Trước đây, nhiều người Việt Nam tại Đức nghĩ rằng sau này họ sẽ về Việt Nam an dưỡng tuổi già, nên nhiều người đã gửi tiền về mua đất làm nhà.

Nhưng rồi tuổi già xồng xộc tới, bệnh tật phát sinh, chưa kể những người đã qua đời vì bệnh tật khi còn rất trẻ.

Đến lúc này, nhiều người mới nhận ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe tốt của Đức là cần thiết và quyết định phải ở lại.

 Bất chấp mọi người có muốn hay không, thời gian cứ thế vùn vụt trôi qua, thấm thoát, năm nay nước Đức năm nay đã chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ, một sự kiện, một bước ngoặt lớn đối với người Đức, nhưng cũng là một bước ngoặt quyết định đối với việc hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt tại Đức.

Theo võ đoán của tôi, số người Việt sang CHDC Đức trước năm 1985 và còn ở lại nước Đức hiện nay không nhiều.

Phần lớn là sang sau khi ký lại Hiệp định Chính phủ giữa CHXHCN Việt Nam và CHDC Đức năm 1986, theo đó phía Đức đồng ý tiếp nhận 60.000 nhân công Việt Nam sang theo diện "hợp tác lao động", bắt đầu sang ồ ạt từ năm 1987.

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập tới cuộc sống của những người Việt sang CHDC Đức trước và sau năm 1990 cùng với gia đình họ.

Sau khi nước Đức tái thống nhất, đa phần công nhân lao động theo hiệp định đã nhận tiền bồi thường 3.000 DM và về nước, để lại những người đồng hương với tương lai vô định giữa cơ hội và thách thức.

Với việc phần lớn các nhà máy ở CHDC Đức phải đóng cửa và sa thải nhân công, những người còn lại phải bươn chải kiếm sống và tranh thủ kiếm tiền để phòng khi không được ở lại lâu dài.

Vì vậy, nhiều người đã đi buôn lậu thuốc lá, băng nhạc và nhiều người đã phải trả giá cho việc này là bị trục xuất về nước.

Nhưng phần lớn còn lại đã chăm chỉ làm việc, tìm kiếm phương thức làm ăn mới là nhảy vào kinh doanh.

Cho tới nay, nhiều người đã thành đạt và phần lớn đã có quy chế lưu trú lâu dài, ổn định cuộc sống và gia đình.

Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là trong 10-15 năm nữa, cuộc sống của họ sẽ ra sao?

Ngoại trừ một số ít mà phần lớn là đội trưởng, phiên địch có độ tuổi từ 60-65 trở lên, phần lớn số còn lại có độ tuổi từ 45 tới 60, mà tối đa từ 5 tới 20 năm nữa sẽ đến tuổi nghỉ hưu.

quan an a chau

Theo tôi được biết, trong số này, những người đi làm thuê và bắt buộc phải có bảo hiểm y tế và hưu trí khá ít, mà phần lớn là kinh doanh tự lập, có thể đóng bảo hiểm y tế, nhưng không nghĩ tới đóng bảo hiểm hưu trí, vì việc này không bắt buộc.

Như vậy, khi đến tuổi nghỉ hưu, họ sẽ không có lương hưu, hoặc lương hưu rất thấp, nên phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội cơ bản (Grundsicherung).

Tôi nhớ rằng, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam từng nhận xét: Người Việt Nam có thói quen là miếng ăn ngon bao giờ cũng để dành sau cùng. Có lẽ đó là lý do vì sao người Việt chúng ta, ngoài việc lo cho cha, mẹ là lo dành dụm cho các con, ít lo cho cuộc sống của mình sau này.

Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của người Việt Nam ta ở Đức, mà là vấn đề của nhiều sắc tộc người nước ngoài ở Đức như người Thổ Nhì Kỳ.

Theo một công trình nghiên cứu được công bố mới đây của Viện Kinh tế và Xã hội học thuộc Quỹ Hans-Böckler, hơn 40 % người nhập cư ở độ tuổi hưu trí bị rơi vào tình trạng đói nghèo, nhiều gấp 3 lần tỉ lệ của người Đức.

Theo định nghĩa của EU, người nghèo hoặc có nguy cơ nghèo là người có thu nhập dưới 60% so với thu nhập trung bình. Theo đó, những người độc thân phải sống với thu nhập dưới 848 Euro và hai vợ chồng dưới 1278 Euro.

Như vậy, hiện nay có khoảng 270.000 người nước ngoài ở độ tuổi hưu trí sống trong cảnh đói nghèo so với 170.000 người năm 2006.

Trước đây, nhiều người Việt Nam tại Đức nghĩ rằng sau này họ sẽ về Việt Nam an dưỡng tuổi già, nên nhiều người đã gửi tiền về mua đất làm nhà. Nhưng rồi tuổi già xồng xộc tới, bệnh tật phát sinh, chưa kể những người đã qua đời vì bệnh tật khi còn rất trẻ. Đến lúc này, nhiều người mới nhận ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe tốt của Đức là cần thiết và quyết định phải ở lại.

Cũng tới lúc này, nhiều người mới nhận ra sự khác biệt giữa cha mẹ và con cái không chỉ là sự mâu thuẫn về thế hệ, mà là sự mâu thuẫn về văn hóa nữa.

Phát biểu với báo chí Đức năm 2011, anh Vũ Quốc Nam, Chủ tịch Hội đồng hương Kinh Bắc đã thẳng thắn nhận xét:

"Chúng ta phải thực tế. Tình hình gia đình không còn như ở Việt Nam nữa. Con cái chúng ta đã là người Đức".

Có nghĩa là, do giáo dục của xã hội và điều kiện công ăn việc làm, con cái người Việt ở Đức không thể trông nom cha mẹ khi về già như ở Việt Nam.

Vì vậy, anh Vũ Quốc Nam đã cùng một công ty Đức muốn vận động chính quyền Berlin hỗ trợ việc xây dựng một nhà dưỡng lão cho người Việt cao tuổi ở Đức.

Tuy nhiên, việc có kinh phí cho dự án này rất khó, vì đa phần người Việt ở Đức không có lương hưu trí.

Nếu vấn đề này không thể giải quyết được, nhiều người Việt khi đến tuổi hưu trí ở Đức sẽ gặp khó khăn, vì chỉ nhận được trợ cấp xã hội ở mức tối thiểu và nhiều người không biết tiếng Đức, khó có thể hội nhập vào xã hội Đức.

 

Theo Văn Long
Thời Báo




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC