Những ngày đầu sang trại tị nạn ở Tây Đức, Ái Vân chịu đủ mọi áp lực về tinh thần nhưng đỉnh điểm vẫn là câu chuyện bị đồn đóng phim con heo.
Foto từ trái sang: Ái Vân, ca sĩ người Nga và ca sĩ Lệ Quyên
Ở hay trở về ?
Sang Đức, tôi được xếp cho ở một căn hộ 3 phòng, đó là nhà khách của Bộ Văn hóa. Tôi viết đơn ly dị gửi tòa và chàng Tập Hai. Đơn vừa gửi đi ít ngày Bộ Văn hóa Đức nhắn tôi lên, nói: “Như bà đã biết, Bức tường Berlin đã đổ, sang tháng 3 chúng tôi sẽ tổng tuyển cử. Khi tổng tuyển cử thì tất cả những nghị định ký trước đây của nước Cộng hòa dân chủ Đức đều không còn hiệu lực. Ngay đến chúng tôi cũng không biết có còn ngồi ở cái ghế này hay không. Cho nên từ bây giờ bà nên tự lo cho bà đi”. Tôi sững sờ không biết làm sao. Ở hay về, hay phải làm sao đây?
Đúng lúc đó có một đoàn VN sang công tác, trong đó có anh Phạm Ái Nhân, bạn thân của gia đình tôi. Anh Nhân đưa thư và băng cassette ghi âm tiếng nói của bà Khanh, người giúp việc cho gia đình nhỏ của tôi, khi tôi đi bà vẫn ở lại để chăm cháu Vũ. Bà Khanh không biết chữ, bà nhờ ai đó viết cho tôi cái thư và ghi âm lời nói của bà: “Cô ơi từ hôm cô đi, chú đổ điên, ngày nào cũng rượu say sưa xong về quát tháo và đánh cháu Vũ. Tối hôm 30 tết, không biết chú ở đâu về say, vào nhà chú khóa cửa và đánh cháu Vũ, dập chân bẻ tay xuống dát giường.
Cháu Vũ khóc quá mà chú cấm không cho cháu (tức bà Khanh) được kêu. Ngày hôm sau cháu Vũ ăn xong đi ra chúc tết ông bà ngoại ở nhà ngoài, chú lôi cháu Vũ ra đường đánh, làm cháu nôn ra cả”. Nghe xong băng tôi chết điếng, đau đớn quá, thương con quá, tháng 2 Berlin rất lạnh, tôi chạy ào ra ngoài trời gào khóc như một con điên.
Ái Thanh đi xuất khẩu lao động vào giữa năm 1989 ở Dresden, cuối tuần đó về Đông Berlin chơi, thăm tôi. Hôm chủ nhật đẹp trời, tôi lấy một túi nhỏ xếp 2 bộ quần áo, giấy tờ, tiền bạc... rồi theo Ái Thanh và 7 người bạn nữa ra Bức tường Berlin. Trong đám bạn của Ái Thanh hôm ấy có Gerhard người Đức. Mọi người bàn nhau để Gerhard xếp hàng cùng và nhận tôi là vợ thì chắc dễ được qua.
Cách chừng 4 - 5 người thấy cậu biên phòng chỉ vào tôi ngoắc ngoắc ra hiệu... đứng ra khỏi hàng. Tôi chỉ vào Gerhard nói: “Tôi đi với chồng, chồng tôi đây”. Cậu lính biên phòng chỉ cái passport của tôi, nói: “Nhưng mà hộ chiếu VN, đúng không?”. Tôi trả lời: “Vâng”, cậu ta bảo: “Mời bà sang cổng thành Alexanderplatz vì cổng đó dành riêng cho người nước ngoài. Cổng này chuyên cho người Đức”.
Tôi buộc rời khỏi hàng. Chán ngán. Sang cổng Alexanderplatz thì chắc chắn không được rồi vì cổng đó họ xét kỹ lắm. Cả nhóm đang đứng ngẩn, chưa biết tính sao, chợt có tiếng đục tường cốc cốc cốc... một mảng gạch rơi xuống. Tự nhiên mọi người ào chạy tới nơi mảng gạch vừa rơi. Cả nhóm 9 người lần lượt chui tường thoát qua Tây Berlin. Rất may trong đoàn Ái Thanh có Tô Sơn, con trai nhạc sĩ Tô Hải, đang làm phiên dịch cho lao động xuất khẩu ở Dresden. Sơn có một cô bạn quen, tên là Bích. Bích đã sang đây từ tháng 11, hiện đang ở trại tị nạn. Cả nhóm quyết định mua vé tàu đến nơi Bích ở.
Thời gian đầu qua Tây Berlin, tôi thấy mình thật bơ vơ và bế tắc. Quá khứ đau buồn khiến tôi không dám ngoảnh lại, tương lai thì mờ mịt, cuộc sống mới đầy bỡ ngỡ. Sau đó bắt đầu phỏng vấn để nhập trại chính thức. Bốn nước gồm Tây Đức cùng đồng minh là Anh, Pháp, Mỹ tham gia phỏng vấn. Lần ấy tôi đi phỏng vấn chỉ có Mỹ và Pháp.
Ông Mỹ hỏi: “Tại sao bà lại muốn xin tị nạn?”. Tôi nói: “Tôi đi tìm tự do” - “Bà có bị đàn áp không?” - “Tôi bị mất nhà” - “Bà có biết ở VN, hài cốt người Mỹ để ở đâu không?” - “Không. Tôi không biết”. Ông Pháp chỉ hỏi qua quýt, rất đại khái. Tôi đâm lo. Ít lâu sau có giấy báo: “Bà không đủ tiêu chuẩn tị nạn chính trị. Nhưng sẽ chấp nhận cho tị nạn nhân đạo”.
Sau hơn 2 tháng, tôi được đưa về trại cố định, trại này toàn người VN nằm trên đường Lassen, chúng tôi gọi luôn là trại Lassen.
Ái Vân và con trai tại Đà Lạt năm 1989
Bị mang tiếng oan
Thời gian đó bỗng rộ lên tin đồn: Ái Vân đóng phim con heo. Không hiểu ở đâu ra. Cứ lao xao thế. Ở VN thì bảo bên Đức đang đồn ầm lên, bên Đức thì bảo nghe mấy người Việt kháo nhau vậy. Ba tôi viết thư sang không dám nói rõ, chỉ hỏi con có khỏe không, có làm sao không.
Tôi biết cả nhà đang lo lắng nhưng chẳng biết làm sao để chứng minh mình “vô tội”. Một hôm gặp cô phiên dịch, chúng tôi thân nhau lắm, cô túm tay tôi kể chuyện: “Dạo này có nhiều người đến trại hỏi thăm chị ghê.
Hôm nọ có chú nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chú hỏi rất nhiều, hỏi đi hỏi lại dạo này Ái Vân thế nào, trông có xanh xao không, có gầy không”. Em hỏi: “Sao chú hỏi thăm chị Ái Vân kỹ thế?”.
Chú trầm ngâm một lúc rồi nói: “Tại chú nghe bên VN đồn là Ái Vân sang đây đóng phim cấp 3. Chú hỏi kỹ thì họ bảo có người xem được một đoạn phim thấy cái lưng giống cổ lắm”. Nghe thế, tôi điên lắm. Tôi tuyên bố nếu ai tìm được cái băng ấy thì bao nhiêu tiền tôi cũng trả. Tóm lại đến tận bây giờ không có cái băng nào cả.
Ái Vân, THANHNIEN