Là người con xa quê ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, chàng Việt kiều Đức Thắng Lưu lại quyết định quay trở về Việt Nam để phát triển sự nghiệp sau hơn 30 năm sống nơi đất khách quê người.
“Lúc đầu tôi lưỡng lự khi được rủ về Việt Nam”
Sinh ra và lớn lên ở Đức, anh chàng Thắng Lưu - hiện là chủ một nhà hàng Việt, điều hành song song với một tiệm bán kebab (Kebab - còn được viết kebap, kabab... là một món ăn sử dụng thịt nướng phổ biến tại Trung Đông, Đông Địa Trung Hải, và Nam Á...
Anh Thắng Lưu bên quầy bán kebab của mình Nguyễn Anh
Các món kebab rất đa dạng, thông thường sử dụng thịt cừu và bò, ngoài ra còn có gà, lợn, dê, và cả cá, tôm, cua) cùng nằm trên phố Tây Bùi Viện, không ngờ rằng có một ngày mình lại yêu và muốn sống ở quê cha đất mẹ (bố mẹ anh đều là người Việt) đến vậy.
“Hồi còn ở Đức, tôi làm nhiều công việc lắm. Chuyên ngành của tôi là công nghiệp cơ khí, nên sau khi tốt nghiệp, tôi trở thành kỹ sư, có nơi làm việc riêng, chuyên chuẩn bị và sửa chữa máy móc nên không ngơi tay gần như 24/7, lúc nào cũng làm. Sau đó, khi thấy chán quá, tôi chuyển qua nhảy nhót, nào là sang Hollywood học nhảy và về lại Đức làm vũ công và giáo viên dạy nhảy tự do.
Và tôi biết rằng, khá khó để làm điều này ở Đức vì nước Đức không có nhiều siêu sao để làm việc cùng như ở Mỹ. Sau đó tôi chuyển qua làm cho công ty của chị tôi tại Düsseldorf nhưng mọi thứ cũng không suôn sẻ, chúng tôi thất bại. Rồi tôi chuyển qua làm ở quầy cocktail, phục vụ quán café, cả nhà hàng Nhật nữa”, anh Thắng kể lại khoảng thời gian ‘chật vật’ ở trời Tây.
Anh Thắng Lưu khi còn làm ở quầy cocktail - Ảnh: NVCC
Cho đến khi một người bạn, đồng thời là sếp cũ, rủ anh về Việt Nam, anh lưỡng lự. Chính anh cũng không hiểu vì sao. “Có thể là vì tôi sinh trưởng ở nước ngoài, tôi cảm thấy mình không có mối liên hệ nào mật thiết với Việt Nam, nên tôi nghĩ đó là điều đã xảy ra với tôi lúc đầu”, khuôn mặt anh Thắng đăm chiêu. “Nhưng bằng cách nào đó mà anh bạn của tôi đã thuyết phục được tôi, và thế là tôi theo anh ấy về Việt Nam. Bây giờ tôi cảm thấy rất thích và tôi thực sự yêu quý nơi này”, anh nói.
“Kể từ khi tôi về nước (2 năm), bố mẹ có sang Việt Nam thăm tôi. Một trong hai người chị của tôi cũng về đây thăm tôi nữa. Nhưng tôi lại không có cơ hội về Đức. Thú thật là tôi không có sự hối thúc mạnh mẽ nào để quay về Đức sớm cả. Tôi thích sống ở đây lắm. Tất nhiên tôi sẽ trở lại để xem cuộc sống ở Đức đã thay đổi như thế nào. Nhưng tôi đã xem Việt Nam như là nhà, và ngoài ra tôi còn có công việc cần chú tâm coi quản, đây cũng là lý do tôi cần ở lại Việt Nam.”
“Lẽ ra tôi nên về Việt Nam sớm hơn mới phải”
Đang điều hành một nhà hàng Việt Nam, anh Thắng Lưu lại bắt tay vào kinh doanh thêm một cửa hiệu nhỏ chuyên về.. kebab.
Anh kể một tối đi làm về, tình cờ ghé mua kebab gần nhà hàng, anh cảm thấy ngon và trở thành khách quen. Nhưng rồi quán đóng cửa không lý do, anh hỏi thăm và sau đó nảy sinh ý định mua lại quán để tiếp tục kinh doanh.
Một món ăn được phục vụ tại nhà hàng - Ảnh: Nguyễn Anh
Khi nghe điều này, phần đông mọi người cười nhạo anh, vì cho rằng anh đang bán loại thức ăn đã có quá nhiều ở Việt Nam, làm thế chẳng khác nào tự giết mình.
Có người thắc mắc sao anh không ở Đức mà sống, vì nếu là họ thì họ sẽ chọn sang Đức ở cho sướng.
Tuy nhiên, anh Thắng thổ lộ, anh thích là người 'nước ngoài' ở Việt Nam hơn là một người Việt sống ở Đức.
“Ở Đức, bạn có thể hưởng một nền giáo dục tốt, học cách sắp xếp mọi thứ một cách nâng cao hơn, phải luôn đúng giờ và chính xác. Những suy nghĩ đó thấm vào người bạn, đến khi bạn về Việt Nam, chúng khá hữu dụng. Nhưng có nhiều thứ ở Việt Nam khác với Đức lắm, như giá trị gia đình chẳng hạn, đó là lý do tôi thích cuộc sống ở đây và chúng truyền cảm hứng cho tôi tiếp tục cuộc sống tại Việt Nam. Tôi nghĩ mình nên tới đây sớm hơn, khoảng 4 năm trước chẳng hạn.”, anh cười.
Anh Thắng Lưu lúc sống tại nước ngoài - Ảnh: NVCC
Với anh, Việt Nam rất năng động, nội tại con người Việt Nam ham học hỏi, lại linh hoạt, thân thiện, ấm áp, ân cần và có lòng kính trọng người khác. Đó là những thứ mà theo anh Thắng là không thể thấy nhiều khi sống ở nước ngoài.
Anh trải lòng,
“Tôi học được những giá trị lớn về đời sống, xã hội, cho đi và nhận lại. Những thứ ‘giao tiếp’ đó tôi không nhận thấy nhiều khi còn ở Đức, hay cuộc sống ở phương Tây nói chung. Đó là những thứ giữ tôi ở lại nơi này. Việt Nam với tôi là như thế”.
Nguồn: Trúc Huỳnh
Báo Thanh Niên