ty bên này giữ lại làm việc chính thức. Tuy nhiên, do chưa viết xong luận án, mình xin công ty cho đi làm vào giữa năm nay để kịp về thăm nhà. Đó là lý do mình quyết tâm về đón Tết ở Việt Nam năm nay”, cô nói.
Nguồn: ZING