Lần đầu vào chợ, tôi giật cả mình vì tiếng rao mời ăn… lòng lợn từ một người đàn ông đã ngoại 60 tuổi. Giữa phố chợ người Việt, món lòng của bác khá đắt hàng nên chỉ tầm non trưa, xô lòng lợn đã hết.

Nhiều người Việt tới Berlin, thủ đô nước Đức đều háo hức muốn vào thăm khu “chợ Việt điển hình” là chợ Đồng Xuân nằm trên con phố Herzberg ở quận Lichtenberg.

Thực ra, ngay cả khi bạn lạ đường- chỉ cần gặp một người Việt bất kỳ đi trên đường phố Berlin cũng có thể được chỉ đường chính xác tới khu chợ này. 

Câu chuyện của tôi với bác ban đầu khá dè dặt, vì bác không muốn nói tên tuổi, nên tôi gọi đại tên bác là bác Đức. Sau đó thì chuyện mặn mà dần.

Bác Đức kể:

“Tôi sang Đức đi xuất khẩu lao động từ năm 1982. Về nước được khoảng 2-3 năm, nhớ nước Đức nên tôi quay lại. Hành trình cũng gian nan lắm, ban đầu là sang Nga, Ucraina rồi mới vượt biên vào Đức năm 1993 và sống bằng nghề bán lòng lợn, tiết canh ở những khu phố đông người Việt”.

Khi chợ Đồng Xuân thành lập (năm 2006), bác là một trong những người đầu tiên quây quần vào chợ.

Bác thường dậy khoảng 4 giờ sáng tới lò mổ lấy lòng lợn rồi về sơ chế. Nói về bí quyết lòng ngon, bán đắt hàng, bác nói:

“Tôi không mua lại lòng của các thương lái vì lòng để lâu ăn hoi, không ngon”.

Mang về nhà, bác cũng đúc dồi, luộc tiết, luộc trễ, tràng, dạ dày…

“Những món này ở đây rất rẻ, trễ- tràng, dạ dày ngon mua chỉ 2-3euro/kg (khoảng 53.000-80.000 đồng/kg), lòng non có hôm nhiều còn được cho không. Về mất công nhất là làm món dồi, sau đó luộc lên mang bán cho người đi chợ ăn kiểu như ăn quà”- bác Đức chia sẻ.

Xô... lòng lợn ở chợ Đồng Xuân - 0

Rau Việt Nam là mặt hàng được ưa chuộng và bán chạy ở Đồng Xuân.

Cách đây dăm năm, bác Đức trở về Việt Nam sinh sống, nhưng vì đã quá quen cảnh thức khuya dậy sớm ở Đức nên bác tiếp tục trở lại lần 3.

Bác bảo, ở chợ Đồng Xuân này, trong túi có 10euro là có thể buôn bán được, kiếm gấp đôi, gấp 3 như thế mỗi ngày.

Về VN giờ khó làm ăn, tuổi già như bác không thể kiếm được việc gì làm chân tay nữa rồi.

Hiện giờ tôi sống 1 mình ở Đức, cuộc sống rất ổn. Lúc nào cảm thấy người khó ở, không thể đi được nữa thì tôi nhờ người đưa lên máy bay về VN gửi nắm xương tàn”- bác Đức nói rầu rầu. 

Từ xô lòng lợn của bác Đức mới thấy, người Việt dù đi đâu vẫn thương nhớ da diết những món ăn quê nhà.

Chợ Đồng Xuân có đủ các quán phở, ẩm thực phố cổ, Quán Ngon với các kiểu bún phở từ Nam ra Bắc.

Có lẽ không đâu hội tụ nhiều phong cách ẩm thực Việt như ở chợ Đồng Xuân. Đồ ăn vặt có các loại bánh, từ bánh nếp, bánh rán, bán cuốn tới loại bánh tưởng khó làm như bánh gai cũng bán ê hề.

Chợ rất đông vào thứ 7, Chủ nhật, là thời điểm các gia đình ở các tỉnh lên Berlin mua đồ, gia vị Việt và đi chơi, đi giao lưu cho đỡ nhớ nhà. Hôm chúng tôi tới, tại đây đang có cuộc giao lưu hội ngộ giữa những người cùng quê Hà Nội.

Và tất nhiên, các món ăn Hà Nội trở thành “đầu câu chuyện” cuốn hút mọi người vào một tình cảm chung, thiêng liêng.

Xô... lòng lợn ở chợ Đồng Xuân - 1

Các món xôi, chè thuần Việt được bày bán khá nhiều ở chợ.

Trong chợ cũng có hàng chục siêu thị bán thực phẩm Việt, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có- từ măng khô, miến, mọc nhĩ tới nấm hương, bánh đa...

Anh Nguyễn Việt Hùng- thu ngân tại cửa hàng Asia Hương Việt cho biết:

“Thuê mặt bằng khá đắt, 24euro/m2/tháng. Nhưng bù lại, thực phẩm Việt rất hút khách, không chỉ phục vụ người Việt mà cả dân Đức, dân châu Á trong khu vực. Trong đó rau Việt Nam là mặt hàng bán chạy nhất”. 

Thủ đô Berlin của CHLB Đức hiện có 2 trung tâm thương mại lớn là Đồng Xuân Centre và Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương, là đầu mối giao thương giữa Berlin với các thành phố khác ở Đức.

Đồng Xuân Centre có diện tích 18ha, thu hút gần 4.000 người Việt Nam định cư sinh sống

Huyền Thanh
Nguồn: Dân Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC